Bài thơ về Tam Kỳ của nữ sĩ Sầm Phố

PHÚ BÌNH 24/09/2016 09:53

Đầu thế kỷ XX, tại phạm vi phủ Tam Kỳ lưu hành một bài thơ vịnh phong cảnh địa phương, như sau:

Phải huyện Hà Đông trước ở đây?
Có Nhà Dây thép, có đồn Tây
Chữ Hời bia đá rêu phong kín
Tượng Phật chùa Hang bụi lấp đầy
Kim Đái - đai vàng nào đâu thấy?
Thạch Kiều - cầu đá hãy còn đây!
Sông Tiên nào thấy ông Tiên tắm?
Bủa lưới buông câu mấy chú chài.

Về sau, từ bài trên, dân gian còn thêm một dị bản: “Huyện mới Hà Đông đặt ở đây/Có đồn đại lý, có lầu Tây?/ Nước sông Bàn Thạch quanh quanh chảy/ Ngọn núi Tùng Lâm lớp lớp xây/ Kim Đái đai vàng đâu chẳng thấy?/ Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây!/ Sông Tiên nào thấy ông Tiên tới?/ Bủa lưới giăng câu mấy chú chài!”. Câu 4 của dị bản này có khi còn được đọc thành “Ngọn núi Thanh Lâm lớp lớp xây”.

Bà Nguyễn Thị Đào cùng gia đình con trai Tạ Quang Đệ.
Bà Nguyễn Thị Đào cùng gia đình con trai Tạ Quang Đệ. Nguồn: Báo Phụ Nữ Việt Nam.

Cả hai bản thơ đều cố gắng chỉ ra những địa danh, dấu tích vốn có của vùng huyện Hà Đông xưa mà đến năm 1906 đã được nâng lên thành phủ Tam Kỳ.

Trước hết đó là các di tích chùa Hang và tháp Hời - những nơi từng được các sách địa dư chí thời Nguyễn nhắc đến. Chùa Hang nằm ở xã Bình An Trung, tổng Đức Hòa - là vùng cực nam của huyện Hà Đông xưa (nay thuộc thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành). Đó là ngôi chùa vắng vẻ tại vùng núi Hòn Bà, được cho là do một vị sư người ở tỉnh khác đến lập rồi trụ trì. Nhà sư này, lúc cao niên yếu bệnh đã viên tịch bằng cách tự thiêu. Sau đó khá lâu, một sư nữ quê Tam Kỳ đã đến đó an cư, tu tập, kiêm luôn việc chữa bệnh cho dân quanh vùng. Nay, chùa đó vẫn còn, có tên là Thạch Động Tự.

Di tích “chữ Hời” tại các tháp Chăm được nhắc trong bài thơ chắc chắn là ở hai cụm tháp Khương Mỹ và Chiên Đàn (nay ở hai huyện Núi Thành và Phú Ninh) vốn rất quen thuộc với người dân địa phương. Nhưng, tấm “bia đá rêu phong kín” mà tác giả đề cập nay đã mất dấu; chẳng rõ các nhà nghiên cứu người Pháp có đem nó về Cổ viện Chàm ở Đà Nẵng như họ đã từng làm với các bia, tượng Chàm ở các nơi khác thuộc Quảng Nam xưa?

“Thạch Kiều” cũng là một di tích Chăm. Đó là một cây cầu đá nhỏ nằm ở thôn Thạch Kiều, gần vùng tháp Khương Mỹ, thuộc tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông xưa (nay là xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành). Ở vùng này, dấu vết của những con mương đá dẫn nước và nền móng các di tích kiến trúc gạch thi thoảng vẫn được người địa phương phát hiện khi đào xới.

Về Sầm Phố nữ sĩ

Tác giả của bài thơ gốc là bà Tạ Quang Diệm, nhũ danh Nguyễn Thị Đào, bút danh Sầm Phố - một phụ nữ thông Nho học, thạo văn chương…, là thân mẫu của hai nhân vật nổi tiếng: GS. Tạ Quang Bửu và nhà báo Tạ Quang Đệ (bút danh Quang Đạm).

Bà sinh năm 1885, quê ở làng Hoành Sơn (nay thuộc xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An). Ông nội bà là cụ thám hoa Nguyễn Đức Đạt, được triều đình cử làm Đốc học nhưng mấy lần đều tìm cớ từ quan về quê mở trường dạy học. Trong số học trò của cụ, có nhiều danh nhân, chí sĩ như cụ Phan Bội Châu, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ phó bảng Đặng Nguyên Cẩn - thân sinh GS.Đặng Thai Mai, cụ cử nhân Đặng Văn Bá - một trong những người sáng lập phong trào Duy tân...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ lừng lẫy về khí tiết và học vấn như vậy, bà Nguyễn Thị Đào sớm thông thạo Hán văn, làm nhiều thơ phú được biết rộng rãi qua bút danh Sầm Phố nữ sĩ. Bà kết hôn với cử nhân nho học Tạ Quang Diệm ở làng Hoành Sơn, sau làm giáo thụ phủ Tam Kỳ. Bà và gia đình có mối giao hảo với các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… và từng gửi con đến thọ học. Bà làm thơ gửi cho các báo như Tiếng dân, Phụ nữ thời đàm…

So với những nhà thơ khác đầu thế kỷ XX, thơ của bà tuy không nhiều nhưng cũng đã góp thêm một tiếng nói yêu nước kín đáo của giới nữ lưu vào những biến động và trăn trở của thời đại. Nữ sĩ Sầm Phố qua đời năm 1975. Bài thơ gốc nói trên được bà Tạ Quang Diệm sáng tác vào khoảng các năm từ 1920 - 1925 khi theo chồng vào sống tại Tam Kỳ. (Nguồn: Báo Phụ Nữ  Việt Nam)

Ở vùng Tam Kỳ, cách hiểu về mấy ngọn núi ghi trong bản thơ thứ hai không giống nhau: Có người cho rằng “núi Tùng Lâm” ở vùng xã Quảng Phú, tổng Phú Quý (nay thuộc TP.Tam Kỳ). Đó là hai ngọn đồi đất đỏ Quảng Phú (còn gọi là Núi Cấm - tên chữ ghi trong thư tịch triều Nguyễn là Cấm Sơn) và đồi An Hà. Có người khẳng định Tùng Lâm chính là núi Thanh Lâm ở xã Thanh Lâm, tổng Tiên Giang Thượng (nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước). Tên Thanh Lâm không thấy ghi tên trong sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh địa dư chí - có lẽ vì núi không lớn; nhưng người địa phương biết đến nhiều vì dưới chân vùng núi này là các trũng ruộng phì nhiêu. Làng Thanh Lâm nằm ven núi này, nổi tiếng không chỉ là nơi đồn trú nghĩa quân Cần vương của cụ Trần Văn Dư vào khoảng năm 1885 mà còn là địa phương có mở “Hội vây cọp” hàng năm. Theo như cách thức được diễn tả trong bài thơ, mỗi tổng của huyện Hà Đông được mô tả qua một vài dấu tích, thì có khả năng câu “ngọn núi Thanh Lâm lớp lớp xây” là đúng cho bản thứ hai.

Các dòng sông được nhắc trong hai bản thơ này gồm: sông Tiên ở tổng Tiên Giang thượng và sông Bàn Thạch (còn gọi là sông Phước Xuyên) phân chia ranh giới hai tổng Chiên Đàn và Phú Quý. Sông Tiên nổi tiếng vì có đoạn “chảy ngược về hướng tây”, từ đó dựng lên lời đồn mang tính phong thủy là “nơi đâu có nước chảy ngược dòng, nơi đó có nhiều con gái đẹp”. Sông Bàn Thạch nổi tiếng vì có vạn ghe Bàn Thạch, sau gọi là chợ Vạn - Tứ Bàn, là nơi tập trung buôn bán đông nhất của toàn vùng nam Quảng Nam xưa.

Cuối dòng Bàn Thạch về hướng bắc, tiếp giáp với vùng đầm An Hà trù phú có một dải cát như hình chiếc thắt lưng màu vàng ôm ấp toàn vùng này. Dựa vào hình thế đó, những người đầu tiên đến định cư ở vùng đất quanh đầm An Hà đã đặt tên Kim Đái để định danh (Kim: vàng, Đái - còn đọc là Đới: cái đai lưng) sau đó thành tên của một làng (nay thuộc xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ).

Ít người cao niên ở Tam Kỳ còn nhớ được hình dáng và vị trí tọa lạc của “lầu Tây”, nhưng ai cũng chỉ ra được vị trí của “đồn Tây” tức Đồn đại lý Pháp nằm ngay ở khu đất phía tây của góc đường Trần Cao Vân và Trần Dư hiện nay. Xưa, đây là nơi đồn trú của lính Pháp có nhiệm vụ giúp chính quyền Nam triều cai trị vùng phủ Tam Kỳ; đây cũng là một trong hai nơi diễn ra cuộc biểu tình của dân 7 tổng thuộc phủ Tam Kỳ trong phong trào kháng sưu chống thuế năm 1908.

Nhà dây thép được mô tả trong bài thơ gốc chính là trụ sở Bưu điện Tam Kỳ ở đường Trần Cao Vân - gần ngã tư Nam Ngãi sau này. Địa điểm và công năng bưu chính của nơi này được giữ nguyên từ ngày người Pháp xây dựng đến nay.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài thơ về Tam Kỳ của nữ sĩ Sầm Phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO