Ở thôn Khương Mỹ (Tam Xuân 1, Núi Thành) có ngôi từ đường họ Trần nằm sát phía nam bờ sông Tam Kỳ còn lưu nhiều bằng cấp, sắc phong, câu đối, bài thơ có liên quan đến hành trình của một ông thầy từng dạy học trong cung vua triều Nguyễn.
Người được thờ trong ngôi từ đường đó là ông Trần Hưng Nhượng (1791 - 1865), đỗ Sinh đồ (về sau đổi thành học vị Tú tài - NV) trong khoa thi Hương năm Minh Mệnh thứ 6 (Ất Dậu - 1825). Sau khi thi đỗ, ông ở quê nhà dạy học một thời gian. Lúc ấy, ở các tỉnh Nam Kỳ thiếu viên chức, vua Minh Mệnh đã cho sát hạch các tú tài (vốn chưa thuộc diện được bổ làm quan) và chọn cử vào nam làm việc. Vì thế, năm 1830, ông Nhượng được sát hạch, đỗ hạng bình và được bổ vào nam làm công việc sư phạm.
Làm thầy và làm quan
Theo chiếu cấp bằng được lưu giữ, đầu tiên ông giữ chức Huấn đạo tại huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Nguyên văn chiếu này như sau: “Chiếu: Tú tài Trần Hưng Nhượng, quán Quảng Nam trấn, Thăng Hoa phủ, Hà Đông huyện, Đức Hòa trung tổng, Khương Mỹ xã, tiền kinh hữu Chỉ dĩ Huấn đạo dụng.
Tư Lại bộ án khuyết nghị bổ cụ đề, chuẩn bổ thụ Long Thành huyện huấn đạo chuyên ti cai huyện giáo chức. Phàm giảng tập, khảo khóa sự vụ thỉnh tòng cai hạt Học chính thượng ty y lệ phụng hành.
Yếu nghi: thức đoan sư phạm, khai đạo học sinh, tý các thành tài, dụng hoằng văn trị. Nhược quyết chức phất tu, hữu quốc pháp tại. Khâm tai! Minh Mệnh thập tam niên, thất nguyệt, nhị thập tứ nhật (năm Minh Mệnh thứ 13 - 1832 - NV)”.
Qua văn bản này, có thể biết yêu cầu của triều đình đối với viên chức phụ trách giáo dục là “thông thạo đường lối sư phạm, chỉ bảo hướng dẫn cho học sinh (để giúp chúng) đều cùng thành tài, mở mang nền học để phục vụ việc nước”.
Sau đó, ông Trần Hưng Nhượng được thăng bổ các chức cao hơn như Giáo thụ phủ Tân An, tỉnh Gia Định (1834), kiêm nhiệm làm Tri huyện Tân Hòa (cùng tỉnh - NV), Giáo thụ phủ Kiến An, tỉnh Định Tường (1837), Đốc học tỉnh Định Tường (1838).
Do làm việc tại quê của bà Phạm Thị Hằng (vợ vua Thiệu Trị - con gái Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng), hẳn là khả năng và đạo đức của ông Trần Hưng Nhượng được gia đình bên vợ của nhà vua biết đến. Vì thế, sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ngày 14.9.1841 ông Nhượng được tiến cử, đưa về kinh đô, nhận nhiệm vụ giảng dạy trong cung vua với chức Hoàng tử phủ bạn độc (giúp các hoàng tử đọc sách).
Tư liệu lưu ở gia tộc chép: Trong thời gian này, có lúc ông được cử phục vụ các hoàng tử trong chuyến đi theo vua Thiệu Trị ngự giá tuần du các tỉnh miền Bắc (1842). Tháng Giêng năm 1843, ông Nhượng được vua chỉ dụ ban khen về việc giúp các hoàng tử học tập có tiến bộ và được thưởng ba đồng tiền Đại phi long.
Tư liệu gia tộc còn cho biết: Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) do lỗi phủ An Phong (phủ của hoàng tử Hồng Bảo - anh vua Tự Đức) tổ chức hát xướng vào ngày kiêng kỵ mà ông thầy Trần Hưng Nhượng không biết can ngăn nên bị (triều đình) giáng xuống 2 cấp nhưng cho giữ nguyên chức vụ, tiếp tục việc dạy các hoàng tử như cũ.
Theo lệ của triều đình, để có quan hàm cao hơn, một số thầy dạy học trong cung vua được bổ ra ngoài làm các chức quan phụ trách hành chính. Ông Nhượng cũng được hưởng đặc ân đó. Tháng 10.1845 (Thiệu Trị thứ 5) ông được bổ làm tri phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định sau đó thăng lên Thự tri phủ Hàm Thuận (tháng 11.1847).
Trong thời vua Tự Đức, ưu ái ông thầy cũ, nhà vua lần lượt cho ông về kinh đô, thăng chức (Lang Trung, Viên Ngoại Lang, Đổng lý Thanh tra) và cấp nhiều Sắc ban khen. Sau đó ông được bổ ra ngoài làm Án sát sứ tỉnh Hưng Yên (tháng 11.1856 - Tự Đức thứ 9), rồi Án sát sứ tỉnh Quảng Bình (tháng 9.1857). Gần 70 tuổi ông vẫn còn được tín nhiệm và bổ làm Án sát sứ Lạng Sơn. Đến năm 1860, do nhiễm lam sơn chướng khí nơi vùng biên giới, ông mới được cho về hưu.
Bài thơ hoàng tử viết tặng thầy
Thời gian dạy học trong cung vua không nhiều nhưng hẳn ông Trần Hưng Nhượng đã để lại trong lòng các học trò vương giả những ấn tượng đặc biệt. Đến nay, tại nhà từ đường tộc Trần thôn Khương Mỹ lưu lại hai bài thơ của vua Tự Đức tặng ông Trần Hưng Nhượng, trong đó, bài thơ của hoàng tử Hồng Nhậm (tên của vua Tự Đức khi chưa lên ngôi) đã thể hiện nhiều tình cảm sâu nặng. Bài thơ này được chính tay hoàng tử viết tặng khi ông Trần Hưng Nhượng giã từ hoàng cung để vào Bình Định làm tri phủ.
Bài thơ được ghi đầu đề “Tiễn Trần Tri phủ phó nhậm” (Tiễn tri phủ họ Trần đi nhận việc) có nguyên văn như sau: “Đan chiếu sơ tòng yết thất lai/ Tống quân Nam khứ trọng bồi hồi/ Đồng chu tích nhật ngâm phong nguyệt/ Phân thủ kim triêu bả cúc bôi/ Khứ nhạn viễn sơn tân tuyết lãnh/ Ly phàm Hương thủy mộ vân khai/ Bệnh trung tống biệt chân trù trướng/Vị vấn hà niên tuyết mấn hồi?”.
(Dịch ý: Chiếu đỏ thăng chức của vua đã ban ra/ Tiễn thầy đi về Nam lòng ta rất bồi hồi/ Nhớ ngày nào còn ngồi cùng thầy trên thuyền bàn chuyện văn thơ/ Mà sớm nay đã phải nâng ly rượu chia tay/ Buổi thầy đi chim nhạn bay xa về núi tuyết/ Cánh buồm rời dòng Hương dưới bóng mây chiều/ Ta đang có bệnh trong người mà lại tiễn thầy đi xa lòng thêm tê tái/ Biết đến ngày nào thầy mới trở về?).
Dường như chưa nói hết nỗi lòng, vị hoàng tử có tài văn thơ đã viết thêm một đoạn tái bút ghi nhan đề “Tái tống biệt” (lại thêm lời tiễn đưa). Nguyên văn:
“Lập mã nguy kiều tống cố tri/ Bắc phong lãnh lạc sử nhân bi/ Giang thành đáo xứ thôi thi hứng/ Vị tưởng đương song thoại cựu thì”.
(Dịch ý: Dừng ngựa trên cầu cao tiễn người thầy rất hiểu lòng ta/ Gió bắc lạnh lùng khiến lòng người thêm sầu bi/ Đến bến sông này lòng ta những muốn làm thơ/ Vì nhớ lại, cũng trên dòng sông này, có những lúc thầy trò nhìn ra cửa sổ thuyền và cùng đàm đạo chuyện xưa tích cũ).
Sau này làm vua, lúc cuối đời, Tự Đức tâm sự về quãng thời học với các thầy - trong đó có ông Trần Hưng Nhượng như sau: “Kịp đến khi làm hoàng tử, chỉ trong vòng 7 năm trời mới được thầy dạy có phần khá hơn. Các sách Thi, Thư, Tứ Tử cũng chưa học trọn; còn kinh, sử, tử, tập thì chưa được thiệp liệp, huống chi văn thơ của các nhà khác!” (Ngự chế thi sơ tập). Nhà vua dường như chưa vừa lòng với các kiến thức được học thời còn trẻ. Nhưng cái tình đối với thầy, qua bài thơ cụ thể trên thật là man mác.
Tại nhà thờ cụ Trần Hưng Nhượng có câu đối đặt ngay hai bên gian thờ: “Thanh bạch đáo kim huyền lại kính/ Thận cần tự cổ yết quan châm” (Dịch ý: Sự thanh bạch và thận trọng, siêng năng của thầy đến nay như tấm gương soi, như câu châm ngôn từ xưa răn dạy cho lớp quan lại về sau).