Bám biển khơi bằng tàu vỏ thép

NGUYỄN QUANG VIỆT 19/11/2015 08:38

Tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam vừa được bàn giao. Chiếc tàu mang sự kỳ vọng và dần biến giấc mơ hiện đại hóa nghề cá của tỉnh thành hiện thực.

Con tàu hiện đại

Theo kế hoạch, đúng 9 giờ sáng ngày 17.11, tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam được Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Tổng Công ty Sông Thu, Bộ Quốc phòng) bàn giao cho chủ tàu Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình). Vậy nhưng, từ sáng sớm, ông Thu đã nôn nao đi lại, bám riết lấy con tàu. Mọi người hối thúc mãi ông mới bình tâm chuẩn bị cho buổi lễ. Có lẽ lúc nhận chiếc chìa khóa vận hành con tàu từ tay Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn là khoảnh khắc không quên trong nghiệp biển của ông Thu. Ông xúc động nói: “Con tàu có giá trị 14 tỷ đồng. Cách đây vài năm, trong giấc mơ đẹp nhất của đời mình tôi cũng không mường tượng có lần được  lái một con tàu như vậy. Vậy mà chừ thì chính tôi đã là chủ của con tàu này”. Ông Thu lần theo ca bin tàu, ngước nhìn lên lá cờ Tổ quốc đang phấp phới và nói khẽ: “Lâu quá rồi chưa đến lại Hoàng Sa, nhớ quá đỗi. Mình sẽ lại vươn khơi ngay thôi, ngày 12.10 âm lịch sắp cận kề. Mới đó, đã một năm rồi”.

Ngư dân Phan Thu bên tàu vỏ thép.Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Phan Thu bên tàu vỏ thép.Ảnh: N.Q.V

Ông Thu bước vào buồng lái. Ở đó có nhiều người đang nhìn ngắm các thiết bị trên tàu. Người ngư dân cầm vô lăng huơ một vòng tròn như một lái tàu thực thụ đang hiên ngang rẽ sóng. “Mình đã cầm vô lăng cưỡi sóng đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa đã hơn 15 năm nay rồi. Mình cũng đã từng lái những con tàu lớn, rành rẽ vượt qua tàu Trung Quốc, thẳng từng luồng đi trên biển. Nhưng đây là con tàu mới, con tàu vỏ thép lớn nên cứ lâng lâng. Tối qua không ngủ nên vẫn còn lơ mơ. Tôi sẽ phải tìm hiểu kỹ hơn các thiết bị hiện đại trên tàu. Các thao tác dò cá bằng máy định vị, sử dụng ra đa vẫn còn bỡ ngỡ…” - ông nói.

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Phan Thu mang số hiệu QNa-95997, có công suất 822CV, hành nghề lưới rê hỗn hợp. Đây là con tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Quảng Nam được đóng mới để đánh bắt hải sản. Bước vào boong tàu, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn giải thích từng bộ phận lớn nhỏ trên tàu, từ máy phát điện, hệ thống chiếu sáng cao áp, khoang lạnh, máy định vị cho đến ra đa, hải đồ điện tử. Con tàu có nội thất cũng như trang thiết bị, công cụ sinh hoạt cho thuyền viên được trang bị đầy đủ, tiện nghi. Dầu mỡ, nhiên liệu dự trữ đủ cho tàu hoạt động liên tục 1.500 hải lý. “Chúng tôi bàn giao tàu vỏ thép cho anh Thu với hy vọng rằng khi đưa vào khai thác hải sản, tàu cá sẽ chứng minh được các tính năng ưu việt về mọi mặt. Đó là độ lướt sóng, độ an toàn, tốc độ di chuyển, tàu quay trở nhanh, đi biển dài ngày, chịu được sóng lớn, khai thác xa bờ dài ngày mà vẫn bảo quản sản phẩm tốt” - Đại tá Tuấn nói.

Tàu được trang bị hiện đại, có nhiều tính năng ưu việt.
Tàu được trang bị hiện đại, có nhiều tính năng ưu việt.

Hướng về Hoàng Sa

Từ tàu vỏ thép của mình neo ở quân cảng Đà Nẵng, ông Thu đăm đăm dõi mắt ra khơi. Trên gương mặt rắn rỏi, cả trong ánh mắt nghiêm nghị của ông đều toát lên quyết tâm. “Con tàu này có giá trị 14 tỷ đồng nhưng vốn vay ưu đãi đã là hơn 13 tỷ đồng rồi. Chừ thì chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bám biển quanh năm để thu được những mẻ cá đầy. Trong hơn 15 năm đi biển của mình, trải qua bao sóng gió tôi mới ngộ ra rằng đã là nghiệp biển thì linh thiêng lắm. Có khi đang mải mê thả lưới, bất chợt nhìn lên thì thấy bầu trời như sa sầm ngang mặt. Linh tính chuyện chẳng lành, tôi hối thúc anh em thu nhanh mẻ lưới, tìm chỗ kín gió mà neo đậu tàu cá. Y vậy, không lâu sau đó, bão vần vũ tứ bề” - ông kể. Với ông Thu, tình người trên biển là đáng quý nhất, thấy ai gặp hiểm nguy là chẳng màng thiệt hại, lao tàu đến ứng cứu.

Tàu vỏ thép QNa-95997 có giá trị 14 tỷ đồng được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, ngư dân Phan Thu đã được BIDV Quảng Nam cho vay 13,5 tỷ đồng. Tàu vỏ thép có chiều dài 25,2m, rộng 6,5m, chiều cao mạn tàu 3,1m, độ mớn nước 2,1m.

Tôi hỏi ông, bao lâu nay đi biển bằng nghề câu mực chừ chuyển sang lưới rê hỗn hợp làm sao cho hiệu quả? Ông trả lời ngay: “Ngư dân chừ đa năng lắm. Vả lại đi biển phải năng động chứ đừng nghĩ sở trường, sở đoản chi mà rắc rối”. Trong bao năm qua, vừa theo nghề câu mực khơi, ông vừa miệt mài theo học nghề lưới rê hỗn hợp. Ông cho biết: “Lưới rê hỗn hợp có thể khai thác được đàn cá ở tầng nổi lẫn tầng đáy. Chuyến biển nghề này vì vậy mà có thể cập bờ chỉ sau vài ngày đánh bắt hay sản xuất xa bờ dài ngày. Mình tính toán cả rồi, ưu điểm lớn nhất của nghề này là bám biển quanh năm. Tận dụng mọi thời điểm sản xuất trên biển mới thu được hiệu quả cao”. Từ sản xuất giỏi, ông Thu được bạn biển kính trọng, nhiều người gọi vui là thủ lĩnh. Ông không nhận mình có tố chất cầm cương, chèo lái mà cố công hun đúc trong mọi người tình yêu nghề, yêu biển đảo quê hương.

Ông Thu tính toán chi li cho chuyến mở biển của tàu vỏ thép QNa-95997. Trước tiên là chọn ngày tốt để khởi hành, sau đó là sắp xếp đầy đủ các nhu yếu phẩm cho chuyến vươn khơi. Ông cho biết chuyến này tàu sẽ lấy tổn khoảng 5 nghìn cây đá lạnh, vài trăm khối nước ngọt, cả nghìn lít dầu, rồi lương thực, thực phẩm… sẽ được bố trí đầy đủ cho ngày xuất cảng là 12 âm lịch sắp tới. Sau chuyến mở biển bằng tàu vỏ thép của ông Thu, theo kế hoạch Quảng Nam sẽ có hơn 50 tàu vỏ thép khác cũng sẽ tham gia bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bám biển khơi bằng tàu vỏ thép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO