Bám biển quanh năm

VIỆT NGUYỄN 27/11/2019 10:57

Trong khi hầu hết ngư dân khai thác hải sản xa bờ “ngủ đông” thì các thành viên trong Tổ đoàn kết sản xuất trên biển số 4 ở thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang, Núi Thành) vẫn bận rộn với nghề lưới vây, đoàn kết bám biển quanh năm với họ đã thành “truyền thống”.

Hải sản mùa biển động rất được giá, giúp ngư dân có nguồn thu nhập cao. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hải sản mùa biển động rất được giá, giúp ngư dân có nguồn thu nhập cao. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Gắn bó với biển

Mùa biển động, hầu hết chủ tàu cá tranh thủ đưa phương tiện lên triền đà để sửa chữa sau một năm sản xuất. Cũng vì thời tiết thường xuyên biến động, nguy cơ rủi ro cao nên ngư dân ngại ra khơi. Nhưng ngư dân của làng biển Sâm Linh Tây thì khác, vẫn bám biển quanh năm. Ngư dân Trần Chinh - chủ 2 tàu lưới vây QNa-91658 và QNa-91745 cho biết, bất kể mùa nào, hễ trời yên, biển lặng ra khơi đánh bắt hải sản. Thời tiết thuận lợi thì bám biển dài ngày còn khi có bão thì điều tàu về bờ hoặc tránh hướng di chuyển của bão.

“Đặc thù của nghề lưới vây là khai thác cá nổi. Biển có sóng cỡ cấp 4, cấp 5 trở lên cá hoạt động ở tầng nổi nhiều. Vì thế các chuyến biển thường đạt sản lượng cao. Bán hải sản được giá vì nguồn cung ít” - anh Chinh nói. Đến thời điểm này, anh Chinh nhẩm tính thu nhập của mỗi bạn biển trong tổng số 16 lao động đều hơn 100 triệu đồng/người/năm.

Cũng ở thôn Sâm Linh Tây, nhờ khai thác hải sản đạt nên anh Trần Hùng đóng được 2 tàu vỏ gỗ có giá trị hơn 10 tỷ đồng là QNa-90216 và QNa-91216. Trên 2 con tàu lưới vây, anh Hùng đầu tư 2 vàn lưới có chiều dài 650m, chiều cao 190m, hơn 40 bóng đèn cao áp để thu hút cá.

“Điều quan trọng nhất của nghề lưới vây là phải xác định đúng tọa độ có nhiều đàn cá nổi hoạt động. Chúng tôi sử dụng ánh sáng từ tàu để dẫn dụ luồng cá, các thao tác dò cá, chong đèn, vây bắt phải thật thuần thục, nhanh gọn” - anh Hùng kể. Với cách khai thác hải sản bài bản, lượng cá nục, cá ngừ, cá chim, cá cam của tàu cá anh Hùng luôn đạt, hiệu quả kinh tế cao.

Nghề cá chuyên nghiệp

Hiện tại, các ngư dân Trần Hùng, Trần Chinh đều tham gia Tổ đoàn kết sản xuất trên biển số 4 của thôn Sâm Linh Tây. Ở tổ này, còn có các chủ tàu cá khác là Phạm Xuân Lệ, Phạm Xuân Anh và Nguyễn Phương. Các ngư dân trong tổ đoàn kết rất gắn bó với nhau, họ chia sẻ ngư trường có nhiều đàn cá nổi hoạt động, tương trợ trong ứng phó với các sự cố thất thường trên biển, hỗ trợ nhau để tránh tư thương o ép giá hải sản đầu ra.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Quang cho biết, Tổ đoàn kết số 4 là điển hình cho nghề cá ngày một chuyên nghiệp hơn ở xã Tam Quang. “Họ không sợ thời tiết thất thường trên biển bởi luôn gắn bó mật thiết khi vươn khơi. Khi gặp gió bão, cả 5 tàu cá kết thành khối, không bị lật, chìm trong gió mạnh. Nhờ có kỹ thuật khai thác hải sản tốt lại đọc thời tiết kỹ, biết tọa độ nhiều luồng cá hoạt động nên sản xuất luôn đạt. Đây cũng là yếu tố quan trọng của tổ đoàn kết trong việc giữ chân bạn biển, hạn chế tình trạng thiếu lao động nghề cá như một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh” - ông Dũng nói.

Ăn nên làm ra nên mỗi chủ tàu trong Tổ đoàn kết số 4 của thôn Sâm Linh Tây đều sở hữu 2 tàu cá. Mỗi khi sản xuất trên biển, trong tổ đều có tàu để đưa hải sản về bờ bán rồi mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm từ bờ ra biển để phục vụ cho quá trình sản xuất của cả tổ. Nhờ đó, chi phí chuyến biển giảm xuống, quá trình sản xuất trên biển của họ lại liên tục, hiệu quả cao.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, chủ trương của tỉnh đối với nghề cá là khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyên nghiệp hóa nghề cá, bám biển quanh năm để làm giàu từ biển. Mùa này biển động, hễ ngư dân khai thác hải sản đạt sản lượng thì có thu nhập rất cao vì nguồn cung khan hiếm. Cách sản xuất chuyên nghiệp của Tổ đoàn kết sản xuất trên biển số 4 thời gian qua rất đáng ghi nhận, cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bám biển quanh năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO