Sau quãng thời gian 3 năm bươn chải câu cá ngừ đại dương ở các vùng biển xa thất bại, ông Lê Minh Trí (trú thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) quyết tâm tổ chức lại sản xuất, gắn bó với nghề lưới vây, kiên tâm bám biển Hoàng Sa.
Dấu ấn khó quên
Cứ đều đặn mùng 2 âm lịch hằng tháng là ngày chủ tàu Lê Minh Trí khởi hành vươn khơi khai thác hải sản. Gặp chúng tôi, ông Lê Minh Trí chia sẻ: “Vậy là sắp sửa gặp lại Hoàng Sa sau hơn nửa năm ròng rã ngắt đoạn. Tôi bận đóng tàu, chừ thì con tàu mới đã hoàn thành rồi, vững chãi hơn, càng yên tâm sản xuất”.
Ông Trí kể, ở độ tuổi thiếu niên đã theo cha đi biển. Hồi đó, lần đầu đánh bắt hải sản gần bờ bằng nghề lưới rê rồi chuyển sang lưới kéo, câu cá hố. Nghề nào ông Trí và gia đình cũng chỉ gắn bó vài năm là chuyển đổi vì sản lượng thu được thấp, hiệu quả chuyến biển không cao. Cuối năm 2003, khi Sở Thủy sản (cũ) thực hiện chủ trương của UBND tỉnh du nhập nghề câu cá ngừ đại dương vào Quảng Nam, ông Trí xung phong hưởng ứng ngay. Thời đó, ông là chủ tàu duy nhất của tỉnh được đưa đi Phú Yên tập huấn, học hỏi kỹ thuật câu cá ngừ đại dương. Sau lớp học nghề chừng một tháng, ông Trí về địa phương trang bị hệ thống câu cá ngừ chừng 100 lưỡi, chi phí gần 100 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng. Cả 6 chuyến biển trong 6 tháng đầu năm 2004, ông Trí đều thu được sản lượng cao, đạt gần 2 tấn cá/chuyến. Thời điểm ấy, thu nhập hàng chục triệu đồng chỉ sau 1 chuyến biển là không nhỏ, vậy nhưng sau đó nghề này gặp nhiều khó khăn.
Ngư dân Lê Minh Trí lấy đá cây, chuẩn bị vươn khơi bám biển Hoàng Sa.Ảnh: N.Q.V |
Ông Trí nhớ lại, sau 6 chuyến biển đầu tiên đều đạt thì các chuyến biển tiếp theo giảm dần sản lượng. “Hồi đó, Quảng Nam chỉ có duy nhất tàu cá của tôi đi câu cá ngừ đại dương. Không có ngư dân tương trợ đã đành, các đội tàu câu cá ngừ của tỉnh khác như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định lại chèn ép, xô dạt ra khỏi vùng có nhiều cá ngừ hoạt động. Mình bế tắc dần…” - ông Trí nói. Đầu xuôi nhưng đuôi không lọt, cá ngừ đại dương đem về Quảng Nam bán không ai mua, còn chạy vô tỉnh bạn thì bị o ép đầu ra. Chịu quá nhiều áp lực, ông Trí tự trấn an: “Thôi dù chi thì đó cũng không phải là nghề truyền thống của ngư dân mình. Phong tục, tập quán, lề lối sản xuất của mình lại hợp hơn với nghề lưới vây, cũng bám biển Hoàng Sa”. Nghề câu cá ngừ đại dương được du nhập về Quảng Nam sản xuất đến năm 2007 thì cắt đứt hoàn toàn.
Không xa Hoàng Sa
Đầu năm 2008, ông Trí bàn với con trai là Lê Văn Thiệt tạo bước ngoặt khai thác hải sản bằng nghề lưới vây. Thời điểm đó nghề này chưa phát triển trên địa bàn tỉnh, ông Trí phải nghiên cứu các kỹ thuật đánh bắt và đầu tư các phương tiện hiện đại. Máy tời kéo lưới được đầu tư, không chỉ giảm sức lao động nặng nhọc cho đôi tay mà còn có thể chớp thời cơ, đánh bắt được đàn cá lớn trong phạm vi hoạt động rộng. Trên tàu cá, ngoài máy liên lạc tầm xa, ông Trí đã mạnh dạn trang bị máy liên lạc tầm ngắn, tầm trung để tiện liên lạc với các tàu cá cùng ngư trường, chia sẻ vùng biển có thể thu được sản lượng cao. Để chủ động đánh bắt hải sản, ông Trí đã từng bước kiện toàn hệ thống các trang thiết bị trên tàu cá. “Sau mỗi chuyến biển, lợi nhuận được đồng nào là tôi liền tìm hiểu, mua sắm thêm các trang thiết bị bố trí cho tàu cá để có thể sản xuất tối ưu. Sau 2 năm sử dụng máy dò đứng, tôi dần thấy các hạn chế về tầm quét, phát hiện đàn cá của công nghệ này. Vay mượn thêm, sau khi trang bị máy dò ngang, nhờ khả năng bao quát tầm hoạt động rộng, sâu của đàn cá nục, cá ngừ nên hiệu quả đánh bắt nâng lên rõ rệt” - ông Trí nói.
Theo ông Trí, trước đây, gia đình quen sử dụng vàn lưới vây có chiều dài khoảng 500m. Theo thời gian, loại lưới này không còn phù hợp trong đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa vì không chịu nổi độ nặng khi đánh bắt mẻ cá lớn. Ông Trí đã nâng cấp vàn lưới vây có chiều dài lên đến hơn 1km, tăng trọng lượng của chì và vòng khuyến, đáp ứng nhu cầu đánh bắt được các loại cá bơi nhanh, đảm bảo cá không thoát kịp ra khỏi giềng chì khi đã buông lưới. Ông Trí cho biết, sau khi cải tiến vàn lưới vây, sản lượng đánh bắt hải sản tăng gấp đôi, mỗi chuyến vươn khơi xa có thể mang về 40 tấn cá. Sau nhiều năm tích cóp vốn liếng, năm 2015, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ gỗ theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Trí đã mạnh dạn bán tàu đang sản xuất để có đủ vốn đối ứng (30%), vay 70% vốn của ngân hàng đóng tàu vỏ gỗ có giá trị 9,5 tỷ đồng, gắn chặt với nghề lưới vây. Hôm gặp chúng tôi, ông Trí bảo, chừ đã có thể quên hẳn thất bại của nghề câu cá ngừ đại dương. Bây chừ chỉ muốn nhanh chóng và thường xuyên có mặt ở Hoàng Sa để vây lưới đánh bắt cá nục, cá ngừ đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia.
NGUYỄN QUANG VIỆT