Bài thơ bốn dị bản

NGUYỄN HOÀNG THÂN 03/02/2018 08:36

Ngũ Hành Sơn là danh thắng nổi tiếng của đất “Nam châu” (chữ dùng trong Ngũ Hành Sơn lục), vì vậy có rất nhiều thơ văn chữ Hán chữ Nôm lưu đề, xướng họa, tả vịnh của vua, quan, chí sĩ, trí thức, sư tăng trong và ngoài nước dưới thời phong kiến và rất nhiều thơ văn chữ quốc ngữ sau này. Do thơ văn bằng chữ Hán Nôm và bị rêu phong mờ phủ dẫn đến nhiều cách đọc đại đồng tiểu dị, tạo nên những dị bản của cùng một tác phẩm. Bài thơ của Thái Duy Thanh (Hội An) là một ví dụ.

Bài thơ Du Ngũ Hành Sơn của Thái Duy Thanh (trong khung).
Bài thơ Du Ngũ Hành Sơn của Thái Duy Thanh (trong khung).

Bài thơ của Thái Duy Thanh về Ngũ Hành Sơn có đến 4 dị bản.

Bản thứ nhất, có tiêu đề là Du Ngũ Hành Sơn: “Hay là ông Lý Khổng Lồ xây/ Mới có non non nước nước này/ Bên nọ bên tê năm đống đá/ Tu lên tu xuống mấy ông thầy/ Miệng hang Long Cốc hườm sâu ối/ Cửa động Huyền Không ngó trống quầy/ Lếu láo ngâm đưa đôi chén rượu/ Cõi trần khi cũng có tiên đây” (Nguyễn Hoàng Thân phiên âm). “Hườm” tiếng địa phương có nghĩa là nhìn, nhòm.

Bản thứ hai được đăng trên tạp chí Nam phong (số 8, tháng 2, năm 1918, trang 81 và trang 82): Hay là ông Lý Khổng Lồ xây/ Mới có non non nước nước này/ Ngó lại ngó qua năm đống đá/ Tu lên tu xuống mấy ông thầy/ Lên đài Vọng Hải trông xa mú/ Vào động Huyền Không ngó trống quầy/ Lếu láo ngâm đưa đôi chén rượu/ Cõi trần khi cũng có tiên đây. Trong “Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn” của Nguyễn Công Thuần biên soạn, xuất bản mới đây (Nxb Đà Nẵng, 9.2017), tác giả đã cho biết là “chép lại nguyên văn những dòng chữ quý hiếm của Chương Dân viết về Thái Duy Thanh trong Nam âm thi thoại đăng trên Tạp chí Nam phong”.

Bản thứ ba được chép trong sách Bước lãng du của Quách Tấn (Nxb Trẻ, 1996): Hay là ông Lý Khổng Lồ xây/ Mới có non non nước nước này/ Ngó lại ngó qua năm đống đá/ Tu lên tu xuống mấy ông thầy/ Lên đài Vọng Hải trông xa mú/ Vào động Huyền Không ngó trống quầy/ Lếu láo ngâm đưa ba chén tửu/ Cõi trần âu cũng có tiên đây.

Bản thứ tư có tiêu đề Cảm tác Ngũ Hành Sơn được chép trong sách Ngũ Hành Sơn di tích và thơ ca (Nxb Văn học, 2003): Hay là ông Lý Khổng Lồ xây/ Mới có non non nước nước này/ Ngó lại ngó qua năm ngọn núi/ Tu lên tu xuống mấy ông thầy/ Lên đài Vọng Hải trông xa tít/ Vào động Huyền Không ngó trống quầy/ Lếu láo ngâm đưa đôi chén rượu/ Cõi trần âu cũng có tiên đây. Cuối bài thơ, tác giả sách Lê Hoàng Vinh có ghi “Thượng tọa Thích Hương Sơn - Thích Trí Hữu dịch”.

Theo chỉ báo của Lê Hoàng Vinh, bài thơ trên không phải viết bằng chữ quốc ngữ mà có thể được viết bằng chữ Nôm, bởi “Thích Trí Hữu dịch”. Chính do “dịch” mà dẫn đến khác âm giữa “rượu” (bản 1, 2, 4) với “tửu” (bản 3). Bản 1 và 4 có tiêu đề, mặc dù mỗi bản có tiêu đề riêng. Bản 2 và bản 3 không có tiêu đề. Bản 3 khác ba bản còn lại ở chữ “tửu” với “rượu”, “ba chén” với “đôi chén”. Bản 4 khác ba bản còn lại ở từ “ngọn núi” với “đống đá”, “xa tít” với “xa mú”. Bản 3, 4 giống nhau ở từ “âu cũng” và khác với bản 1, 2 là “khi cũng”. Sự khác biệt như vậy không đáng kể. Song, sự khác biệt giữa bản 1 với ba bản còn lại có phần nhiều hơn, khác nhau về địa danh “Long Cốc” với “Vọng Hải”, khác nhau về từ pháp, thi ý “bên nọ bên tê” với “ngó qua ngó lại”, “miệng hang” với “lên đài”, “cửa động” với “vào động”.

Ở đây, người viết không tranh luận bản nào chuẩn hơn bản nào, bởi các bản thuộc 3 bản (2, 3, 4) hiện tại là bản chữ quốc ngữ, người viết chưa nhìn thấy bản chữ Nôm mà 3 bản đó dựa vào để phiên âm hay “dịch” (như cách nói của bản 4). Xét về niên đại tác phẩm, bản 3 và 4 đều sau 1945; bản 1 và 2 trước 1945, bản 2 đã có niên đại 1918, bản 1 có niên đại muộn nhất 1926 (theo năm mất của người chép lại bản chữ Nôm của bài thơ đang bàn), như vậy bản 1 có thể có niên đại trước hoặc sau bản 2.
Ấn phẩm có in bản 2, 3, 4 đều không có hoặc chỉ rất ít thông tin về tác giả, chỉ Phan Khôi nhắc đến một câu trên tạp chí Nam phong: “Ông Thái hiệu là Tùng Phong, ở phố Hội An, tức là một nhà danh sĩ hay rượu hay thơ, ẩn chốn thành thị, mới chết cách độ mười năm nay”. Nguyễn Công Thuần cũng nhấn mạnh: “Về ông Thái Duy Thanh thì cả cuộc đời và sự nghiệp thơ văn chỉ còn lưu lại chưa đầy một trang giấy qua những lời giới thiệu của Phan Khôi trong “Nam âm thi thoại” (1918) ở tạp chí Nam phong, rồi 18 năm sau chuyển vào sách Chương Dân thi thoại (1936) vẫn không thêm được một lời. Từ ấy đến nay, đã ngót trăm năm, bài thơ duy nhất may mắn còn lưu lại của Thái Duy Thanh đã được in vào nhiều trang sách báo, nhưng cũng không ngọn bút nào ghi thêm được một dòng về cuộc đời và thơ văn của bậc “đại ẩn” giữa chốn thành thị trong thời nước nhà bị thực dân đô hộ”.

Thực ra, có tài liệu về Thái Tùng Phong nhưng mọi người ít được biết đến vì chưa được công bố. Ngay cả cuốn Thành phố cổ Hội An đất và người xuất bản gần đây (Nxb Văn học, 2014) cũng không có mục từ “Thái Duy Thanh”. Ở đây người viết giới thiệu một tài liệu về Thái Duy Thanh là bài ký trên bia mộ của Thái Tùng Phong do bạn bè của ông là Tú tài học sinh Phan Nột Trai ở Cẩm Phô và Tu soạn lãnh Huấn đạo Trương Đồng Hiệp ở Minh Hương “đồng bái soạn”. Theo bài ký này, Thái Duy Thanh (? - 1911) là một kẻ sĩ tài giỏi của làng Minh Hương, bình sinh đọc nhiều thư tịch, giỏi về thơ văn, chán ghét công danh, chỉ ẩn trong nhà, nhà tuy nghèo nhưng vẫn thường cùng bạn bè du ngoạn sơn thủy, cùng vợ cam cảnh nghèo sạch không tham phú quý, chí hướng khác người, văn chương có thể lưu truyền. Ông mất do bệnh ở chân vào tháng Chạp năm Tân Hợi (1911), mộ chôn tại phía bắc chùa Long Tuyền, xã Thanh Hà (nay là phường Thanh Hà, TP.Hội An). Ông có người bạn cùng quê Minh Hương là Trương Đồng Hiệp đã ghi lại bằng chữ Nôm bài thơ Du Ngũ Hành Sơn của ông mà người viết vừa giới thiệu là bản thứ nhất ở trên.

Một bài thơ khoảng đầu thế kỷ 20 mà ít nhất đến 4 dị bản cũng là hiếm gặp. Điều đó cho thấy sức hút và sự lưu truyền của bài thơ trong thi giới và những ai yêu thích cảnh “tiên” của Non Nước - Ngũ Hành Sơn.

NGUYỄN HOÀNG THÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài thơ bốn dị bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO