Bắc Trà My: Sạt lở núi nghiêm trọng

NGUYỄN VĂN BÌNH 18/11/2013 10:51

Vùng núi Trà My từ tối ngày 16 và trong ngày hôm qua 17.11 vẫn duy trì lượng mưa khá lớn, tiếp tục gây lũ làm cô lập và sạt lở núi nghiêm trọng.

Hàng ngàn khối đất đá từ sườn núi bị ngấm nước mưa đã đổ xuống vùi lấp hoàn toàn hơn 100m đường được thảm nhựa, giao thông bị tê liệt. Ông Đỗ Mỹ, một trong 3 hộ dân đang sống dưới chân sườn núi khu vực tổ Đàn Bộ (thị trấn Trà My), vừa thoát hiểm sau vụ sạt lở, nói: “Khối lượng đất đá lở này mới chỉ là một phần của những vết nứt kéo dài trên sườn núi. Nguy hại hơn, vết sạt lở chỉ cách trụ điện cao thế, thuộc đường dây truyền tải 220kV, tải điện từ nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 về TP.Tam Kỳ chỉ khoảng 10m nên trụ điện khổng lồ và quả núi này có thể ập xuống vùi lấp nhà ở của chúng tôi bất cứ lúc nào”. Trước sự nguy hiểm này, ông Mỹ và 2 gia đình còn lại đã đi lánh nạn trong tối ngày 17 và những ngày tiếp đến nếu tiếp tục có mưa.

Điểm sạt lở khổng lồ tại tuyến đường tránh qua thị trấn Trà My, suýt vùi lấp 3 nhà dân tại tổ Đàn Bộ thị trấn Trà My. Ảnh: N.V.B
Điểm sạt lở khổng lồ tại tuyến đường tránh qua thị trấn Trà My, suýt vùi lấp 3 nhà dân tại tổ Đàn Bộ thị trấn Trà My. Ảnh: N.V.B

Theo ông Lê Đình Chiến, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng (thuộc Công ty Truyền tải điện 2, đơn vị chủ quản đường dây cao thế Sông Tranh - Tam Kỳ), thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy. Sau khi xảy ra các sự cố thấm và động đất, thủy điện này huy động phát tối đa công suất để hạn chế tích nước. Đương nhiên đường dây cao thế tải điện trên cũng luôn hoạt động hết công năng và tải điện siêu cao áp 24/24 giờ nên rất nguy hiểm nếu xảy ra ngã đổ. Do vậy, ngay trong sáng 17.11, đơn vị Truyền tải điện Quảng Nam Đà Nẵng đã huy động 36 kỹ sư và công nhân tức tốc tới hiện trường để xử lý khẩn cấp. Qua kiểm tra, đơn vị này đã phát hiện nhiều vết nứt núi bất thường kéo dài rất nghiêm trọng ngay giữa lòng hệ thống trụ điện này. Trưa và chiều 16.11, đơn vị này cũng đã khẩn trương tiến hành gia cố, bổ sung thêm nhiều dây néo để giữ trụ tạm không cho ngã đổ và dùng tấm bạt nilon che phủ các vết nứt núi, không để nước tiếp tục ngấm nhằm hạn chế khả năng xảy ra sạt lở thêm, đồng thời khảo sát tính đến các biện pháp bảo vệ lâu dài. “Khu vực này tiềm ẩn sạt lở núi quá lớn, để bảo vệ lâu dài, sắp tới công ty sẽ thiết kế làm kè kiên cố từ chân cột điện lên tới đỉnh núi mới đảm bảo an toàn trụ điện này lâu dài” - ông Chiến cho hay.

Trong khi đó, theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Bắc Trà My, việc khắc phục đường tắc tại đây hiện vẫn chưa có phương án. Bởi khối lượng đất đá sạt xuống quá lớn, đường tránh này hiện đang trong thời gian quản lý, bảo trì của chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 và Phòng Kinh tế - hạ tầng Bắc Trà My đang tham mưu cho UBND huyện kiến nghị với các đơn vị có liên quan để sớm khắc phục. Trong ngày 17.11, vùng núi Trà My vẫn còn mưa lớn dai dẳng. Nước lũ đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vẫn rất lớn trên gần 2.200m3/s và tự tràn qua các cửa xả tràn, xả về hạ du với lưu lượng trên 2.400m3/s. Do vậy, vùng hạ lưu cầu ngầm Sông Trường và sông Nước Oa trên tuyến DT616 qua huyện Bắc Trà My vẫn bị ngập và nút giao thông này trong chiều hôm nay vẫn bị gián đoạn liên tục. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp trong đợt lũ này, huyện Nam Trà My và 6 xã cánh nam vùng cao của huyện Bắc Trà My bị cô lập do nút giao thông huyết mạch ngầm Sông Trường bị tắc bởi ngập lụt. Tình trạng sạt núi, lở đất ở vùng Trà My đang rất phức tạp và nghiêm trọng, song vì chia cắt, cô lập nên địa phương vẫn chưa thể tiếp cận và kiểm đếm mức độ thiệt hại.

NGUYỄN VĂN BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắc Trà My: Sạt lở núi nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO