"Bài toán" xã hội hóa

AN NHI 16/12/2016 12:52

Giải Cầu lông Câu lạc bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XI năm 2016 thu hút hơn 400 vận động viên trên địa bàn tỉnh tham gia. Đó là một con số kỷ lục của giải sau 11 năm tổ chức và thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cầu lông. Không chỉ vậy, nó còn cho thấy sân chơi này đã mở rộng ra nhiều địa phương, kể cả các huyện miền núi cao như Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My. Bên cạnh cầu lông, một số môn thể thao khác cũng có giải đấu quy mô khá lớn như giải đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam hay giải Cờ tướng tỉnh Quảng Nam…

Ban tổ chức giải Cầu lông Câu lạc bộ tỉnh Quảng Nam tặng hoa cho nhà tài trợ giải năm 2015.
Ban tổ chức giải Cầu lông Câu lạc bộ tỉnh Quảng Nam tặng hoa cho nhà tài trợ giải năm 2015.

Ngoài quy mô, có thể thấy điểm chung của các giải đấu này là có sự tham gia khá nhiệt tình của các doanh nghiệp với tư cách là nhà tài trợ cho giải đấu. Chia tay Donexpro sau nhiều năm gắn bó, giải cầu lông vừa qua có ngay nhà tài trợ mới “thế chân” là Proace. Bia Sài Gòn tài trợ cho giải đua thuyền truyền thống hàng năm. Giải Việt dã Báo Quảng Nam có Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam tài trợ chính. Trong khi đó, Công ty Tân Nghĩa Sơn nhiều năm qua luôn đồng hành với giải Cờ tướng tỉnh Quảng Nam được tổ chức vào dịp tết cổ truyền, nhờ vào sự tâm huyết với phong trào cờ tướng đất Quảng của vị lãnh đạo công ty và cũng là một cựu kỳ thủ của giải.

Xã hội hóa là câu chuyện mà nhiều người thường nhắc đến ở nhiều lĩnh vực, trong đó thể thao được nói đến với mức độ đậm đặc nhất. Cũng dễ hiểu bởi thể thao là hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, đồng thời giúp con người rèn luyện sức khỏe. Những giải thể thao vừa nêu khai thác được nguồn xã hội hóa, nhờ thông qua giải góp phần quảng bá thương hiệu, sản phẩm, hoặc do tâm huyết của nhà tài trợ với mong muốn góp thêm chút “lửa” cho phong trào. Khi có được doanh nghiệp đồng hành, các giải đấu có điều kiện hơn để tổ chức mở rộng quy mô, giúp giải trở nên xôm tụ hơn. Theo đó, lực lượng trọng tài, vận động viên tham gia cũng được “hưởng lợi” khi giải thưởng, chế độ trọng tài có phần hậu hĩnh hơn, như nói vui của nhiều người là “giải có tài trợ có khác”.

Song để xã hội hóa được thể thao không phải là câu chuyện dễ dàng, nhất là các giải đấu quy mô nhỏ, mang tầm địa phương, tỉnh lẻ. Theo chia sẻ của các nhà tổ chức, họ phải chạy vạy, gõ cửa chỗ này, điện thoại chỗ kia mời tài trợ, tuy nhiên không phải ai cũng sẵn lòng gật đầu. Cũng có trường hợp doanh nghiệp nhận lời hỗ trợ vì sự nể nang quen biết, hoặc thông qua mối quan hệ trong công việc. Nhưng không phải giải đấu nào cũng được như vậy. Một số môn thể thao, chẳng hạn như võ thuật, rất khó thuyết phục nhà tài trợ, kể cả giải quốc gia. Một phần đây là môn thể thao không có tính đại chúng, số người theo dõi không nhiều, một phần nữa là công tác quảng bá, truyền thông ít nhận được quan tâm. Thế nên, đây là những giải đấu ngân sách nhà nước phải chi 100% cho công tác tổ chức thi đấu.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là các bộ môn võ thuật chỉ biết dựa vào “bầu sữa” ngân sách mà thiếu quan tâm đến xã hội hóa. Thực tế các câu lạc bộ, trung tâm huấn luyện ở cơ sở, các địa phương hoạt động và phát triển đều dựa vào sự đóng góp của người tập luyện thông qua học phí. Họ cùng với các võ sinh của mình tự bỏ tiền túi ra để tham gia giải. Chỉ có việc ngành TD-TT thể hiện vai trò của mình bằng cách tạo sân chơi cho các vận động viên, các câu lạc bộ; qua đó có được đánh giá về phong trào mới tổ chức giải đấu. Nói tóm lại, bằng cách này hay cách khác, thể thao phong trào luôn sống nhờ xã hội hóa dù đây là “bài toán” không hề đơn giản. Và hơn ai hết, dù giải thưởng to hay nhỏ không quan trọng, các vận động viên vẫn luôn “cháy” hết mình trên sàn đấu. Phần thưởng lớn nhất đối với họ, không gì khác, ngoài chiến thắng.

AN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bài toán" xã hội hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO