Bài học đắt giá....

LYNA 13/12/2013 12:15

Cho vay vốn nhưng không thực hiện việc ký kết các hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo tiền vay nên Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Quảng Nam trở thành chủ nợ của “con nợ khó đòi”.

NĂM 2003, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch - xây dựng dân dụng - trang trí nội thất và thương mại Kim Vinh (gọi tắt là Cty Kim Vinh) có cơ sở đóng tại Điện Dương (Điện Bàn) được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư: Được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trong thời hạn 50 năm và được gia hạn thêm 20 năm nếu có nhu cầu; miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian hoạt động của dự án; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) theo quy định của pháp luật đất đai. Có tư cách pháp nhân nên Cty Kim Vinh được Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển Quảng Nam (gọi tắt là Ngân hàng Đầu tư) ký hợp đồng tín dụng số 01/2004/HĐ cho vay 1,9 triệu USD; thời hạn vay 84 tháng với lãi suất không cố định trong cả thời gian vay bằng 5%/năm, lãi suất nợ quá hạn 150% lãi suất vay trong hạn. Ngân hàng Đầu tư đã giải ngân cho Cty Kim Vinh trên 1,434 triệu USD.

Theo đó, Cty Kim Vinh ký 6 hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo tiền vay. Tuy nhiên trong thời gian sử dụng vốn vay, Cty Kim Vinh không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết theo hợp đồng tín dụng và xảy ra tranh chấp. TAND hai cấp đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại, buộc Cty Kim Vinh phải trả cho Ngân hàng Đầu tư Quảng Nam trên 1,092 triệu USD, trong đó nợ gốc 1,017 triệu USD và tài sản để đảm bảo thi hành án là 3 hợp đồng thế chấp tài sản nhà và đất. Tuy nhiên, 3 hợp đồng thế chấp tài sản không công chứng theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, không đăng ký giao dịch bảo đảm theo Nghị định số 08/2000/NĐ-CP nên TAND hai cấp không chấp nhận. Chẳng han, Hợp đồng số 02/2004/HĐ ngày 28.5.2004 bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp là khu Resort Kim Vinh cho Ngân hàng Đầu tư Quảng Nam nhưng bên thế chấp và bên nhận thế chấp tài sản “quên” lập phụ lục hợp đồng bổ sung chi tiết về tài sản thế chấp. Sau một năm, hai bên mới ký đơn yêu cầu đăng ký thế chấp tài sản thửa đất 211, tờ bản đồ số 15, diện tích 50.443m2 đất xây dựng khu nghỉ dưỡng du lịch tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn.

Mãi đến ngày 4.6.2006, Ngân hàng Đầu tư Quảng Nam mới đơn phương lập Trang bổ sung vào Điều 2 của Hợp đồng thế chấp số 02/2004/HĐ nêu trên, bao gồm 20 hạng mục trong khu resort có tổng giá trị vừa bằng số tiền đã giải ngân 1,434,214.30USD (tương đương 22,890 tỷ đồng). Lạ một điều là, hai bên xác lập hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay nhưng Cty Kim Vinh không giao Giấy CNQSDĐ 50.443m2 theo hợp đồng thế chấp tài sản và Ngân hàng Đầu tư Quảng Nam cũng không giữ Giấy CNQSDĐ theo quy định tại Khoản 1, Điều 733 Bộ luật Dân sự năm 1995. Ngày 20.6.2007, Cty Kim Vinh đem Giấy CNQSDĐ này (đã sửa đổi và cấp lại ngày 25.7.2005 với diện tích 53.622m2) và toàn bộ khu nghỉ dưỡng du lịch Kim Vinh Resort trị giá 160 tỷ đồng, thế chấp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế Việt Nam (VIB) Chi nhánh Đà Nẵng để vay 119,559 tỷ đồng. Do không xác định được vị trí cũng như chủ sở hữu các lô đất mà Cty Kim Vinh đã thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư Quảng Nam trong các hợp đồng (vì thửa đất 314/12 nằm giữa hai thửa 314/11 và thửa 314/13; hơn nữa, thửa 314/11 do ông Lê Đức Quang Huy đứng tên; thửa 314/12 do bà Nguyễn Kim Vinh đứng tên và thửa 314/13 do ông Nguyễn Văn Hiền đứng tên) nên TAND hai cấp đành phải “bó tay”!

 Với diễn biến vụ việc như vậy, có lẽ đây là bài học đắt giá trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

LYNA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài học đắt giá....
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO