Bài toán thu chi ngân sách

NHẬT PHONG 30/12/2017 14:34

“Thắt lưng, buộc bụng” kiểm soát chi… là yêu cầu cốt yếu trong kế hoạch ngân sách của tỉnh năm 2018, trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp.

Sự kiện Thaco khánh thành nhà máy sản xuất xe bus tại Chu Lai được kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu ngân sách cho Quảng Nam.
Sự kiện Thaco khánh thành nhà máy sản xuất xe bus tại Chu Lai được kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu ngân sách cho Quảng Nam.

Ngân sách eo hẹp

HĐND tỉnh đã phê chuẩn dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 khoảng 19.676 tỷ đồng, tăng hơn 6,7% so với ước thực hiện năm 2017. Thu nội địa sẽ vào khoảng 15.476 tỷ đồng, tăng 9,3% so với dự toán trung ương giao năm 2017 và thu xuất nhập khẩu 4.200 tỷ đồng. Cơ quan soạn thảo cho rằng dự toán này dựa vào một số nguồn thu chủ yếu là từ nhà máy bia 745 tỷ đồng, thu từ các nhà máy thủy điện 678 tỷ đồng, thu từ các sắc thuế khác 5.938 tỷ đồng và thu từ 2 công ty lắp ráp ô tô du lịch KIA và MAZDA của Thaco 8.115 tỷ đồng.

 Nhiều người cho rằng năm 2017 đã phải “mướt mồ hôi” mới đạt kế hoạch thu ngân sách cho thấy dự toán chưa có sự phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu. Hiện Quảng Nam không thể trông chờ vào các khoản thu đột biến như năm 2017 (thủy điện, lệ phí và thu từ tiền đất…), chỉ dựa vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp, và chủ yếu cũng dựa vào năng lực của Thaco. Nhiều ý kiến cho rằng dù Thaco liên tiếp xuất xưởng xe ô tô du lịch mẫu mới, đưa nhiều nhà máy vào hoạt động cuối năm 2017 và đầu 2018, nhưng chưa thể đoán định được thị trường ô tô sẽ như thế nào trong năm 2018. Tuy nhiên, ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay đã tính toán, đánh giá thực chất các nguồn thu phù hợp, sát thực tế; loại trừ những nguồn thu không ổn định, cân nhắc những thay đổi bất lợi của chính sách.

Theo phân tích của cơ quan tài chính, ngân sách Quảng Nam năm 2018 bao gồm: thu nội địa được hưởng theo phân cấp là 13.681 tỷ đồng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương 2.465 tỷ đồng và thu chuyển nguồn 4.145,5 tỷ đồng. Căn cứ vào tính toán này và phương án điều chỉnh nguồn thu đã được xác lập (kể cả bù hụt thu cho các địa phương), khả năng ngân sách địa phương sẽ chỉ có thể tăng thu so với dự toán năm 2017 là 968 tỷ đồng. Có thể hiểu rằng một khi ngân sách eo hẹp, mục tiêu của Quảng Nam năm 2018 chỉ ngắn gọn trong hai chữ “tăng thu”. Các cơ quan tài chính buộc phải nỗ lực tăng cường công tác quản lý, khai thác, chống thất thu, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế… Song sẽ rất khó để định lượng, dự lường sự phát sinh kinh tế, năng lực sản xuất, nên hiệu quả của thu đúng, thu đủ, chống thất thu chỉ dựa vào sức khỏe của doanh nghiệp, không phải từ “nỗ lực” hay “ý chí” của cơ quan quản lý. Thu ngân sách eo hẹp tất yếu dẫn đến việc chi ngân sách bị căng kéo, chưa kể đến phải lo nghĩa vụ trả nợ hay quản lý, giám sát dòng tiền trả nợ để tránh gây căng thẳng cho ngân sách là điều không dễ thực hiện.

Ứng xử với ngân sách

Quảng Nam đang đứng trước khó khăn khi nguồn thu không dễ gia tăng thì dự toán chi ngân sách địa phương lại có nguy cơ ngày càng gia tăng (tổng chi khoảng 20.367 tỷ đồng), dự báo sẽ tạo áp lực cho việc cân đối ngân sách. Theo dự toán phân bổ, chi đầu tư phát triển bị giảm mạnh trong khi các khoản chi khác như chi thường xuyên lại tiếp tục gia tăng (2.432,557 tỷ đồng so với 11.353,875 tỷ đồng). Nhiều nhất vẫn là chi cho sự nghiệp giáo dục và kinh tế (hơn 4.391 tỷ đồng và hơn 2.200 tỷ đồng). Những con số quyết toán hay dự toán chi các năm cho thấy gánh nặng chi ngân sách cho bộ máy nhà nước ngày càng tăng, chắc chắn sẽ đẩy gánh nặng lên phía thu ngân sách. Nếu thu ngân sách khó khăn, chi thường xuyên tiếp tục gia tăng dẫn đến thu không đủ bù chi thì việc tạm ứng, vay là điều tất yếu và dễ dàng đoán trước chi trả nợ sẽ không bao giờ chấm dứt. Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, chi thường xuyên vẫn còn xảy ra tình trạng vượt định mức, phát sinh bổ sung ngoài dự toán, quyết toán sai lệch thực tế. Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng chi ngân sách địa phương. Trong khi đó việc quản lý biên chế, tài chính tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề chưa chặt chẽ.

Thu, chi ngân sách đã được thảo luận khá nhiều trên nghị trường lẫn các cơ quan chuyên môn. Thực tế, thu ngân sách sụt giảm vì nhiều nguyên nhân thì tổng chi ngân sách không có điều chỉnh gì đáng kể. Càng đáng lo ngại hơn khi thế mạnh cạnh tranh về giá rẻ và tài nguyên đang dần yếu đi, Quảng Nam cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn và thúc đẩy niềm tin tiêu dùng và kinh doanh. Có nghĩa là nhu cầu đầu tư cho phát triển và dân sinh từ ngân sách phải lớn hơn nhiều, nhưng điều này ngược lại ở Quảng Nam, mâu thuẫn với lý thuyết kinh tế là khi suy giảm tăng trưởng cần tăng chi phát triển để kích thích kinh tế, không phải cắt giảm chi đầu tư bởi ngân sách ngày càng eo hẹp. Ông Nguyễn Văn Diệu - Phó ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đặt vấn đề tại sao chi đầu tư phát triển rất thấp như vậy. Năm 2018 chỉ bằng 1/3 năm 2017. Với cơ cấu đầu tư như vậy thì làm sao có thêm nguồn lực để tăng trưởng. Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói xây nhà văn hóa, chợ không giải quyết gì về việc tăng thu nhập cho người dân. Mỗi năm chỉ có vài trăm triệu đồng cho sự nghiệp nông nghiệp thì làm gì? Chỉ cần một trận lũ là dân sẽ hoàn nguyên hộ nghèo. Nếu có thể cắt bớt xây dựng cơ bản cho nông thôn mới, tập trung cho sản xuất sẽ tốt hơn.

Đứng trước những khó khăn đã lường trước này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chi, kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, hạn chế tối đa khoản kinh phí tổ chức lễ hội, hội thảo, khánh tiết, khánh thành, khởi công… Không giải ngân những khoản chi không đúng chế độ, chính sách không có trong dự toán. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện nhiệm vụ.

Ý kiến của một vài chuyên gia kinh tế cho rằng không chỉ tiết kiệm chi hay tăng thu mà giải quyết gốc rễ phân bổ các khoản chi ngân sách, quy trách nhiệm cho địa phương trong điều kiện bầu sữa ngân sách ngày càng hạn hẹp phải cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang đầu tư phát triển. Nhưng để đạt được điều này, có lẽ phải có một cuộc “cách mạng” từ những người làm chính sách vì tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó…

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bài toán thu chi ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO