Bài toán lao động nông thôn: Điện Phong mở hướng đi

VINH ANH 23/10/2014 08:55

Từ việc chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tập trung cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, bộ mặt đời sống - xã hội ở xã Điện Phong (Điện Bàn) đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở xã Điện Phong. Ảnh: VINH ANH
Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở xã Điện Phong. Ảnh: VINH ANH

Hết ly hương

Mới đây, khi về công tác tại Điện Phong - một trong 3 xã Gò Nổi của huyện Điện Bàn, chúng tôi hết sức bất ngờ trước quy mô hoành tráng của Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc nằm ở khu vực trung tâm xã. Bởi trước đây chúng tôi đã từng đến thăm cơ sở này, lúc đó quy mô nhỏ, ít lao động. Từ một cơ sở sản xuất với diện tích 500m2, hôm nay chúng tôi đến đã mở rộng thành 3.000m2, giải quyết việc làm cho 150 lao động địa phương. Chị Lê Thị Hà (22 tuổi, xã Điện Phong) là lao động nữ duy nhất tại công ty tham gia chế tác gỗ như thợ nam lành nghề khác, những lao động nữ còn lại chỉ làm việc phụ ở khâu hoàn thiện. Chúng tôi không khỏi thán phục khi nhìn Hà đục đẽo trên thớ gỗ với những đường nét tinh xảo, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay. Nghỉ học sớm, Hà từng theo chị gái vào Nam học nghề làm tóc, tìm việc mưu sinh. Nhưng sau thời gian, nhận thấy nghề nghiệp không phù hợp và thu nhập khó có thể nuôi sống bản thân, Hà đã quyết định quay về quê xin vào học nghề mộc tại Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc. Không cam chịu làm người phụ việc, bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, Hà dần nâng cao tay nghề và trở thành tay thợ khá điêu luyện ở cơ sở. Với mức thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng, Hà cho biết rất yên tâm và thích thú với công việc đang làm. “Đến bây giờ tôi vẫn còn thấy mình rất may mắn bởi đã học được một cái nghề cho bản thân. Công việc nhìn qua có vẻ hơi vất vả cho cánh “chân yếu tay mềm” nhưng với mình thì lại thấy rất phù hợp và thú vị. Nghề vừa cho mình thu nhập ổn định lại không phải ly hương mưu sinh. Được làm gần nhà nên tinh thần thoải mái, không phải lo nghĩ nhiều điều như hồi ở trong Nam” - Hà chia sẻ.

Trong cơ cấu lao động nông thôn hiện nay của xã Điện Phong, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 39%, thương mại dịch vụ 40%, tiểu thủ công nghiệp 21%; mức thu nhập bình quân toàn xã năm 2014 ước hơn 25,4 triệu đồng/người.

Ông Huỳnh Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc cho biết, ban đầu công ty chỉ có 5 - 7 công nhân, sau đó dần dần phát triển thêm. Trước đây, do điều kiện địa bàn không mấy thuận lợi nên việc phát triển, quảng bá sản phẩm ra bên ngoài khá khó khăn. Lúc đầu có nhiều đơn vị, mạnh thường quân muốn đưa cơ sở sản xuất gỗ đến một địa điểm nào đó thuận lợi hơn như Tam Kỳ, Đà Nẵng, thậm chí là TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tuy nhiên, về phía địa phương, UBND xã Điện Phong luôn động viên về mặt tinh thần, mong muốn làm sao để tại địa phương ngày càng có nhiều doanh nghiệp, đơn vị đầu tư phát triển kinh doanh. Đồng thời địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện để công ty mở rộng cơ sở sản xuất; tích cực tuyên truyền, vận động và định hướng cho lực lượng thanh niên vào học nghề tại công ty, góp phần giảm bớt tình trạng lao động trẻ ly hương tìm việc. Từ những sự quan tâm đó đã tiếp thêm động lực để công ty mở rộng, phát triển kinh doanh. Đến nay, công ty đã đào tạo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 150 lao động địa phương, chủ yếu là thanh niên, trong đó có thanh niên khuyết tật.

Họp bàn cùng doanh nghiệp

Phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2015, những năm qua, huyện Điện Bàn đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện, nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu sản xuất. Và Điện Phong là một trong những địa phương như vậy. Ông Phan Phước Long - Bí thư Đảng ủy xã Điện Phong cho biết, với dân số 10.640 người, trong đó có hơn 5.000 lao động, Điện Phong là xã thuần nông, đất ít dân đông (quỹ đất 400m2/nhân khẩu). Vài năm gần đây, dưới tác động của cơ giới hóa, nguồn lao động nông nghiệp càng dôi dư. Chính từ thực tế đó đã khiến cho cấp ủy, chính quyền xã Điện Phong phải “đau đầu” giải quyết bài toán “thừa lao động nông nghiệp”. Và, một nghị quyết về việc chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thương mại dịch vụ đã được xã Điện Phong đề ra nhằm giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động nông nghiệp, nông nhàn.

Tuy nhiên, theo ông Long, nghị quyết đề ra là một việc nhưng để thực hiện thành công không phải chuyện đơn giản. Cùng với thực hiện kết hợp nhiều cách làm đồng bộ, quyết liệt, Đảng ủy xã Điện Phong đã hết sức coi trọng công tác “dân vận khéo” nhằm thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương. Qua đó, UBND xã tổ chức hội nghị chuyên đề với các doanh nghiệp trên địa bàn để khảo sát và nắm tình hình sản xuất, đào tạo giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Trên cơ sở đó, UBND xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng quy mô cơ sở… Nhờ đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở Điện Phong bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tại địa phương hiện nay, ngoài Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, còn có Công ty TNHH một thành viên May mặc Phong Sơn giải quyết việc làm cho hơn 75 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/tháng; Hợp tác xã Phú Bông tiếp tục đầu tư sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm giải quyết 60 lao động nông nhàn, thu nhập mỗi người 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 2 khu chợ khá nổi tiếng là Phú Bông và Hà Mật đang thu hút 250 lao động địa phương tham gia kinh doanh thương mại, cùng hàng trăm người dân từ nơi khác đến buôn bán, tạo mối giao thương sôi động.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán lao động nông thôn: Điện Phong mở hướng đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO