Bài toán sinh kế ở xã Dang

HOÀNG LIÊN 13/12/2018 07:25

Từ câu chuyện “hậu thủy điện” và những khó khăn trong công tác giảm nghèo ở xã Dang (Tây Giang), trong đó có 2 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp và 2 thôn bị ảnh hưởng gián tiếp bởi thủy điện A Vương, bài toán sinh kế cho người dân cần sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Mở đường công vụ nối trung tâm xã Dang đến thôn Z’lao để xóa thế cô lập. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Mở đường công vụ nối trung tâm xã Dang đến thôn Z’lao để xóa thế cô lập. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thiếu mặt bằng và đất sản xuất

Sau hơn 10 năm xây dựng thủy điện A Vương, bài toán “hậu thủy điện” tại xã Dang vẫn chưa có lời giải. Đó là khó khăn về đất sản xuất và mặt bằng tái định cư cho nhiều hộ mới phát sinh của 2 thôn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thủy điện là A Lua và K’la; 2 thôn ảnh hưởng gián tiếp là Z’lao - bị cô lập hoàn toàn bởi lòng hồ và A Đâu - phải nhường đất cho các thôn trên. Anh Bnướch Ablơn - Bí thư Đoàn xã Dang, sống tại A Lua cho biết, từ khi di dời khỏi vùng sạt lở ở khu tái định cư A Lua, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn như: thiếu hụt đất sản xuất, nhà ở chật chội vì xen ghép nhiều thế hệ. “Làng A lua chỉ có vài héc ta được làng bên cho để trồng cao su, một ít ruộng lúa nước, đến nay cao su cũng chưa thu hoạch nên chẳng có nguồn thu gì. Các nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135, 30a chưa phát huy hiệu quả. Ai có xe máy thì dễ trở về làng cũ trồng trọt, gieo lúa rẫy, chăn nuôi heo, gà; ai không có xe phải đi cả tiếng rưỡi mới tới làng cũ” - anh Bnướch Ablơn nói. Theo ông Alăng Pứp - Trưởng thôn A Lua, thôn cũng đang xin đất của làng bên, vận động nhiều hộ dân nhường đất rẫy để huyện đưa cơ giới vào san lấp mặt bằng, giãn bớt dân đến nơi mới... Người dân A Lua rất cần những lớp chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ cây con giống để có sinh kế thoát nghèo. “Cũng vì thiếu đất, khó khăn trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cái nghèo cứ dai dẳng.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND xã Dang cho biết, ở các thôn bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi thủy điện, đời sống người dân còn khó khăn do nhà cửa tạm bợ và thiếu đất sản xuất. Việc hỗ trợ, bồi thường từ dự án thủy điện A Vương chưa quan tâm đến phát triển sinh kế bền vững như: đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm… nên người dân 4 thôn không thể thoát nghèo. Ông Tâm phân tích, toàn xã có 24 hộ thoát nghèo trong năm 2016 thì năm 2017 có 6 hộ tái nghèo, trong đó chủ yếu các hộ ở xã Dang. Có 35 hộ cận nghèo của xã năm 2016 đã rơi xuống hộ nghèo năm 2017, trong đó đa số số hộ ở 4 thôn trên. Toàn bộ diện tích đất ruộng lúa nước trước đây đã bị ngập bởi thủy điện A Vương. Đời sống và thu nhập của các hộ chủ yếu dựa vào nương rẫy và các sản phẩm từ rừng như: măng, đốt, mây, nấm... nhưng cũng không được thường xuyên nên thu nhập bình quân hộ không đạt, dẫn đến rơi xuống hộ nghèo.

Cần hỗ trợ sinh kế

Bà Phạm Diệu My - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) nhìn nhận, trước đây người dân vùng ảnh hưởng bởi thủy điện có sẵn phương tiện sản xuất và đất nương rẫy, thì khi đến khu mới tư liệu sản xuất bị hạn chế, gánh nặng kinh tế phụ nữ nhiều hơn. Không có đất sản xuất đồng nghĩa với không có việc làm và cái nghèo vẫn tồn tại. Các dự án thủy điện đã làm mất đi “văn hóa lúa rẫy” của đồng bào miền núi, người dân đối diện với nhiều thách thức trong việc tìm sinh kế. Nếu bài toán thiếu đất sản xuất trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện không được giải quyết thì khó tránh khỏi việc phá rừng làm nương rẫy. “Lâu nay, thủy điện A Vương hằng năm hỗ trợ người dân khu tái định cư mang tính ngắn hạn, vì vậy cần xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ lâu dài với mô hình sinh kế ổn định” - bà My nói.

Bà Lê Thị Lai - cán bộ Hội Phụ nữ huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua, hội tích cực hỗ trợ phụ nữ tham gia mô hình khai thác ruộng bậc thang và trồng đặc sản nếp than. Việc sản xuất lúa nếp có giá trị gấp 2 lần lúa thường. Thời gian tới, hội tiếp tục nhân rộng mô hình này ra, tạo đặc sản vùng miền, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, song chỉ mới hỗ trợ bước đầu, đầu ra sản phẩm còn hạn chế, bị tư thương ép giá.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết, bài toán về sinh kế “hậu thủy điện” vẫn khiến huyện Tây Giang loay hoay tìm lời giải. Có an cư mới lạc nghiệp, do vậy, huyện Tây Giang sẽ tập trung cải thiện an sinh xã hội cho bà con 4 thôn, sau đó mới tập trung tháo gỡ về kinh tế, phải đi lên từng bước để tránh lặp lại sự vội vàng như trước đây. Mới đây, huyện Tây Giang đã nỗ lực đầu tư hạ tầng, bê tông hóa tuyến đường giao thông huyết mạch xã Dang với chiều dài hơn 15km. Tuyến còn lại từ các thôn cuối của xã Dang đi qua các thôn vùng tái định cư, men theo lòng hồ A Vương, kéo dài tới thôn Z’lao đang được san lấp mặt bằng, bê tông hóa giai đoạn 2019 - 2020 nhằm xóa thế độc đạo địa phương.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán sinh kế ở xã Dang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO