Ngày 22.12.1978, Binh nhất Nguyễn Hữu Khôi (SN 1960, quê Tam Kỳ) cùng đồng đội băng qua biên giới đoạn Đức Cơ tỉnh Gia Lai và bắt đầu hành tiến suốt ngày đêm tìm diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt, và đến ngày 7.1.1979 tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Hồi ức đó trở thành cuốn phim không thể nào quên.
Quân tình nguyện Việt Nam được người dân Campuchia chào đón. Ảnh tư liệu |
Ngày đi, đêm gác
Sáng sớm ngày 22.12.1978, pháo cối đã dội lửa vào các điểm chốt của Pôn Pốt bên kia biên giới. Tại quốc lộ 19 Đức Cơ tỉnh Gia Lai qua tỉnh Ratanakiri, tiếng bánh xích xe tăng nghiến trên nền đất rừng, bước chân của những người lính trẻ vượt qua những cánh rừng thấp đầy lá khô phát ra âm thanh xào xào. Dọc tuyến biên giới từ Ngã ba biên của Kon Tum đến điểm cuối là cửa khẩu Xá Xía của tỉnh Hà Tiên đồng loạt tổ chức tiến quân sang cứu nhân dân Campuchia đang quằn quại trong cảnh chết chóc kinh hoàng.
Mặt trận của Quân khu 5 nằm trên địa bàn biên giới Gia Lai bao gồm Sư đoàn 307, 309 và một số đơn vị trực thuộc như Trung đoàn pháo 576, 572. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang của các tỉnh thời đó đều chi viện quân cho chiến trường để làm nhiệm vụ quốc tế, tiến vào đất nước Campuchia hoang tàn. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Khôi nhớ lại: “Mỗi chiến sĩ mang theo một ruột tượng gạo nặng khoảng 15kg và lương khô. Về vũ khí, được cấp khẩu AK và cơ số đạn 300 viên, gồm 3 hộp mang theo, 1 hộp trong súng và 1 hộp buộc ngược trên báng súng, đạn rời bỏ trong túi, thêm 3 quả lựu đạn”.
Lúc đó, anh em trung đội trưởng trở lên đều là lính đã trải qua thời đánh Mỹ và có nhiều kinh nghiệm trận mạc, phần lớn quê ở phía Bắc; còn anh em tân binh lần đầu tiên ra trận nên cũng thoáng lo âu. Những ngày chưa đánh qua biên giới, hàng đêm đều nghe súng AK nổ chát chúa ở những cánh rừng gần đó nên anh em đều xác định sẽ có hy sinh và ác liệt. Hàng đêm, từng tràng súng RPĐ của Pôn Pốt nổ réo sôi. Nhưng trước những đòn phản công vũ bão của quân tình nguyện Việt Nam, đám quân Pôn Pốt tháo chạy và kéo theo những nông dân khốn khổ trên các nông trường tập trung.
Rừng hoang, sương lạnh
Rừng hoang thỉnh thoảng lại xuất hiện vài con hoẵng, lợn rừng. Chúng đi thành bầy, thấp thoáng rồi lại vụt biến mất ngay trước mũi súng. Dù thiếu thức ăn, nhưng mọi chiến sĩ đều thực hiện tốt quy định “chỉ dùng được của bạn củi, nước và không khí, không được lấy bất cứ gì của bạn" và phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Tầm quan sát phía trước thường chỉ giới hạn 100m nên trinh sát của các trung đội được phân công đi trước nắm tình hình, bộ binh theo sau và phân công thành từng tốp 30 - 50 người. Do chưa nắm chắc địa hình nên mỗi mũi tiến quân của ta phải cử 2 trinh sát mang sơ đồ, la bàn đi trước. Căn cứ vào địa hình và nhận định của trinh sát, các trung đội cho quân đi thành nhiều đội hình: hàng ngang, hàng dọc, đi gián đoạn để tránh thương vong, vòng tránh hoặc hình thành thế cánh cung bao vây…
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Khôi luôn nhớ kỷ niệm về thời kỳ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Ảnh: L.V.C |
Trên đường tiến quân, thỉnh thoảng lại hiện ra vạt rừng bị phạt trơ trụi và thấp thoáng những căn nhà sàn lợp lá trung quân. Trinh sát ra hiệu cho toàn đơn vị cảnh giới, hạ thấp người, bò ra rẫy củ mì, sắn, lúa, vào khu trang trại chăn nuôi. Nhưng tất cả nông trường này đều rơi vào cảnh vườn không nhà trống. Tàn quân Pôn Pốt đã tháo chạy, khi bộ đội Việt Nam đến, người dân nơi đây như được hồi sinh từ cõi chết.
Suốt chặng đường hành quân, việc tạm dừng, tiến quân không theo một quy luật nào. Có khi chập choạng tối là hạ trại cho toàn đơn vị nghỉ. Có lúc đi mãi đến gần nửa đêm mới dừng lại. Địa hình tạm nghỉ thường được chọn là những gò đất cao, có nhiều gốc cây to, ụ mối để làm điểm ẩn nấp cảnh giới hoặc gần suối để lấy nước nấu ăn. Đám lính trẻ chỉ chờ lệnh “dừng” là lập tức ngó nghiêng chờ anh nuôi đến trút hầu bao. Ruột gạo 15kg đeo trên lưng mỗi người như một tảng đá được san sẻ mỗi ngày một ít để nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm.
Giấc ngủ giữa rừng trôi đi rất nhanh. Cứ mỗi tổ phân công 2 người thay phiên nhau trực gác với khẩu súng đã kéo sẵn đạn, ngón tay không rời vòng cò. Những chiếc võng đu đưa dưới tàn cây rậm rạp là những người lính trẻ thiếp đi sau một ngày hành quân mệt mỏi. Từ ngày thứ 3 trở đi, lính trẻ đã quen với “rừng ma” thì mỗi ca chỉ phân công một người gác. Gọi là rừng ma, vì những cậu lính trẻ vẫn chưa quen với cảnh rừng hoang vắng đầy tiếng muông thú. Động vật có tiếng hú rợn người nhất là chồn bay. Tiếng của nó tru dài, thổn thức, gầm gừ như âm thanh trong phim kinh dị.
Có hôm, nửa đêm nghe ám hiệu huýt gió: “Huýt…huýt!”. Vậy là cả đơn vị dựng dậy hành quân, vì trinh sát báo cáo điểm trú chân không an toàn, có nhiều khả nghi. Vậy là cả đoàn quân dò dẫm từng bước tiến về phía trước cho đến hừng đông thì tạm nghỉ.
Lính trẻ hy sinh
Suốt 12 ngày đêm hành quân từ biên giới của Gia Lai xuyên rừng đến bờ sông Mê Kông, một số cánh quân chạm phải sự tấn công của tàn quân Pôn Pốt. Riêng cánh quân của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Khôi ít gặp phải ổ đề kháng của địch. Dù mỏi mệt, nhưng bước hành quân không hề chậm lại, vì mệnh lệnh hành quân sang đánh Pôn Pốt và cứu người dân Campuchia vô tội. Câu chuyện về Pôn Pốt gây ra chết chóc kinh hoàng với người già, phụ nữ và trẻ em Campuchia càng thôi thúc bước chân những người lính hành quân mau lẹ.
Những ngày cuối cùng của cuộc hành quân 12 ngày đêm, túi gạo khoác trên lưng mỗi người nhẹ dần đi, còn bước chân của mỗi người lính nặng trĩu vì mỏi. Càng đi sâu vào đất nước Campuchia, cảnh chết chóc càng hiện ra. Thỉnh thoảng có hố nước dùng để nấu ăn cho trung đội, trong cảnh tranh tối tranh sáng thấp thoáng bóng trăng. Ngày hôm sau thì trong hố nước lộ ra những bộ xương người bị sát hại. Do những người đồng bào Campuchia bị giết hại lâu ngày nên bộ xương trắng không còn bốc mùi.
Quân Việt Nam đi đến đâu, Pôn Pốt rút chạy đến đó, nhưng vẫn cài răng lược lại để mai phục. Sau nhiều ngày hành quân, sông Mê Kông cuồn cuộn chảy hiện ra trước mặt. Trinh sát nhận định có khả năng các toán quân Pôn Pốt rút sâu và mai phục bên kia sông, ngăn các đoàn quân thọc sâu. Đúng như nhận định của trinh sát, các khẩu đội súng 12,7 ly được tháo và giao cho 6 người vác từng bộ phận. Đại đội 4, Trung đoàn 95 đang trong tư thế bị động, vác chân, nòng, đạn đến sát bờ sông thì bất ngờ bị Pôn Pốt tràn ra tấn công. Gần một đại đội hy sinh bên dòng Mê Kông là tổn thất đầu tiên trong 12 ngày đêm ròng rã từ biên giới vào Campuchia.
Tinh thần quốc tế cao cả Cuối tuần qua, tại Hà Nội diễn ra trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chiến thắng lịch sử 7.1.1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước cũng như nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đối với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định ý chí và sức mạnh quật cường của nhân dân Việt Nam. Đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ láng giềng anh em truyền thống, gắn bó, thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Tep Ngorn - Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia khẳng định: Đất nước và người dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn to lớn không thể nào quên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và nhân dân Việt Nam đã có những hy sinh to lớn để giải phóng và cứu Tổ quốc, nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Campuchia. Sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia có hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước. (T.S) |
------------------
Bài 2: Chuyện của Briu Giấc
LÊ VĂN CHƯƠNG