Bắc Trà My: Tiếp tục di dân đến nơi an toàn

NGUYỄN DƯƠNG 12/11/2017 10:19

(QNO) - Trong khi những nơi khác đang khắc phục hậu quả của bão lũ, thì riêng với xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My) vẫn đang loay hoay tìm cách đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bởi ở đây, hầu hết các ngọn núi đều đã có dấu hiệu của sự sạt lở.

Tin liên quan

  • Đã tìm thấy hai công nhân thủy điện bị vùi lấp ở Bắc Trà My (clip)
  • Bắc Trà My: Tiếp tục sạt lở núi vùi lấp 10 nhà dân
  • Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình mưa lũ tại Bắc Trà My (clip)
  • Bắc Trà My: Tìm thấy thi thể công nhân thủy điện cuối cùng của vụ sạt lở
Một ngọn núi lớn đã sạt lở, tràn xuống nhà dân tại thôn 2, xã Trà Bui.
Một ngọn núi lớn đã sạt lở, tràn xuống nhà dân tại thôn 2, xã Trà Bui. Ảnh: N.DƯƠNG

Trời ở Trà Bui vẫn còn những đợt mưa lớn. Con đường độc đạo từ trung tâm thị trấn Trà My lên đây đã bị chia cắt hoàn toàn bởi vô số điểm sạt lở lớn. Tất cả người dân hiện nay muốn đi ra ngoài để mua nhu yếu phẩm đều phải di chuyển bằng thuyền men theo dòng sông Tranh mới xuống được thân đập phụ của thủy điện sông Tranh 2. Theo ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui, do ở đây vẫn còn mưa lớn kéo dài nên tại những khu dân cư người dân đang ở vẫn đang trong vòng nguy hiểm. Các ngọn đồi đã có dấu hiệu sạt lở nên chính quyền xã trong những ngày qua phải liên tục đến từng thôn để đưa người dân đến tạm trú ở những nơi an toàn hơn. “Trong 2 ngày qua, chúng tôi đã đến các thôn bị cô như thôn 7, 8, 9 để xem xét tình hình rồi đưa người dân tránh trú. Nơi thì tập trung vào các trường học cao ráo, nhưng có nơi cũng phải dựng lán, trại cho người dân ở tạm qua mùa mưa này” - ông Tiến cho biết.

Trong 2 ngày, đã có 300 hộ dân với trên 1.000 người dân các thôn bị cô lập được chính quyền địa phương di dời ra khỏi vùng sạt lở. Ông Hồ Văn Biên - Trưởng Công an xã Trà Bui cho hay, đối với những thôn bị cô lập hoàn toàn như thôn 4 hay các thôn 7, 8, 9 thì cán bộ xã đều đã trực tiếp lên thị sát và kiểm tra tình hình. Những nơi thiếu lương thực thì xã đã bố trí để giúp họ có cái ăn trong những ngày này. “Đa số bà con ở đây sống cách khá xa nhau, mỗi nóc, mỗi thôn chừng mười mấy nhà nên cũng khó hỗ trợ nhau. Thêm vào đó, nguy cơ sạt lở ở những nơi này luôn tiềm tàng nên chúng tôi tiến hành di dời họ lên những nơi cao ráo hơn, an toàn hơn. Người thì lên các điểm trường của thôn, người thì đưa qua phía bên kia sông tá túc ở thôn khác...” - ông Biên nói.

Dòng sông Bui đã làm xói lở một lượng lớn đất đá dưới nền nhà của những hộ ở bên sông.
Dòng sông Bui đã làm xói lở một lượng lớn đất đá dưới nền nhà của những hộ ở bên sông. Ảnh: N.DƯƠNG

Qua điểm trường ở thôn 2 được 2 ngày, nhưng bà Đinh Thị Thủy vẫn nhấp nhổm, muốn được về nhà. “Chưa kịp chuyển đồ, lỡ sập xuống thì mất hết. Nhưng mà về thì cũng... sợ. Mấy lâu ni sống không bị chi hết. Giờ núi đổ ầm ầm rồi. Sợ lắm!” - bà Thủy nói. Những ngày này ở thôn 2, xã Trà Bui vẫn còn mưa nặng hạt. Dòng sông Bui vẫn đe dọa những ngôi nhà ở hai bên lòng sông. Mưa lũ về, dòng sông đã lấy đi khá nhiều phần đất ở dưới móng, lộ ra những khoảng sâu hoắm. Anh Đinh Văn Tèo (thôn 2, xã Trà Bui) tranh thủ lúc trời hửng nắng thì chạy nhanh về nhà để xem còn có gì có thể di chuyển thì đem ra ngoài. “Sợ lắm. Ban đêm thì tuyệt đối không dám về” - Tèo nói.

Ngọn núi phía sau lưng nhà anh đã sạt xuống một mảng lớn khiến con đường đi biến thành vũng đất nhão nhoẹt. Cả đàn heo, con trâu hay mấy bao lúa vẫn còn để nguyên trong nhà không di chuyển. Thấy lạ, tôi hỏi: “Mấy cái này dễ di chuyển, sao không lo mà lo mấy thứ bàn ghế, giường chiếu làm gì?”. “Trâu bò thì tùy nó, nó thích sống thì chạy, không thì thôi, mình không ép. Lúa đó là lúa mới, không ăn được. Trên này cử lắm” - Tèo giải thích. Anh cán bộ của xã Trà Bui, tên Văn, kéo tay tôi nói nhỏ: “Trên này, nếu chưa cúng tết lúa mới thì không được ăn. Kỳ lạ thật. Mưa lũ, đói mà tuyệt đối không ăn gạo mới. Nói mãi rồi mà cũng chịu”.

Dựng lều để giúp người dân thôn 7,8 có chỗ ở tạm trong những ngày mưa bão.
Dựng lều để giúp người dân thôn 7, 8 có chỗ ở tạm trong những ngày mưa bão. Ảnh: N.DƯƠNG

Điều lo ngại của những cán bộ xã Trà Bui hiện nay là người dân do tiếc của nên ban ngày vẫn lén lút về nhà để đưa đồ đạc ra ngoài. “Chúng tôi không thể túc trực 24/24 ở đây được nên khó kiểm soát hết. Giờ giao lại cho cán bộ thôn tuyên truyền, vận động họ không nên làm như vậy chứ cũng không còn cách nào khác” - anh Văn nói thêm.

Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện nay huyện cũng đang tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn cho xã Trà Bui. “Đặc biệt là phải ưu tiên di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hạn chế đến mức tối đa không để thiệt hại về người là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này” - ông Nhuần khẳng định.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bắc Trà My: Tiếp tục di dân đến nơi an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO