(QNO) - Sáng 27/10, trước diễn biến thời tiết thất thường do ảnh hưởng của bão Trà Mi, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cùng các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã đi kiểm tra một số điểm có nguy cơ sạt lở và chỉ đạo ứng phó theo kịch bản đã dự lường trước đó.
Tại khu vực kè Chu Huy Mân (thị trấn Trà My), dự án được đầu tư năm 2023 với vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng đến nay đã phát huy được hiệu quả và bảo vệ cho hơn 40 hộ dân sống dưới chân đồi. Đây là "điểm nóng" trước đây, mỗi khi có mưa lớn kéo dài, các hộ dân phải di dời đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, ở khu vực Tây thị trấn, vết nứt sạt lở xuất hiện từ năm 2017, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân vẫn chưa được bố trí kinh phí xây dựng kè. Gần đó, khu vực đồi Bảo An cũng có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến 40 hộ dân và nhiều công trình hạ tầng lớn của huyện.
Ông Lê Văn Cưỡng - Khối phố trưởng Khối phố 5, thị trấn Trà My cho biết, đối với 5 hộ dân tại khu vực Tây thị trấn, địa phương luôn cắt cử lực lượng túc trực 24/24 vào mùa mưa bão. Khi lượng mưa đạt tới mức độ cảnh báo, các hộ dân sẽ được di dời phòng trường hợp xấu xảy ra.
[VIDEO] - Ông Lê Văn Cưỡng chia sẻ về tinh thần túc trực sẵn sàng di dời dân tại địa phương:
"Từ nhiều năm nay, người dân ở dưới chân đồi luôn được chúng tôi quan tâm, bên cạnh việc thường xuyên thăm hỏi, theo dõi tình hình sạt lở, địa phương cũng nhắc nhở người dân luôn trong tâm thế sẵn sàng. Địa phương đã làm công tác tư tưởng rõ ràng cho người dân ở các vùng có nguy cơ và không có tình trạng ỷ lại, chủ quan" - ông Cưỡng nói.
Đồi thời, trong sáng ngày 27/10, những khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Bắc Trà My như khu vực đồi Hai Vú (xã Trà Nú) và cầu Sông Tranh 2 (xã Trà Tân), người dân đã được di dời đến nơi ở an toàn.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, địa phương là một trong những nơi có lượng mưa lớn nhất cả nước, trung bình hơn 4.000mm/năm, chính vì vậy, địa phương luôn chủ động phòng chống thiên tai, kể cả trường hợp có bão và không có bão. Huyện đã xây dựng phương án và kịch bản di dời rất cụ thể, kể cả trên trung tâm điều hành IOC và sa bàn mô phỏng.
Trước đây, Bắc Trà My có 405 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó, có 95 điểm nguy cơ cao, hiện nay, địa phương đã phát hiện thêm 80 điểm mới. Huyện liên tục cập nhật để đưa vào phương án phòng chống thiên tai theo quy định.
Lượng mưa đo được trong 1 ngày, cập nhật đến 6 giờ sáng ngày 27/10, nơi cao nhất là xã Trà Giác với 96mm và nơi thấp nhất là xã Trà Bùi với 53mm.
Riêng với bão số 6 - Trà Mi, lượng mưa đến hiện nay với Bắc Trà My chưa lớn, dù hơn 1 ngày nhưng lượng mưa vẫn chỉ ở mức dưới 100mm, chưa thuộc cấp độ phòng chống như kế hoạch. Tuy nhiên, huyện vẫn chỉ đạo các ban ngành, địa phương liên tục theo dõi, chỉ đạo di dời theo cấp độ. Với cấp độ lớn nhất, ở mức thảm họa thì Bắc Trà My phải di dời hơn 5.000 dân ở hơn 400 điểm có nguy cơ sạt lở.
[VIDEO] - Ông Thái Hoàng Vũ thông tin về phương án phòng chống thiên tai của huyện Bắc Trà My:
"Ở từng cấp độ cảnh báo thiên tai, chúng tôi có kịch bản cụ thể. Địa phương đã bố trí sẵn vị trí để lực lượng quân sự tổ chức di dời người dân khi có thông báo. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo các ngành, địa phương liên tục theo dõi, dự kiến nếu tình hình mưa kéo dài tiếp diễn như hiện nay thì trong đêm nay sẽ tiếp tục di dời thêm 30 - 40 hộ dân. Tuy nhiên, hơn hết, ý tức tự di dời của người dân vẫn là quan trọng nhất bởi chính họ mới là người nắm rõ tình trạng xung quanh nhà của mình" - ông Vũ nói.