Hôm qua, không khí khai giảng năm học mới tưng bừng ở nhiều trường phổ thông. Tại ngôi trường con mình đang theo học, trong lễ khai giảng, tôi ngạc nhiên vì nghe được thông điệp mới mẻ trong lời phát biểu của lãnh đạo nhà trường, dù nằm lẫn trong mục tiêu đào tạo của ngành giáo dục. Đó là học sinh sẽ được rèn luyện các kỹ năng sống và ứng xử có trách nhiệm, đặc biệt là với môi trường.
Thông điệp đó đem lại sự phấn khích cho tôi, có thể do đã đánh đúng vào mối quan tâm của tôi gắn với công việc thường ngày, hay có thể như một sự đồng cảm về trực giác trước hiểm họa ô nhiễm môi trường đang nhức nhối, rất cần tinh thần trách nhiệm cao của cả cộng đồng xã hội. Các em học sinh cũng có thể đã nghe thấy thông điệp đó, dù thoáng qua nhưng từ cái nhìn sinh động của mình, các em dễ dàng liên hệ với thực tế môi trường mình đang sống. Và hình ảnh những đống rác không được thu gom vươn vãi khắp nơi, thậm chí tại khu vực trường học trong những ngày qua là một ví dụ, cũng có thể đánh thức trách nhiệm của mỗi học sinh với môi trường. Hay đơn giản hơn, trong ngày khai giảng năm học mới, bao bì, hộp nhựa đựng các thức quà vặt xả ra nhiều thêm trước cổng trường cũng có thể làm các em suy tư...
Một thông điệp nếu đúng thời điểm và hợp với hoàn cảnh, sẽ có tác động rất lớn. Trong tình huống cụ thể tại lễ khai giảng trên, nhiều học sinh sẽ nhận ra mình cần có một bài học về môi trường để xem sách vở, thầy cô nói gì về thực tế mà mình chứng kiến. Điều quan trọng, từ bài học đó, nhiều em có thể thay đổi hành vi và sống có trách nhiệm hơn với môi trường. Như bức thư của một học sinh lớp 6 ở Hà Nội đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ những chú chim và rùa biển, đã gây xúc động cho nhiều người bởi đó là “một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc” như lời hồi âm của thầy hiệu trưởng sau khi nhận được bức thư này. Thầy hiệu trưởng cho biết ông rất bất ngờ, xúc động với ý tưởng trên; và cái kết rất đẹp là lời đề nghị của cô bé lớp 6 đã được nhà trường thực hiện trong ngày khai giảng hôm qua.
Thay đổi hành vi sau khi có được bài học sâu sắc về môi trường là kết quả mang nhiều ý nghĩa, xứng đáng hơn rất nhiều điểm 10 đỏ chót trên những tập vở sạch sẽ ghi chép một bài học mẫu. Thế nhưng, một điều đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa có nhiều học sinh tiếp nhận những bài học sinh động về môi trường; và bài học này chưa phải là mối quan tâm của nhiều phụ huynh. Học sinh là đối tượng trực tiếp xả thải rác ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa nhưng hầu hết vẫn chưa nhận ra trách nhiệm của mình và đặt câu hỏi mình phải làm gì để bảo vệ môi trường. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia, trẻ em nếu được giáo dục về môi trường một cách sinh động và hiệu quả, các em sẽ có được cái nhìn nhân văn hơn với thế giới xung quanh, từ đó có cách ứng xử trách nhiệm hơn trong các tình huống từ cuộc sống... Đó quả thực là bài học đáng được xem trọng.