Bài cuối: "Nóng" chuyện sắp xếp trường, lớp

XUÂN PHÚ 19/10/2018 02:27

Các địa phương đang tổ chức thực hiện sắp xếp trường, lớp, đội ngũ theo tinh thần Nghị quyết 19 (25.10.2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cùng với việc sáp nhập, vấn đề “nóng” nhất hiện nay là cắt giảm biên chế như thế nào trong khi đang thiếu khá nhiều giáo viên (GV).

Tin liên quan

  • Chính sách pháp luật về GD-ĐT: Nhận diện những bất cập (bài 2)
  • Chính sách pháp luật về GD-ĐT: Nhận diện những bất cập (bài 1)
Tinh giản biên chế giáo dục không cắt giảm máy móc biên chế GV mà chủ yếu ở bộ phận gián tiếp. Ảnh: X.P
Tinh giản biên chế giáo dục không cắt giảm máy móc biên chế GV mà chủ yếu ở bộ phận gián tiếp. Ảnh: X.P

Băn khoăn sáp nhập

Huyện Nam Giang có 12 xã nhưng chỉ có 7 trường THCS. Giải thích việc này, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Nam Giang cho biết, từ năm 2012 huyện đã tổ chức mô hình trường liên xã nên trong số 7 trường THCS có đến 6 trường liên xã. Không lo ngại chuyện đi lại của học sinh (HS) bởi các trường đóng chân trên biên giới giữa 2 xã. Tuy nhiên, hiện bậc học mầm non của địa phương vẫn còn một số điểm trường tại các thôn không thể sáp nhập vì các thôn cách nhau 5 - 7km, nếu sáp nhập sẽ gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con em. Trong khi đó, từ năm 2015 huyện Hiệp Đức đã có chủ trương quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, sáp nhập những trường cùng cấp trên cùng địa bàn xã và thực hiện mô hình trường liên cấp. Đến nay, địa phương đã sáp nhập thành 5 trường liên cấp tiểu học và THCS. Trước khi bước vào năm học mới 2018 - 2019, huyện tiếp tục sáp nhập 4 trường tiểu học thành 2 trường; trong đó sáp nhập trường Lý Tự Trọng và Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc xã Bình Lâm), trường Trần Quốc Toản và Kim Đồng (thuộc xã Quế Thọ). Nhiều địa phương như Hội An, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc… cũng đã tiến hành sáp nhập một số trường từ đầu năm học 2018 - 2019 và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Xu hướng hiện nay ở các địa phương là sáp nhập các trường học cùng cấp (mầm non với mầm non, tiểu học với tiểu học) hoặc sáp nhập trường liên cấp trên địa bàn xã, phường. Với các trường cùng cấp thì không có điều gì bàn cãi, song sáp nhập trường liên cấp gây ra khá nhiều băn khoăn. Từng có thời gian làm cán bộ quản lý trường liên cấp tiểu học và THCS, ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh không thống nhất nhập tiểu học và THCS vì có  rất nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của trường, dẫn đến chất lượng dạy - học không đảm bảo. “Do tính đặc thù của từng cấp học như thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học của HS tiểu học và THCS khác nhau nên nếu nhập chung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy và học. Đó là chưa kể những trường tổ chức bán trú tiểu học thì học trò sẽ ngủ nghỉ, học tập như thế nào” - ông Thiện nêu. Ông Phạm Văn Rực - Trưởng phòng GD-ĐT Hiệp Đức cho rằng, cái lợi của mô hình trường liên cấp là GV các môn chuyên có thể được bố trí dạy cho cả 2 cấp, tránh tình trạng thừa - thiếu GV, nhưng khó khăn là phải có 2 điểm trường riêng cho mỗi cấp học.

Một khó khăn khác, đó là về mặt con người. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An, vừa qua thành phố cũng đã thực hiện hiện sáp nhập một số điểm trường, trường học. Tuy nhiên, có thể thấy việc bố trí nhân sự gặp vướng mắc khi hiệu trưởng tiểu học năng lực tốt hơn THCS nhưng quy định hiệu trưởng trường liên cấp phải là hiệu trưởng THCS. Câu chuyện bố trí kế toán liên trường cũng rất khó thực hiện và trách nhiệm ra sao khi 1 trường trả lương, rồi mối quan hệ với trường không trả lương. Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, địa phương đang lúng túng khi giải quyết các vị trí dư thừa như văn thư, y tế, kế toán khi sáp nhập trường.

Lúng túng cắt biên chế

Không cắt giảm một cách máy móc

Mới đây, UBND tỉnh có buổi làm việc với Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố về sắp xếp trường lớp, đội ngũ. Điều khá bất ngờ trong báo cáo của Sở GD-ĐT là, đến năm 2030 số lượng trường học mầm non, tiểu học, THCS cả tỉnh giảm được 53 trường, 213 điểm trường, giảm 10 cán bộ quản lý nhưng lại tăng 1.336 GV!
Giải thích sự bất hợp lý này, ông Võ Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT cho rằng, 5 năm tới bậc THCS tăng hơn 9.000 HS, tiểu học tăng hơn 5.000 HS, bậc học mầm non cũng tăng mạnh. Trong khi đó, hiện các địa phương đang thiếu GV so với quy định. “Sở xây dựng kế hoạch theo dự báo số lượng HS tăng, định mức GV/lớp theo quy định nên việc tăng số lượng GV trong các năm tới là hoàn toàn đúng” - ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chỉ tiêu cắt giảm 10% biên chế phải hiểu là biên chế sự nghiệp gồm cả các ngành văn hóa, thể thao chứ không chỉ riêng GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, các ngành văn hóa, thể thao rất ít biên chế nên cắt giảm chủ yếu ở ngành GD-ĐT.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định thực hiện nghị quyết không có nghĩa là cắt máy móc 10% biên chế GV, mà chủ yếu là tinh giản biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là phải đảm bảo đủ GV để dạy học. Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tinh giản biên chế phải đảm bảo các quy định về định mức GV/lớp, chế độ làm việc của GV.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, cứ nghĩ sáp nhập trường sẽ giảm được số lượng biên chế ngành GD-ĐT, song thực tế không hẳn như vậy. Hiện nay, vấn đề thời sự và đang khá “nóng” ở các địa phương là tinh giản biên chế như thế nào trong lúc đang thiếu GV và nhân viên. Ông Lê Văn Hà - Trưởng phòng GD-ĐT Phước Sơn cho biết, toàn huyện đang thiếu 37 GV. Nhân viên cũng ở tình trạng tương tự khi hiện nay trung bình chỉ có 2,3 người/trường nhưng quy định 4 người/trường. Trong khi đó, chỉ tiêu giao phải giảm 67 biên chế nên không biết thực hiện như thế nào. Cũng đầy tâm tư khi nói về kế hoạch tinh giản biên chế, ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My cho hay, ngành được giao 715 chỉ tiêu biên chế nhưng thực tế đang sử dụng 745 người. Dù vậy, so với quy định hiện nay về tỷ lệ GV/lớp vẫn còn thiếu khá nhiều. “Trong tình cảnh đó, thực hiện chủ trương phải cắt 83 biên chế trong năm 2018 thì ngành không biết cắt ở đâu? Với tình hình này, Nam Trà My không thể thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về dạy 2 buổi/ngày vì không có GV” - ông Thuận bày tỏ.

Không ngoài nỗi lo chung, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Nam Giang cho biết, huyện có 24 trường học nhưng chỉ biên chế 50 nhân viên. GV cũng thiếu nhiều nhưng xin bổ sung không được và hiện có gần 30 GV đang nghỉ sinh. “Tình thế đó buộc địa phương phải hợp đồng thỉnh giảng chứ không thể bỏ lớp được” - ông Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ. Tại huyện Duy Xuyên, ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT cho biết, hiện thiếu 13 GV tiểu học nhưng hợp đồng GV thỉnh giảng theo tiết không được vì tiền quá ít và đây là một vướng mắc khó gỡ trong thời gian qua. Trong khi đó, ông Hồ Đắc Thiện đề nghị xem lại chủ trương tinh giản biên chế đối với ngành GD-ĐT hiện nay. “Có lớp phải tính định biên GV theo quy định về định mức đối với mỗi cấp học của Bộ GD-ĐT chứ không thể cắt giảm cơ học được. Hiện tại số lượng biên chế GV không đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nhiều nơi thiếu khá nhiều thì không thể cắt giảm và đề nghị tỉnh cân nhắc, rà soát lại cho kỹ việc này” - ông Thiện tâm tư.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, sắp xếp trường lớp, đội ngũ phải có lộ trình phù hợp, đảm bảo số lượng HS/lớp; khi sáp nhập chất lượng giữ vững và tăng lên, đồng thời không gây khó khăn cho việc đi lại của học sinh. Chỉ sáp nhập những trường có quy mô nhỏ ở địa bàn cấp xã dưới 10 lớp, đối với các trường nhiều cấp học phải có phân khu riêng phù hợp với thời lượng tiết học mỗi cấp học, tuyệt đối không nhập cơ sở giáo dục mầm non vào trường phổ thông. “Nếu tính định mức GV/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT và số lượng HS tăng hiện nay thì việc tinh giản GV theo Nghị quyết 17 HĐND tỉnh vừa qua là không khả thi. Ngay cả nhân viên liên trường ra sao cũng gặp nhiều vướng mắc và đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện” - ông Quốc nói.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài cuối: "Nóng" chuyện sắp xếp trường, lớp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO