Nghệ thuật Bài chòi dân gian đang được lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có quá nhiều giá trị của loại hình nghệ thuật này cần được “giải mã”. Ở đây, chỉ xin góp vài cảm nhận về sự thú vị của bài chòi, từ tên gọi đến biểu tượng văn hóa…
Bài chòi là trò chơi, trò diễn dân gian thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán ở vùng Trung Bộ. Vì là một trò diễn, một sinh hoạt cộng đồng sôi động nằm trong lễ hội Tết Cả (Nguyên đán), bài chòi luôn cuốn hút sự nghiên cứu của các nhà văn hóa học.
Ước vọng phồn sinh, phồn thực
Mỗi quân bài chòi có một tên, trừ một số ít tên nôm na, dễ hiểu như Học trò, Dái voi, Bạch huê, Thái tử... còn phần lớn nghe rất lạ tai như Ba gà, Bát bồng, Ngũ trưa, Nọc thược, Tứ cẳng, Tam quăng... Tên con bài đều có hai từ, phần lớn các từ đầu là từ chỉ số đếm, có khi là thuần Việt như Ba (gà), Bảy (liễu), Chín (gối), có khi là từ Hán Việt như Tam (quăng), Tứ (cẳng), Lục (chạng) v.v. Một số tên quân bài khác lại được ghép bằng một từ Hán Việt và một từ thuần Việt. Vì sao lại như vậy, ý nghĩa tên các con bài là gì, mãi đánh đố các nhà nghiên cứu. “Tiếng Nôm pha tiếng Hán khi thì gọi thế này, khi thì gọi thế khác, có khi tên gọi chẳng gợi ý nghĩa gì cả mà phải xem vào nét vẽ trên con bài mới thấy một điều gì đó” (Huỳnh Hữu Ủy - Nghệ thuật dân gian và bộ bài tới miền Trung Trung Bộ).
Hội bài chòi thường diễn ra vào dịp năm mới. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Về các hình vẽ bài chòi, tựa “cách nhìn của những trường phái hội họa mới, từ chối hình thể hay thanh lọc thực tại đến kỳ cùng, trừu tượng hóa sự vật, hoặc đi đến chỗ siêu thực tại, hoặc cách điệu và ghi nhận thực tại một cách ngây ngô, hồn nhiên như trẻ con... Nó phảng phất đâu đây một chút không khí u uất rất Chàm hay Phù Nam, những hình ảnh, đường nét, kiểu thức rất Tây Nguyên, có khi lại gợi dậy một chút xa xăm phi thực, mù mờ của bùa chú, hay của một cuộc sống hoang dã bên ngoài cõi đời văn minh” (Huỳnh Hữu Ủy - Sđd). Con Sáu tiền, vẽ sáu nửa đồng tiền ghép lại với nhau từng đôi một, đôi này chồng lên đôi kia; con Tám tiền cũng vậy, gợi sự giàu có, vô ức tiền. Con Tứ tượng (Huế) thì Quảng Nam gọi nghịch ngợm là Dái voi được vẽ cách điệu, tối giản chỉ còn các nét vạch giống như các mẫu hoa văn trang trí của người miền núi. Con Nọc đượng (Huế), Quảng Nam gọi là Nọc thược, hình vẽ hết sức lạ, nhìn từ một bên thấy giống một mái nhà sàn ở Tây Nguyên, trên đỉnh mái nhà, đầu một con chim đã được kiểu thức hóa giống đầu chim gõ kiến hay đầu một con gà thường được người miền núi trang trí trên nóc nhà sàn. Chim cũng là hình ảnh chỉ dương vật. Con Bạch huê, vẽ giống như hai nhánh lá hoặc hai nhánh rong, nhánh ở trên là nét nổi bật trên nền trắng, nhánh dưới là nét trắng nổi bật trên nền đen - cũng theo Huỳnh Hữu Ủy - “đấy là âm vật được cách điệu một cách bay bướm, nhẹ nhàng, do thế đã tránh được cái nặng nề, mô tả đối tượng theo lối chính xác”. Hình con Tứ gióng cũng là hình ảnh gắn bó với người làm nông nghiệp, ngư nghiệp nhiều thế kỷ của dân tộc Việt trên đường Nam tiến. Các quân bài Nọc thược, Bạch huê dễ liên tưởng đến tục thờ Linga, Yoni của dân tộc Chàm - cũng đồng thời là tục thờ sinh thực khí của người Việt phía Bắc. Tục thờ sinh thực khí là biểu tượng của năng lực thiêng sinh ra muôn loài. Hình ảnh Nọc thược là hình ảnh cái cọc thẳng đứng được vạt nhọn để cắm vào đất giống như “cái gậy chọc lỗ để gieo hạt”, như thế “Linga và Yoni như chày và cối, chiếc chìa vôi cắm vào bình vôi, đũa bông cắm vào quả trứng trên quan tài người chết....” (Đỗ Lai Thúy - Từ cái nhìn văn hóa). Như vậy, dương vật, âm vật, gióng gánh, bạc tiền, dái, rún, bồng, mỏ, liễu... tên quân bài và hình vẽ cho ta cái cảm giác về lẽ phồn sinh thấp thoáng có mặt khắp nơi.
Các quân bài chòi. |
Hình vẽ, tên gọi các quân bài biểu đạt những nét sinh hoạt nông nghiệp, nông thôn mà sức mạnh của “lệ làng”, của ước vọng phồn thực, vạn vật sinh nở khiến những yếu tố có vẻ đối lập lại được đồng đẳng, ngang hàng như quân Học trò, Thái tử... sang quý đặt lẫn với âm vật, dương vật (Bạch huê, Nọc thược). Quân Ông ầm khiến người ta liên tưởng đến tục thờ thần Sấm; sấm làm mưa cho lúa mùa tươi tốt của cư dân thờ lúa, cầu nước, cầu mùa.
Vui nhộn lời hô hát
Những quân bài gắn với lời hô hát thật vui nhộn, nhất là con Nọc thược, Bạch huê... Ở Huế, Bình Định thường hô: “...Nó thiệt cục gân, ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu” (Nọc thược), “...Hoa phi đào phi cúc, sắc phi lục phi hồng... có bông, có cuống, không cành, chính giữa có nụ, bốn vành có tua, nhà dân cho chí nhà vua, ai ai có của cũng mua để dành, tử tôn do thử nhi sanh, Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi” (Bạch huê). Còn ở Quảng Nam, anh hiệu hô khác:
Thưa bà con, ông bà ta có câu
Làm thời như con dỉ, con dì...
Mỗi khi thấy mặt đòi xì tiền ra
Sống trong bao lớp lụa là
Không dang mưa, chẳng dang nắng, chú mi mà đen thui thui
Làm chị em than đứng thở ngồi
Là cái con... Nọc thược khiến em bậu thời tê mê.
Đó là cách vận dụng câu thành ngữ Quảng Nam “Làm như c. thấy mặt đòi tiền” cũng chỉ quân Nọc thược. Lần khác cũng con Nọc thược, lại hô: “Tiếc công mẹ đẻ cha nuôi - Có con không giữ để họ lùi thâu đêm - Đàn ông lại có cái nêm - Đàn bà sánh nhụy, lại thêm mé đàn”. Anh hô con Bạch huê một cách cụ thể, tục mà thanh: “Nhà nghèo chơi với nhà giàu - Đứng lên ngồi xuống nó đau cái gì? - Đau cái Bạch huề (mà là) đau cái Bạch huê”. Có người cho những câu hô hát bài chòi kiểu này là dung tục chính là vì không hiểu hết tính chất biểu hiện của ước vọng phồn thực, phồn sinh và một sinh hoạt dân gian cốt để giải trí, để giải tỏa căng thẳng, áp lực của đời sống vào dịp cuối năm, hay trong đình đám hội hè mừng năm mới.
Hô hát bài chòi như vậy cứ đầy sức xuân bằng cách tiếp nhận những tinh hoa sáng tạo liên tục dựa trên chất liệu âm nhạc của bài chòi truyền thống, bằng ứng tác, ứng diễn nội dung các sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng xã hội, phê phán cái xấu, nâng niu ca ngợi cái tốt đẹp.
Bước sang năm Mùi, mời bạn đến chơi hội bài chòi, để nghe câu anh hiệu hô:
Sách có câu “kiến ngãi bất vi vô dõng dã”
Thấy việc nghĩa mà không làm thì đâu phải nam nhơn
Hãy xem gương chàng Lục Vân Tiên
Thấy Nguyệt Nga bị cướp chàng liền xông pha
Lũ cướp kia bị chàng đánh chạy dài
Bảo toàn người ngọc xứng đáng tài nam nhi
Chứ phải đâu thằng Bùi Kiệm máu dê
Hễ gặp đàn bà con gái hắn ngứa nghề không tha
Hắn là phường vô đạo xấu xa
Hắn đem Nọc thược hắn thả ra, hắn “dê” liền...
PHÙNG TẤN ĐÔNG