Chơi - đánh - hô - hát là 4 tên gọi để diễn tả một loại hình nghệ thuật dân gian: bài chòi. Ở Quảng Nam, bài chòi là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Và trên hết, bài chòi là ký ức văn hóa, lưu giữ bản sắc của người dân bản xứ. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ, bài chòi đang được các cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vốn xưa lưu truyền
“Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để con nó khóc đến lòi rún ra”. Câu ca dao thể hiện tất cả niềm say mê của người dân Trung Trung Bộ đối với loại hình này. Trải qua bao dâu bể thời gian, bài chòi vẫn giữ cho mình sự bình dân, gắn liền với đời sống của người lao động.
Truy tìm xuất xứ
GS. Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, người đã có hàng chục năm tìm hiểu và nghiên cứu nghệ thuật bài chòi cho rằng: “Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào có ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài chòi. Tuy nhiên, qua truyền thuyết dân gian, qua lời kể của những nghệ nhân cho thấy, nguồn gốc và sự ra đời của nghệ thuật bài chòi gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhân dân lao động”. Bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất và sự sáng tạo, trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.
Anh Hiệu - chị Hiệu hô hát đối đáp tại hội chơi bài chòi ở phố cổ Hội An. Ảnh: SONG ANH |
Nhiều người cũng cho rằng, bài chòi thực sự là một loại hình nghệ thuật dân gian, từ câu thơ, câu hát, đến lối chơi, quan niệm về con bài. Xuất xứ của bài chòi hoàn toàn là dân gian, gắn liền với đời sống con người. Nghệ thuật bài chòi gắn với đời sống cư dân ở mỗi vùng văn hóa, cho nên vùng Ngũ Quảng (gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) có lẽ là trung tâm của nghệ thuật bài chòi, sinh ra bài chòi khi mà cư dân Ngũ Quảng hình thành. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - Tổng đạo diễn Hồ sơ đề nghị công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể, khi cư dân Ngũ Quảng hình thành đồng thời hình thành nghệ thuật dân gian, và trong nghệ thuật dân gian có bài chòi. “Muốn đi tìm chân dung lịch sử có tính chất biên niên cho nghệ thuật dân gian, là điều không tưởng. Nhưng bằng cứ liệu của mình, chúng tôi có thể chứng minh rằng nghệ thuật dân gian bài chòi là một trong những hình thức trong toàn bộ các hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian của đồng bào miền Trung” - ông Loan nói.
Trong quá trình điền dã của Viện Âm nhạc Việt Nam, theo lời các nghệ nhân ở Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định… trò chơi bài chòi có thể xuất phát từ đời sống lao động. Khi canh giữ hoa màu trên chòi gác, trai làng đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò, giữa chòi này với chòi khác. Cũng theo nguồn truyền miệng, ngay trên những chòi này, người dân nghĩ ra cách chơi bài tứ sắc - theo lối chơi bài tổ tôm.
Giá trị đặc sắc
Tại buổi tọa đàm khoa học về “Nghệ thuật bài chòi Quảng Nam” được tổ chức tại TP.Tam Kỳ mới đây, nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, “năng lượng” nghệ thuật trong một hội chơi bài chòi là lối ứng tác đặc sắc các câu hô bài thai. Nghệ thuật bài chòi được phân chia rõ ràng, từ thời gian và không gian chơi, cách làm chòi, quân bài, nghệ thuật hô tên con bài và nghệ thuật của bài chòi trải chiếu. Mỗi chi tiết góp phần làm nên giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân gian này. Tuy nhiên, quan trọng nhất và làm nên bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền chính là nằm trong điệu nhạc và cách độc diễn của anh Hiệu. “Xét về mặt trò chơi, nghệ thuật hô tên con bài là nghệ thuật kéo dài sự hồi hộp của người chơi bài. Có lẽ vì vậy cổ nhân mới đặt cho câu hô này câu hô thai” - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan chia sẻ.
Hô thai là một câu nhạc hoàn chỉnh, có giai điệu, tiết tấu, trật tự âm thanh riêng, và không thể tìm thấy cái âm hưởng riêng ấy trong bất cứ hình thức nghệ thuật nào ở Việt Nam. Từ âm điệu của câu hô thai, các nghệ nhân dân gian đã tạo thành 6 điệu nhạc khác nhau. Điệu xuân nữ cổ, xuân nữ mới, điệu cổ bản, xàng xê (hai điệu này có sự pha trộn giữa âm hưởng điệu hô thai với âm điệu nhạc lễ Trung Bộ), điệu hò Quảng - pha điệu nhạc dạo hàng rong của người Minh Hương và điệu vè chàng Lía - tức điệu kể vè dân gian. Anh Hiệu - người nghệ sĩ trong hội chơi bài chòi vừa hát, vừa làm điệu bộ, vừa ngẫu hứng lời ca. Từ câu hô thai phát triển đến hát bài chòi trải chiếu thông qua sự “hóa thân” của anh Hiệu đã tạo nên một loại hình nghệ thuật biểu diễn rất độc đáo của Việt Nam: độc diễn bài chòi.
Cùng với thơ và nhạc, việc ứng tác các câu hô thai phản ánh sâu sắc đạo lý cuộc sống trong giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của anh Hiệu luôn cuốn hút người nghe. “Rượu say mất hết tính người/ Cờ bạc, hút hít, vương rồi khó gỡ ra/ Sạch túi rồi đến sạch nhà/ Bí đường, tắt lối phải ra làm liều/ Huớ! Nhì bí huớ Nhì bí” là một trong những câu hô thai về quân bài Nhì bí, sau này được biến tấu để phát triển thành lối hát bài chòi - độc diễn bài chòi dân gian của anh Hiệu.
Mở không gian
Một ngày tháng 9.1998, khi chương trình “Đêm phố cổ” (Hội An) thử nghiệm đưa trò chơi bài chòi ra phố, nghệ thuật dân gian này cũng mở rộng “không gian sống” của mình.
Sân khấu bài chòi giữa phố
Chị Phùng Thị Ngọc Huệ, diễn viên chính của Đội tuyên truyền lưu động Hội An (Trung tâm VH-TT Hội An) chia sẻ: “Ngay từ nhỏ đã được nghe ông bà hát ru nên câu ca, làn điệu cứ thấm dần từ đó. Cũng từng được Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam gọi về làm diễn viên nhưng mình muốn ở Hội An để gắn bó lâu dài với nghệ thuật bài chòi. Vì có lẽ thế mạnh giọng hát của mình phù hợp với bộ môn nghệ thuật này và thực sự mình yêu quý nó”. Người dân Hội An yêu quý bài chòi không kém gì những người trực tiếp hô hát. Vì như vậy, các đêm văn nghệ, sự kiện văn hóa của thành phố đều dành không gian cho bài chòi.
Hòa nhập với hơi thở của cuộc sống đương đại, bài chòi vẫn giữ được tinh túy và hồn cốt của nghệ thuật dân gian. Ảnh: SONG ANH |
Tháng 2.1996, khi Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An ra đời (thuộc Trung tâm VH-TT Hội An), bài chòi cũng theo đó lên “sàn diễn”. Du khách say sưa theo từng tiếng trống chiến, từng âm điệu lên xuống của anh Hiệu. Cũng từ sự khơi mở liều lĩnh này, hội chơi bài chòi bắt đầu được để ý, để đến tháng 9.1998, khi sự kiện “Đêm phố cổ” - sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An ra đời, một không gian dành cho trò chơi này, với lối hô hát đặc sắc được mang ra giữa phố, thu hút sự yêu mến từ nhiều người. Hội An hiện có hơn 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia hơn 30 chương trình hằng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An. Gần đây nhất, đêm 1.9.2014, lần đầu tiên tại Công viên Kazic (đường Trần Phú), TP.Hội An tổ chức hội thi hô hát bài chòi với sự tham gia của 6 địa phương trên địa bàn.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết, điểm nhấn đặc biệt để duy trì sức sống của bài chòi, đồng thời là kênh quảng bá nghệ thuật này tốt nhất, chính là gian trò chơi bài chòi giữa phố. Tạo một không gian mở, để bất cứ du khách nào cũng có thể tham gia trò chơi, vô hình trung tạo nên mối nối kết để đưa bài chòi đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Đem chuông đi đánh xứ người
Để truyền tình yêu dân ca, bài chòi đến thế hệ trẻ, từ những năm 2000 trở về trước, Trung tâm VH-TT Hội An đã mở các lớp dân ca, bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc để đào tạo diễn viên, nhạc công cho phong trào. Những cái tên như Thu Ly, Thu Sang… đều trưởng thành từ các lớp này. Bắt đầu năm 2004, trung tâm phối hợp cùng Phòng GD-ĐT đưa dân ca, bài chòi vào trường học, giáo viên là những diễn viên của Đội tuyên truyền lưu động. Bắt đầu từ năm 2011, lớp học hát dân ca - bài chòi dành cho lứa tuổi 12 - 13 được mở hằng đêm tại khu phố cổ, với khoảng 20 - 30 học sinh/lớp, mỗi em tham gia lớp học một đêm/tuần. Đã có gần 1.000 lượt học sinh được học hát để tiếp cận và yêu thích bộ môn bài chòi, nhiều em trở thành hạt nhân bài chòi ở cơ sở, trường học. |
Hội An góp công rất lớn trong việc hình thành nên một bản sắc văn hóa của đất Quảng trong lòng du khách quốc tế. Du lịch đánh thức những vốn quý văn hóa cổ truyền, và ngược lại, văn hóa dân gian góp phần không nhỏ để làm giàu thêm tài nguyên du lịch của vùng miền. Quảng bá nghệ thuật tại vùng đất di sản văn hóa của thế giới, nơi giao thương và hội tụ của rất nhiều du khách đến từ mọi miền, mọi quốc gia là một thế mạnh không phải địa phương nào cũng có cơ hội. Tận dụng thế mạnh du lịch của mình, Hội An đưa bài chòi vươn xa hơn, đến với các vùng đất khác biệt về ngôn ngữ nhưng thể điệu, âm hưởng và lối diễn xướng của bài chòi vẫn thu hút người dân bản địa. Trần Thị Thu Ly, diễn viên Đội tuyên truyền lưu động TP.Hội An, chịu trách nhiệm chính trong việc phiên dịch các con bài, câu hát cho người nước ngoài, đồng thời cũng sở hữu giọng ca ngọt ngào không kém, chia sẻ chuyến lưu diễn tại Hungary: “Giai điệu của bài chòi, điệu bộ diễn, gây cho người ta cảm giác tò mò, thích thú. Họ thích nghe, thích chơi và thích cảm giác được trúng thưởng mỗi khi hô tên con bài. Sau khi kết thúc mấy buổi diễn tại khu người Việt ở Hungary, trong chương trình lễ ký kết giữa hai thành phố, người ta lại yêu cầu đoàn diễn lại bài chòi. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng nhưng cô gái này lại chọn về Trung tâm VH-TT Hội An làm diễn viên Đội tuyên truyền lưu động, mang giọng hát, đam mê và tình yêu bài chòi đến cho mọi người. Ông Võ Phùng chia sẻ thêm, bài chòi đã vươn ra ngoài biên giới Việt Nam để đi giao lưu ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý, Hungary, Nhật… Mang bài chòi đi những nơi xa như vậy, để khẳng định rằng, đây thực sự là một nét văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của Hội An, là đặc sản văn hóa của xứ Quảng.
Hòa nhập với hơi thở nghệ thuật của cuộc sống đương đại, nhưng vẫn giữ được tinh túy và hồn cốt của dân ca bài chòi, để không biến một loại hình nghệ thuật dân gian trở thành sản phẩm văn hóa thương mại, là một điều khó. Dung hòa được việc bảo lưu các giá trị truyền thống, nhưng vẫn phát huy được nghệ thuật dân gian bài chòi để người gìn giữ nó vẫn có đất sống, Hội An đang tiếp tục gìn giữ thứ “di sản tinh thần” theo cách như vậy. Tuy mới chỉ trong quá trình làm hồ sơ đệ trình công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhưng với người dân Hội An, người dân xứ Quảng, từ lâu bài chòi đã là di sản văn hóa trong lòng mỗi người, để cùng chung tay phát triển, gìn giữ.
Đặc trưng bài chòi Quảng Nam
Trong 5 ngày điền dã tại các địa phương còn lưu giữ nghệ thuật bài chòi dân gian ở Quảng Nam, các nhà nghiên cứu của Viện Âm nhạc Việt Nam cho rằng, bài chòi đất Quảng có nhiều nét độc đáo, mang tính đặc trưng của con người bản xứ.
Âm hưởng dân ca
Bài chòi Quảng Nam tích hợp được nhiều âm giai, âm hưởng của dân ca Quảng Nam, đặc biệt là lối vừa hô bài chòi, vừa hát nói. “Dân ca Quảng Nam thấm đậm trong ngôn ngữ bài chòi. Nó không bị khu trú mà tích hợp. Bài chòi có hơi thở dân gian. Điều này rất quý. Rõ ràng, ta nghe giai điệu bài chòi ở đây thoáng đãng, văn hoa hơn so với bài chòi ở một số vùng trong khu vực miền Trung” - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ. Cũng như các địa phương vùng Ngũ Quảng, từ xa xưa, hội chơi bài chòi thường được tổ chức vào các ngày tết, hội làng, ở một không gian rộng. Riêng tại Quảng Nam, bài chòi ngoài việc tồn tại ở những không gian cố định, còn có các gánh bài chòi đường sông, sinh hoạt theo các hình thái điều kiện địa lý. Chính điều này khiến bài chòi Quảng Nam phong phú về mặt câu từ. Bởi lẽ, hành trình đưa các gánh bài chòi đến nhiều vùng đất khác nhau đã bồi đắp thêm nhiều câu dân ca cho các thể điệu của bài chòi. Cụ Phạm Thị Kha (80 tuổi, xã Tam Phước, Phú Ninh) vẫn còn nhớ khá rõ những câu bài chòi cổ cách đây hơn 70 năm, lúc bà theo gánh bài chòi mở hội xuân. Đến bây giờ, những câu ca cổ ấy vẫn còn đi theo nhiều hội bài chòi ở các nơi: “Một anh để em ra/ Hai anh để em ra/ Về em buôn em bán/ Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo/ Còn dư trả nợ thịt heo/ Anh đừng lầm em nữa, kẻo mang nghèo vì em/ Con bài Nhì nghèo”.
Người dân xã Tam Thăng (Tam Kỳ) tổ chức trò chơi bài chòi tại làng. Ảnh: SONG ANH |
Nhạc sĩ Trương Đình Quang, người có nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật bài chòi cho rằng, ở Quảng Nam, cách xếp bài chòi theo 3 hàng văn, vạn, sách như chơi tổ tôm, lại rất ít thấy ở Bình Định. Theo ông, ở bài chòi xứ Quảng, tính hiện thực và tính dân gian thể hiện rất rõ ở ca từ, liên kết giữa các câu hô của mỗi quân bài. Lời hô bài chòi thường là đúc kết của người dân lao động, phản ánh đời sống, sinh hoạt của họ. Vậy nên kèm theo tên các quân bài thường là những câu hô gắn chặt với đời sống dân gian, vừa pha trò hóm hỉnh, vừa là hiện thực sâu cay. “Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị để lộ cái mồng của chị ra/ Con quạ hắn tưởng bánh đa/ Hắn đớp một miếng, chị la huớ trời”. Và anh Hiệu kết thúc câu hô này bằng việc đưa quân bài Lá.
Nghệ thuật diễn xướng
Nếu hô bài thai của các anh Hiệu là cái gốc của âm nhạc bài chòi và chính nghệ thuật độc diễn bài chòi dân gian làm nên hồn cốt của bộ môn này, thì tại Quảng Nam, lối hát đối đáp cộng thêm lối pha trò hài hước khiến bài chòi càng trở nên dân dã, mộc mạc hơn. Từ đây, tên gọi về lối diễn xướng dân gian được khơi mào. Và công đầu của nghệ thuật diễn xướng bài chòi thuộc về anh Hiệu. Nhiều nhà nghiên cứu gọi quá trình biểu diễn, ứng tác của anh Hiệu là các nghệ sĩ hát bài chòi dân gian với lối hát bài chòi kể chuyện giàu tính nghệ thuật. Ở Quảng Nam, Hiệu thường gồm đôi nam nữ, tung hứng cùng nhau và có những ứng tác đặc sắc, tăng thêm tính giao tiếp với người chơi. Cũng từ lối đối đáp đặc sắc của người Hiệu mà hình thành nên sân khấu ca kịch bài chòi, là bước tiến dài của nghệ thuật hát bài chòi dân gian.
Nuôi sống tâm hồn Về xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) vào những ngày lễ tết, hay dịp rằm hàng tháng, chúng ta sẽ được xem hội hô hát bài chòi ở ngay nhà sinh hoạt văn hóa thôn, hoặc dưới những ngôi đình cổ như Thạch Tân, Vĩnh Bình. Ý nghĩa đằng sau những hội hô hát bài chòi rôm rả chính là từ những bài thơ, bài vè, câu ca dao có nội dung về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động và những sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế, hay phê phán những thói hư tật xấu ở đời để người chơi tàn hội có thể nghiền ngẫm được nhiều điều trong cuộc sống, tỉnh ngộ sau những lần lầm lỗi. Sau đêm hội bài chòi, những anh Hiệu, chị Hiệu lại trở về cuộc sống đời thường, làm những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ bằng lòng sống với nghệ thuật dân gian dù nó không thể đổi thành cơm áo gạo tiền nhưng lại có thể nuôi sống tâm hồn của bao thế hệ. Nghệ thuật bài chòi vì thế mà vẫn “sống” được trong đời sống hiện đại.(Thanh Xuân) |
Nghệ nhân Nguyễn Đán, hơn 50 năm làm anh Hiệu chính cho các gánh bài chòi tại cánh bắc Quảng Nam, chia sẻ: “Một anh Hiệu giỏi phải biết quan sát, nhạy cảm, sắp xếp các sự kiện, các lớp lang nhân tình thế thái, ứng tác tại chỗ cho người dân xem. Sau này mới có thêm một chị Hiệu để cùng đối đáp, cho hội chơi đỡ nhàm chán”. Những câu hô thai thường có sẵn, Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm câu và phải lanh trí, có tài ứng đối, thuộc nhiều câu ca dao, câu đố để có thể tung hứng ở hội chơi. Chẳng hạn như câu đố: “Cái gì có trái không hoa?/ Cái gì không rễ cho ta tìm tòi?/ Cái gì vừa thơm vừa tho?/Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân? Cái gì mà chẳng có chân?...” Và Hiệu lúc ấy nhanh nhảu đáp ngay: “Cây súng có trái không hoa/ Tơ hồng không rễ cho ta tìm tòi/ Quế ăn vừa thơm vừa tho/ Kẻ yêu người chuộng kẻ dò tình nhân/ Con ốc ma không có chân…”.
Sau này, nghệ thuật bài chòi tách làm 2 nhánh, dân gian và sân khấu. Đây là điều tất yếu của nghệ thuật. Nhưng trong quá trình tổ chức điền dã của mình, các nhạc sĩ của Viện Âm nhạc Việt Nam khẳng định, bài chòi Quảng Nam còn đặc tính dân gian, và là một trong những địa phương còn lưu giữ nhiều câu hát bài chòi dân gian cổ, với lối hát đậm tính phương ngữ vùng miền…
SONG ANH