Bài 2: Chuyện của Briu Giấc

LÊ VĂN CHƯƠNG 08/01/2019 02:08

Tin liên quan

  • Bài 1: Thần tốc cứu người dân Campuchia

Năm 1975, đất nước giải phóng, cha mẹ của Briu Giấc cứ ngỡ con sẽ trở về làm nhà, cưới vợ, nhưng ông lại tiếp tục theo những cánh quân sang Campuchia, cứu người dân đang chìm trong biển máu diệt chủng. Trở về đời thường, Briu Giấc vẫn mơ về đất nước chùa tháp và nhớ mãi ánh mắt tròn xoe của cô bé cùng với một câu nói đã cứu ông thoát chết tại một phum nhỏ ở tỉnh Ratanakiri.

Cựu chiến binh Briu Giấc luôn nhớ về đồng đội. Ảnh: L.V.C
Cựu chiến binh Briu Giấc luôn nhớ về đồng đội. Ảnh: L.V.C

Luật bảo vệ dân

Sau ngày 22.12.1978, khi các đoàn quân tình nguyện Việt Nam vượt biên giới sang Campuchia giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng, tại Tổng cục Kỹ thuật Sư đoàn 387 của Quân khu 5, ông Briu Giấc (quê ở huyện Tây Giang) và đồng đội nhận lệnh cùng đoàn xe tiếp viện tiến sang Campuchia. Trước đó, cả đơn vị đã được học tập 1 tháng luật lệ khi làm nhiệm vụ quốc tế, trong đó tuân thủ quy định “cây không được chặt của bạn, chỉ được lấy nước và củi khô; trái cam, trái bưởi của dân rơi xuống đất cũng không được ăn, chỉ được dồn lại một chỗ và gọi dân ra lấy về nhà”. Quân tình nguyện thực hiện nghiêm đến mức, sau này bà con Campuchia thương bộ đội Việt Nam nên năn nỉ “các chú cứ ăn đi, nếu để thì quả cũng hỏng”.

Đơn vị của Briu Giấc sang đất bạn và hạ trại ở ngã ba sông Mê Kông. Doanh trại chỉ đơn giản là 6 khu nhà bạt làm nơi ở cho 60 đồng chí, sẵn sàng  làm nhiệm vụ bảo dưỡng và sửa chữa xe cơ giới. Ngày đầu tiên đến đây, anh em chỉ tay về hướng những chiếc hố nước nằm gần đó và ra hiệu điều gì đó rất khủng khiếp. Khi ông Giấc đến mới tận mắt nhìn thấy một hố đầu lâu xương sọ của người dân Campuchia bị Pôn Pốt giết hại. Từ đây đi một đoạn là vào những phum nhỏ, đầy bí ẩn. Theo quy định, nếu vào phum phải mang theo vũ khí và đi 3 người, vì quân Pôn Pốt thường xuất hiện như những thường dân rồi bất ngờ xả súng.

Cả ban ngày và khi đêm xuống, trong đơn vị đều cắt cử người trực gác cảnh giới. Những hoạt động trong đơn vị không được diễn ra theo quy luật để tránh bị Pôn Pốt nắm bắt và phục kích. Tuy nhiên, việc chiều chiều ra sông tắm là sinh hoạt theo thói quen và rất bị động. Vì vậy, Pôn Pốt đã vài lần phục kích và bắn chết 6 đồng chí lúc đang tắm dưới sông. Mỗi khi nghe súng nổ, anh em trong đơn vị lại ôm súng lao ra bờ sông, nhưng toán quân Pốt Pốt đã mau chóng rút chạy, sau khi sát hại bộ đội Việt Nam.
Trong những ngày làm công tác kỹ thuật, Briu Giấc còn được điều động chở 10 chuyến tử sĩ, mỗi lần xe chở 6 quan tài. Hành trình từ ngã ba sông Mê Kông về biên giới Đức Cơ, ông cùng những người lính vận tải liên tục dừng xe để thắp hương sưởi ấm cho đồng đội giữa rừng mù sương và tiếng súng.

Cô bé cứu mạng!

Vào một ngày mùa đông cuối năm 1979, Briu Giấc, Trần Văn Hải, quê ở Bình Định và Nguyễn Đoàn Việt, quê ở Quảng Ngãi vào phum thăm bà con, làm dân vận. Lúc 6 giờ 30 chiều, ngôi nhà sàn nhỏ nằm dưới khóm cây thốt nốt, quanh nhà trồng cam nên đầy tiếng gió xào xạc. Ông Giấc ôm súng ngồi trước nhà và 2 đồng đội đẩy cửa bước vào, trong nhà có 6 người đang chờ sẵn. Đột nhiên, một cô bé khoảng 16 tuổi từ đâu lao đến và ghé vào tai ông Giấc nói nhỏ: “Có Pôn Pốt trong nhà chú ơi!”.

Ông Giấc phản ứng như một luồng điện, chộp khẩu AK lên đạn và bắn một loạt lên mái nhà. Tiếng súng nổ khiến lũ chim rừng bay xao xác. Từ trong nhà có bóng 2 người bật cửa phóng ra ngoài. Đến lúc đó ông Giấc mới thở phào vì biết đồng đội còn sống. Sau này, mọi người mới biết rằng, họ suýt rơi vào hang ổ Pôn Pốt mới về làng. Suốt mấy chục năm vào sinh ra tử, ông Giấc vẫn nhớ mãi hình ảnh cô bé trên đất Campuchia đã cứu mạng ông và hai người đồng đội. Ông Giấc kể: “Cô bé đã cảnh báo cứu mạng ông có mắt to, khuôn mặt tròn. Ước gì tôi được gặp lại cô bé này một lần nữa”.

Tháng 6.1980, ông Briu Giấc được cử về Việt Nam nhận xe GMC và kiêm luôn việc chở đường, sữa, lương thực sang Campuchia. Vào buổi chiều tối, đoàn xe vượt biên giới Đức Cơ tỉnh Gia Lai trong không khí lành lạnh của rừng. Bốn chiếc xe ca của đoàn văn công được quán triệt đi cách nhau 5 mét đề phòng Pôn Pốt nghe tiếng động sẽ lao ra đường chôn mìn. Briu Giấc đánh xe GMC đi trước và chấp nhận làm vật hy sinh để dò mìn cho xe chở văn công đi giữa.

Lúc 7 giờ tối, đường rừng loang loáng ánh đèn xe. Bộ đội đều cảnh giới cao độ, đạn kéo lên nòng sẵn sàng. Nhưng bọn Pôn Pốt thâm hiểm đã đặt mìn mà xe GMC đi qua không nổ, nhưng đến 2 xe chở văn công đi qua thì mìn phát hỏa. Tiếng nổ rung chuyển giữa đêm tối đã hất bay đầu xe, làm cả đoàn quân bị ùn ứ. Có 4 nữ và 2 nam văn công hy sinh tại chỗ, rất nhiều người bị thương.

Nghĩa quân dân, tình đồng đội...

Những ngày làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia, Briu Giấc và đồng đội vừa thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tham gia làm công tác dân vận, chia sẻ niềm vui với đồng bào địa phương. Niềm vui nhất của những người lính trẻ, đó là tham gia lễ hội mừng lúa mới, lễ mừng chiến thắng của đồng bào Khơ-me. Đồng bào luôn vui mừng và cảm ơn bộ đội Việt Nam đã cứu sống gia đình họ. Vào những ngày tổ chức lễ bên kia sông, đơn vị cắt cử từng tổ đi đò sang, vừa đi xem, vừa cảnh giới. Cứ 10 đồng chí lên nhà sàn xem múa và giao lưu với đồng bào thì 2 đồng chí ôm súng đứng gác cùng người của bạn để bảo vệ lễ. Bởi, những ngày yên bình trong phum sóc, đó là lúc bọn tàn quân Pôn Pốt tức tối tìm cách đánh úp để giết hại đồng bào mình.

Briu Giấc còn kể, có những lần chở xe lương thực sang đất bạn bị kẹt đường vì trận đánh đang diễn ra ở phía trước. Khi xe vừa dừng thì bộ đội trong rừng vai khoác AK chạy ra xin đường sữa, thuốc lá. Do anh em ở rừng quá lâu, nên nhiều người tóc dài chấm vai. Mọi người chỉ gặp nhau trong vài phút rồi lại vội vã chia tay. Những người lính này rất giàu kinh nghiệm trận mạc nên căn dặn: “Cảnh giác, xe dừng hơi lâu là bọn Pôn Pốt nó sẽ mò tới ngay”.

Giờ đây, trở về cuộc sống đời thường ở xã vùng cao Tây Giang, mỗi lần nhìn cánh rừng, Briu Giấc lại nhớ đến đồng đội, nhớ đến những ngày xưa cùng đồng đội sát cánh bên đất bạn Campuchia...

Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ảnh: QĐND
Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ảnh: QĐND

Bộ đội Việt Nam - đội quân nhà Phật

Trong bộ phim tài liệu lịch sử “Marching towards national salvation” (Hành trình cứu nước) sản xuất năm 2017, Thủ tướng Hun Sen kể lại rằng trước sự tàn độc của chính quyền Khmer Đỏ do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Sary đứng đầu, tháng 6.1977 ông cùng 4 người khác băng rừng, đào thoát sang Việt Nam đề nghị giúp đỡ tổ chức phong trào kháng chiến giải phóng đất nước.
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, cùng đồng đội Campuchia chiến đấu, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7.1.1979 của cách mạng Campuchia.
Sau chiến thắng ngày 7.1.1979, theo kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pôn Pốt và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý, họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên” - Thủ tướng Hun Sen trả lời phỏng vấn hai nhà báo nước ngoài.
Hơn 5 năm trước, khi dự lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia - tại Đồng Nai, trả lời truyền thông Việt Nam về việc ông từng thể hiện sự phẫn nộ khi có người nói quân tình nguyện Việt Nam xâm lược Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định: “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.(T.S)

-----------------
Bài 3: Ký ức về “một thời hoa lửa”

LÊ VĂN CHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài 2: Chuyện của Briu Giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO