Bài học đầu đời

C.B.L 05/09/2018 01:28

Chuẩn bị cho con vào lớp Một. Trước ngày khai giảng, cô giáo phát cho mỗi phụ huynh một bảng kê những sách vở, dụng cụ học tập cần chuẩn bị. Ngoài bộ sách giáo khoa, sách bài tập, còn đủ thứ gôm tẩy, bút chì, bút lông, cặp nhạc, đất nặn, kéo, giấy màu thủ công, hộp ghép chữ, ghép số, keo dán… chi li từng thứ. Đặc biệt, cô giáo yêu cầu mỗi cuốn tập phải bao bìa một màu khác nhau.

Cái chi tiết “mỗi tập một màu” đồng nhất cả lớp tự dưng làm tôi liên tưởng tới nhân vật Charlot trong phim “Thời hiện đại” của Chaplin. Anh chàng Charlot làm công nhân vặn bu lông trong một nhà máy thời thập niên 1930. Công việc chuyên biệt lặp đi lặp lại đến nỗi anh ta mắc bịnh nghề nghiệp luôn, cứ cầm cái cờ lê thấy cái gì tròn tròn đều nhào vô vặn, gặp ai cũng đè mũi người ta mà vặn. Một con người dường như bị biến thành một chi tiết của máy móc. Đó là mặt trái của sự “chuyên môn hóa” trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Bộ phim là lời tố cáo gay gắt cái xã hội tư bản (thời ấy) đã bào mòn nhân tính, biến con người thành công cụ không hơn không kém.

Hẳn là cái liên tưởng của tôi cường điệu quá. Bạn tôi ở Mỹ cũng nói: “Con chị vào mỗi năm học cũng vậy, xanh đỏ tím vàng đủ hết”. Đó là sự khởi đầu của một lối tổ chức công việc theo khoa học, có thể dùng làm bài học đầu đời hữu ích cho trẻ con. Nhưng ngẫm lại, cái rùng mình của tôi cũng không phải không có lý do.

Ấy là cái ranh giới mong manh ở chỗ khi nào một con người là một cá nhân biết hòa đồng vào tập thể hay đơn thuần chỉ là một phần tử đồng nhất trong đám đông - như một “chi tiết máy” không cá tính. Đó là hai thái cực ngay trong gốc rễ của sự gắn bó con người - cộng đồng. Và sự khác biệt ấy tạo nên trước hết từ giáo dục, từ chỗ một nền giáo dục muốn dựng nên những phẩm chất nào của con người xã hội.

Ở một nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, người ta sẽ hướng trẻ con trước hết đến sự nhận thức cá nhân/cá tính của chúng. Trên những cá tính ấy, những bài học được truyền đạt và thâu nhận để hình thành nhân cách và kỹ năng. Những kiến thức, kỹ năng chung được cá biệt hóa. Những đứa trẻ lớn lên vừa biết ý thức về bản thân và vừa hiểu biết yêu cầu hợp tác. Chúng sẽ là những “phần tử” trong công việc tập thể, trong cộng đồng xã hội đồng thời là những nhân cách độc lập.

Ngược lại, nếu bài học đầu tiên của trẻ là phải “đồng phục, tuân thủ”, khi đứa trẻ buộc phải trở thành những mảnh ghép chỉn chu để thích hợp với tổ chức lớp học, với yêu cầu quản lý học sinh, với đủ thứ quy tắc luật lệ nghiêm chỉnh của thế giới người lớn…, chúng sẽ trở thành những kẻ thụ động nhợt nhạt trong một xã hội thiếu sáng tạo.

Có lẽ tôi đã đẩy tới quá xa những suy ngẫm nhân một chi tiết cỏn con vào ngày đầu đưa con đến trường. Nhưng là một phụ huynh, lẽ nào tôi không nên suy xét càng kỹ càng tốt một vài điều liên quan đến hiện trạng giáo dục của xã hội mình? Nếu cần phải nói gọn, tôi mong rằng những nhà chức trách về giáo dục, những nhà quản lý xã hội phải cần xây dựng một triết lý giáo dục thật phù hợp với thời đại, thật rõ ràng và triển khai hành động thật nhất quán. Khi đó, những chuyện như tranh cãi hoang mang về việc đánh vần có lẽ không phải trở thành một cơn xáo động trong dư luận và các diễn đàn xã hội như những ngày qua. Và những phụ huynh chẳng phải “nghĩ lung” vì một yêu cầu quá khoa học về màu bìa tập vở.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài học đầu đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO