Bài toán tăng giá trị hải sản

VIỆT NGUYỄN 08/03/2021 10:45

Tạo chuỗi giá trị hải sản là giải pháp để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” liên tiếp tái diễn trong nhiều năm qua ở Quảng Nam.

Giá cá hố giảm mạnh nên ngư dân phơi khô chờ thị trường ổn định sẽ bán. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Giá cá hố giảm mạnh nên ngư dân phơi khô chờ thị trường ổn định sẽ bán. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Khó đầu ra

Cá hố được ngư dân đánh bắt với số lượng lớn trong những chuyến biển ngắn ngày gần đây nhưng giá bán tương đối thấp. Ông Nguyễn Huỳnh Sáu (thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết, thu được 1 tạ cá hố sau 1 đêm bám biển nhưng giá trị kinh tế mang lại chỉ là 2 triệu đồng, giảm gần một nửa so với trước đây.

“Không dễ chi ngư dân thu được sản lượng lớn. Vậy nhưng cứ hễ được mùa là giá bán hải sản giảm mạnh. Tư thương nêu nhiều lý do để hạ giá như cho rằng cá bị trầy xước, cỡ cá không lớn, thị trường ít có nhu cầu...” - ông Sáu nói.

Những ngày qua, rất nhiều ngư dân ở Tam Kỳ, Thăng Bình đã phải phơi cá hố sau khi đánh bắt vì giá quá rẻ. “Cá hố khô thường có giá trị thấp hơn cá hố tươi. Bây giờ không bán được, chúng tôi bắt buộc phải phơi khô cá hố để khi nào giá cá ổn định hơn thì bán. Đánh bắt hải sản quanh năm nhưng không tích lũy được nhiều, chỉ đắp đổi qua ngày” - ngư dân Phạm Thanh Thụy (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết. 

Được mùa mất giá là câu chuyện chung của nghề cá Quảng Nam như lưới vây, lưới chụp, lưới cản... Ở phía nam của tỉnh, cảng cá Tam Quang (Núi Thành) được đầu tư lớn, là cảng cá loại 1, kỳ vọng sẽ khơi thông đầu ra hải sản cho ngư dân miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng nhưng đầu ra vẫn chưa ổn định. Nhiều tư thương thuê mặt bằng ở cảng cá rồi ra giá mua hải sản, ngư dân không có nhiều lựa chọn để bán hải sản vì để lâu, giá càng tụt giảm.

“Chúng tôi mong mỏi có ban quản lý cảng cá Tam Quang, niêm yết giá cá, mực rõ ràng, giúp chúng tôi yên tâm bán hải sản sau khi cập bờ. Có cảng cá lớn mà đầu nậu vẫn ép giá là thiệt thòi cho ngư dân chúng tôi” - ông Trần Thanh Bình (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) nói. Trong khi đó, ở phía bắc của tỉnh, chưa có cảng cá, chỉ có các bến cá nhỏ như An Lương (Duy Xuyên), Tân An (Thăng Bình), Cẩm Hà (Hội An) nên hầu hết ngư dân không có lựa chọn, bán hải sản theo giá các tư thương đưa ra. 

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nghề cá của tỉnh về cơ bản vẫn là nghề cá nhân dân, hoạt động còn tự phát, điệp khúc được mùa mất giá quá quen thuộc nhưng không dễ thực thi giải pháp để giúp ngư dân ổn định đầu ra hải sản, thu được mức kinh tế đúng với giá trị hải sản họ có.

Tìm cách gỡ vướng

Chuỗi giá trị hải sản - tổng hợp, khép kín các hoạt động từ khai thác hải sản cho đến bảo quản, chế biến, đưa sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng được Bộ NN&PTNT cho là lời giải đối với bài toán được mùa mất giá hải sản. Quảng Nam đã có nhiều giải pháp để tạo cú hích cho hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) kiểu mới. Tuy vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có HTX hay THT nào thuộc lĩnh vực nghề cá.

Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, đang hoàn thiện các quy chế hỗ trợ để giúp ngư dân tiếp cận, thành lập HTX, THT kiểu mới để tạo cơ hội phát triển chuyên nghiệp nghề cá, nhất là tạo chuỗi giá trị hải sản, chế biến sâu cá, mực sau khai thác, đón đầu thị trường, cung ứng đến khách hàng nội địa và xuất khẩu, thật sự làm giàu từ biển. Để tập hợp trong mô hình HTX hay THT, ngư dân cần khắc phục kiểu mạnh ai nấy làm, ứng dụng công nghệ mới trong nghề cá, nâng cao năng lực khai thác, bảo quản, sơ chế hải sản hiệu quả.

Theo ông Ngô Tấn, chuỗi giá trị hải sản tại Quảng Nam có thể được hình thành trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến hải sản với ngư dân. Theo đó, ngư dân cần hoàn thiện lại quy trình sản xuất, khắc phục tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU) theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, khép kín khai thác - bảo quản - chế biến - cung ứng ra thị trường. Các tiêu chí khác để tạo cú hích cho mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến hải sản và ngư dân là tàu cá Quảng Nam phải khắc phục được các điểm yếu như không đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hải sản.

Để xây dựng mô hình chuỗi giá trị hải sản, các cơ quan của tỉnh cần phối hợp xây dựng đề án thí điểm, lấy thị trường làm căn cứ, chọn ngành nghề có tính khả thi cao để triển khai bước đầu rồi nhân rộng, hỗ trợ ngư dân về vốn, nhất là lãi suất vốn vay... Trong đó, từng khâu của đề án cần có giải pháp thiết thực và chuỗi giá trị hải sản cần có mô hình tổ chức, quản lý khoa học. Có vậy, ngư dân sẽ được tập hợp trong khối thống nhất, triển khai tốt chuỗi giá trị hải sản, ổn định thị trường, nhất là xuất khẩu hải sản sang thị trường lớn là châu Âu khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có hiệu lực.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán tăng giá trị hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO