Bài toán giải quyết lao động

ĐĂNG QUANG 13/02/2017 08:40

Bước qua năm 2017, những dự báo về thị trường lao động có các chiều hướng khác nhau.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra dự báo sẽ có tới 201 triệu người trên toàn cầu thất nghiệp trong năm 2017. ILO cũng cho rằng xu hướng gia tăng thất nghiệp do tình trạng suy giảm trên thị trường lao động khi các doanh nghiệp đầu tư chưa đạt mức mong muốn và lưỡng lự trong quyết định đầu tư mới vì tăng trưởng kinh tế chậm và lo ngại về những bất ổn chính trị. Trái với dự báo của ILO, kinh tế Việt Nam lại nhận được tín hiệu tốt khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng trong tháng 1.2017, với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,58 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, như các chuyên gia dự báo kinh tế tiếp tục đà phục hồi với GDP tăng hơn 7,1%, tiếp tục thu hút FDI, đặc biệt là số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cả lượng và vốn. Nhờ đó, thị trường lao động sẽ được tác động tích cực. Đơn cử như hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao. Khảo sát trên 1.775 doanh nghiệp, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết có gần 16 nghìn chỗ làm việc lâu dài và khoảng 5 nghìn việc thời vụ cần tuyển dụng lao động. Còn Hà Nội, với gần 22 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, triển vọng về việc làm mới trong năm 2017 sẽ rộng mở hơn với lao động.

Ở địa bàn Quảng Nam thì bài toán giải quyết lao động ra sao? Cho đến nay chưa thấy số liệu khảo sát và dự báo nào được đưa ra từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhìn tổng quan cũng có thể dự báo được nhu cầu lao động sẽ tăng. Trước hết đó là do những dự án đang và sẽ triển khai trên vùng đông cần hàng chục nghìn lao động, từ du lịch, dệt may, xây dựng, cơ khí... Thêm nữa, tỉnh đặt mục tiêu tạo môi trường khởi nghiệp thông thoáng để có khoảng 1 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập. Vì thế, cơn khát lao động sẽ xuất hiện. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp ngay sau tết đã đăng thông tin tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức. Các ngành giải quyết nhiều lao động như may mặc, xây dựng,... đã và đang tiếp tục tạo việc làm mới, cần hàng nghìn lao động trong năm nay.

Bài toán đào tạo lao động để giải quyết việc làm, tạo công ăn việc làm mới là không đơn giản. Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở dạy nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và nghề ngắn hạn dưới 3 tháng… Tuy nhiên, như nhận định của ngành chức năng, việc đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhiều trường nghề còn loay hoay trong chuyển đổi mô hình gắn đào tạo với cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Chất lượng dạy nghề cũng chưa thỏa yêu cầu của nhiều doanh nghiệp cần lao động tay nghề cao. Mặt khác, hiện nay trong xã hội vẫn còn tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ. Vì thế, sức hút thanh niên vào trường nghề còn yếu hơn vào trường đại học, khiến tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn là câu chuyện chưa được giải quyết rốt ráo. Một số dự án lớn vào Quảng Nam sẽ phải tính toán rất căng việc tuyển dụng lao động, hoặc doanh nghiệp phải mất công đào tạo mới có thể đưa dự án sản xuất kinh doanh vào hoạt động.

Năm nay, Quốc hội, Chính phủ đã giao ngành LĐ-TB&XH thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động. Đồng thời hưởng ứng chủ trương quốc gia khởi nghiệp, năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với UBND các cấp tập trung chủ yếu vào đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp; xác định, đánh giá nhu cầu của thị trường lao động, từ đó định hướng cho thanh niên tiếp cận thị trường công nghệ mới và dịch vụ xã hội. Thông điệp “Khởi nghiệp việc làm là tiềm năng và động lực để phát triển kinh tế - xã hội” đã được đưa ra. Quảng Nam là tỉnh có hàng trăm nghìn người trong độ tuổi lao động cần việc làm, do vậy cần xúc tiến khảo sát đánh giá nhu cầu của thị trường và có giải pháp cụ thể cho bài toán nguồn nhân lực, giải quyết việc làm trên con đường hướng đến mục tiêu trở thành một tỉnh giàu trong khu vực, tỉnh khá của cả nước.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán giải quyết lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO