Tôi từng đọc rất nhiều bài thơ nhưng gây cho tôi xúc động mạnh thường là những bài thơ viết về mẹ. Sau đây là một trong những bài thơ tôi yêu thích nhất:
“Trên đời này chỉ có ba bài hát
Đủ nói hết buồn vui thế giới tâm hồn
Hay hơn cả là bài ca thứ nhất
Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con
Bài thứ hai cũng là bài của mẹ
Khi con trai mẹ chết, cánh tay già
Ôm xác con, hát một mình lặng lẽ...
Những bài khác trên đời là bài hát thứ ba”.
Tôi không cần phải qua tận xứ Daghestan xa xôi và đọc những câu thơ trên của Rasul Gamzatop mới có được cảm xúc đó mà tôi gặp điều đó ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Tôi không biết hoặc là không nhớ hết đã biết bao nhiêu lần nội tôi khóc, nội tôi cười vì ba tôi - người con trai duy nhất của bà. Mà cho dẫu tôi có biết hết, nhớ hết thì hẳn là tôi cũng không đủ bút mực mà viết ra hết được. Tôi chỉ nhớ trong những năm đó, từ khi ba tôi đi làm xa để nuôi tôi ăn học, nội thường ngồi ở nhà lặng lẽ, đôi mắt u buồn mỗi buổi chiều dõi về phương Nam. Rồi khi tôi ra trường, ba tôi cũng về nhà thì sức khỏe và trí nhớ của bà đã giảm sút nhưng tình thương của một người mẹ thì vẫn còn vẹn nguyên.
Nội tôi thường gọi ba tôi lại ngồi bên cạnh, nắm lấy bàn tay ba tôi xoa xoa rồi chuyện trò, dặn dò này nọ, rồi mắng yêu ba tôi như là nói chuyện với một đứa con nhỏ. Rồi nội tôi hay đọc cho ba tôi nghe câu thơ cổ mà có lẽ nội vẫn đọc cho ba nghe từ thuở lên năm: “Ngó lên mặt mẹ thêm sầu/ Da dùn, gối lỏng trên đầu hoa râm”. Rồi nội diễn tả da dùn là vầy đây, gối lỏng là vầy đây... xong nội cười, một nụ cười rất hiền mà trong tôi đó là nụ cười của Phật. Ba tôi cũng cười, mà trông ông tôi không biết là ba đang cười hay đang khóc.
Có bận ba tôi đau ruột thừa, đó cũng là thời gian nội tôi đã yếu đi nhiều và sau những ngày đấu tranh với cơn tai biến. Trong những ngày ba lên bàn mổ, nội ở nhà không ăn và luôn chắp tay cầu nguyện. Đến ngày ba xuất viện trở về, đến ngồi bên nội, ba cười, còn nội, nội khóc. Đấy là một số rất ít trong vô vàn những câu chuyện về nội như thế.
Rồi trong đời tôi cũng nghe được “bài hát thứ hai”, đó là ngày ba tôi mất. Nội không đủ sức để khóc nữa rồi, thật ra thì nội không biết, chúng tôi đã để nội nằm riêng một góc để lo chuyện cho ba. Nội vẫn nói chuyện một mình, câu nhớ câu quên. Trong câu chuyện đôi lúc người ta có nghe nội nhắc về ba, rồi nội cười, những nụ cười kiểu “trả nhớ về không”.
Bẵng đi một thời gian, nội vẫn vậy, song người nhà tôi ý tứ thường dắt nội đi những chỗ tránh xa góc bàn thờ của ba tôi. Cho đến một hôm, đôi chân đã từng một đời lên nguồn xuống biển của nội tôi quyết đòi con cháu đẩy xe lăn đưa nội đi khắp một vòng quanh... ngôi nhà của nội. Và bà dừng lại trước bàn thờ của ba tôi. Bà nhìn chặp lâu vào di ảnh của ba rồi hai tay bà đưa lên nắn ngực, xong bà gục xuống khóc nức nở.
Và từ sau hôm ấy, tôi không còn thấy nụ cười của nội tôi nữa.