Bãi bỏ hộ khẩu: Quyết định hợp lòng dân

CHÂU NỮ - PHƯƠNG NAM 06/11/2017 09:46

Nội dung đáng chú ý nhất của Nghị quyết 112/NQ-CP (dưới đây gọi là NQ 112) vừa được Chính phủ thông qua kể từ ngày 30.10.2017, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Quyết định này được phần lớn người dân đồng tình…

Nghị quyết 112 quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh.  Trong ảnh: Công dân làm hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh). Ảnh: C.Nữ
Nghị quyết 112 quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh. Trong ảnh: Công dân làm hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh). Ảnh: C.Nữ

Ngày 30.10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: quản lý xuất nhập cảnh; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tổ chức cán bộ; phòng cháy chữa cháy; cấp quản lý chứng minh nhân dân (CMND); đăng ký, quản lý cư trú và lĩnh vực chính sách…

Quyết định hợp lòng dân

Nhiều người dân đăng ký tạm trú, thường trú, làm hộ chiếu… từng gặp khó khăn, rắc rối vì những vấn đề liên quan đến hộ khẩu, nên khi Chính phủ ban hành NĐ 112, phần lớn đều bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, đây là quyết định hợp lòng dân. Chị Trương Thị Điều, quê Lý Sơn, Quãng Ngãi, có chồng về xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) gặp khá nhiều rắc rối, từ việc làm lại CMND, đăng ký kết hôn đến đăng ký khai sinh cho con, do chị mất sổ hộ khẩu. Khi nghe thông tin Chính phủ bãi bỏ sổ hộ khẩu, đồng nghĩa với việc bãi bỏ nhiều thủ tục, giấy tờ nhiêu khê, chị Điều cho biết: “Tôi từng gặp nhiều phiền toái liên quan đến hộ khẩu nên mong quyết định Chính phủ sớm được áp dụng để người dân thuận tiện hơn trong vấn đề liên quan”. Còn anh Trương Văn Thu, quê xã Đại Hòa (Đại Lộc), đang sinh sống tại tỉnh Đồng Nai cho biết, những ai từng đăng ký tạm trú khi sống xa quê như anh mới thấm thía nỗi khổ mang tên “hộ khẩu”. Khi nghe tin Chính phủ bãi bỏ hộ khẩu, anh Thu nói: “Đây là quyết định rất hợp lòng dân; không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân mong chờ điều này từ rất lâu rồi”. Khi được hỏi quyết định bãi bỏ hộ khẩu, chị Nguyễn Hoài Văn (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cũng cho hay, chị rất đồng tình với phương án này. Chị Văn kể, chị có hộ khẩu thường trú ở Thanh Hóa, được phân công công tác ở Quảng Nam. Khi mua xe máy, chị phải về quê để làm thủ tục đăng ký xe vì liên quan đến hộ khẩu, rất tốn công sức. Trong khi đó, tuy chưa gặp rắc rối liên quan đến hộ khẩu nhưng một cán bộ ở Tam Kỳ chia sẻ, hộ khẩu liên quan đến nhiều vấn đề khác như giáo dục, y tế, thậm chí các dịch vụ như điện, nước, bưu chính, viễn thông… Anh cho biết: “Xã hội hiện đại và ngày càng phát triển, thì việc quản lý người dân bằng mã số định danh cá nhân là việc làm phù hợp và lẽ ra cần được triển khai sớm hơn để tạo thuận lợi cho người dân và cả cơ quan chức năng”.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Quyết định bãi bỏ hộ khẩu đồng nghĩa với việc đơn giản hóa nhiều thủ tục, giấy tờ và được xem là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ. Một cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, CMND là cần thiết và cũng là cải cách thủ tục hành chính khi người dân đã được cấp thẻ căn cước công dân. Theo vị cảnh sát này, thẻ căn cước công dân cơ bản chỉ khác CMND về tên gọi, nhưng bao hàm nhiều thông tin về cá nhân hơn. Số thẻ căn cước chính là số định danh cá nhân và cơ quan chức năng sẽ quản lý công dân dựa trên số định danh cá nhân này. “Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi có sự tích hợp với hệ thống dữ liệu về hộ tịch, hộ khẩu, CMND, xuất nhập cảnh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Và khi đó, mỗi lần đến các cơ quan hành chính công giao dịch, công dân chỉ cần trình thẻ căn cước công dân, cơ quan chức năng sẽ lấy số định danh để truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu, sau đó lấy thông tin của công dân. Vì vậy, công dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu, CMND, giấy khai sinh hay những giấy tờ khác như hiện nay” - vị cảnh sát này cho biết.

Theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an ban hành kèm theo NQ 112, ở lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú, đối với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã) bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; NĐ số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Đồng thời thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA. Bỏ “Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA. Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA.

Về thủ tục đăng ký tạm trú tại công an cấp xã, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; NĐ số 31/2014/NĐ-CP. Đồng thời, Chính phủ đồng ý bãi bỏ các nhóm thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, cấp đổi sổ tạm trú tại công an cấp xã, cấp lại sổ tạm trú tại công an cấp xã… Ngoài ra, bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính về cấp, quản lý CMND quy định tại nhiều Nghị định và Thông tư.

CHÂU NỮ - PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bãi bỏ hộ khẩu: Quyết định hợp lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO