Ba bị cáo nguyên là cán bộ xã Tam Lộc (Phú Ninh) thừa nhận những sai phạm nghiêm trọng do mình gây ra trong việc thực hiện chế độ 290 tại địa phương, là bài học đắt giá cho cán bộ thực thi công vụ ở cơ sở.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc thực hiện chế độ 290 tại Tam Lộc do TAND huyện Phú Ninh xét xử vào trung tuần tháng 4, các bị cáo Đỗ Thị Tuyết Hạnh - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, kiêm Chủ tịch Hội đồng chính sách xã; Nguyễn Văn Năm - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và Nguyễn Văn Khánh - nguyên Xã đội trưởng, đều thừa nhận do thiếu tinh thần trách nhiệm, không tuân thủ các quy trình thực hiện, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng trong việc lập 35 hồ sơ với số tiền thất thoát 122.000.000 đồng. Những sai phạm này của các bị cáo đã được cơ quan chức năng làm rõ. Cụ thể, bị cáo Đỗ Thị Tuyết Hạnh đã giao hẳn việc tham mưu, giải quyết hồ sơ cho cán bộ cấp dưới là Nguyễn Văn Khánh. Đồng thời bản thân là người có thẩm quyền ký những tài liệu hồ sơ, là cơ sở pháp lý giải quyết chế độ 290 nhưng khi ký Hạnh không kiểm tra, thẩm định lại đối tượng là ai, không tổ chức họp Hội đồng xét duyệt dẫn đến 34 hồ sơ ký duyệt có các đối tượng không tham gia du kích, không có khẩu tại địa phương... gây thất thoát với số tiền đã có quyết định là 119 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Văn Năm đã tự ý ký hợp thức hóa văn bản đề nghị, làm sai 33 hồ sơ sai đối tượng với số tiền là 117.200.000 đồng. Còn bị cáo Nguyễn Văn Khánh đã không lập sổ theo dõi đối tượng kê khai hồ sơ, không tham mưu việc tổ chức họp Hội đồng xét duyệt dẫn đến việc tham mưu giải quyết 25 hồ sơ không đúng đối tượng với số tiền 82.800.000 đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Từ trái qua: Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Thị Tuyết Hạnh và Nguyễn Văn Năm). |
Trước tòa, các bị cáo Đỗ Thị Tuyết Hạnh, Nguyễn Văn Khánh... viện nhiều lý do để bào chữa cho những sai phạm của mình. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa lập luận: Nội dung của Quyết định 290 rất cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu. Trong đó tại Điều 4 của quyết định này nêu rõ: Việc xác nhận, xét duyệt đối tượng hưởng chế độ, chính sách nêu tại quyết định này phải đảm bảo công khai, chặt chẽ, chính xác. Những người có hành vi làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật”. Các bộ ngành cũng đã có các thông tư hướng dẫn thực hiện rất chặt chẽ. “Vì vậy sai phạm của các bị cáo không phải vì lý do bị áp lực, không nắm, không hiểu được hết các quy định của việc thực hiện Quyết định 290 mà do các bị cáo thiếu tinh thần trách nhiệm, làm không đúng quy trình hướng dẫn, thiếu công khai” - vị chủ tọa phiên tòa nhận định. Xét hoàn cảnh nhân thân, sự thành khẩn khai báo cũng như việc các bị cáo đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời khắc phục các sai phạm nên TAND huyện Phú Ninh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Tuyết Hạnh, Nguyễn Văn Khánh và Nguyễn Văn Năm 22 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đây chính là một bài học đắt giá dành cho các bị cáo mà cũng chính là bài học nhắc nhở cán bộ công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ ở các xã thôn.
H.GIANG - Đ.ĐẠO