Bám ốc đảo "gieo" chữ

HÀN GIANG - ĐOÀN ĐẠO 14/05/2014 12:20

“Năm học tới, có lẽ điểm trường này sẽ không còn duy trì bởi sỉ số học sinh không đủ để mở lớp. Sang bên kia sông học tập, các em sẽ có điều kiện hòa nhập tốt hơn với môi trường sư phạm mới.

Thầy Lê Bá Sang đang hướng dẫn học sinh lớp 4 thực hiện phép toán đố.
Thầy Lê Bá Sang đang hướng dẫn học sinh lớp 4 thực hiện phép toán đố.

Tôi cũng thấy mãn nguyện vì đã hoàn thành nhiệm vụ bám ốc đảo để gieo chữ suốt 25 năm qua” – thầy Lê Bá Sang, điểm trường Long Thạnh Tây (Trường Tiểu học Trần Phú, xã Tam Hải, Núi Thành) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời tâm sự như vậy.

Do cách trở đò giang nên thôn Long Thạnh Tây được xem là ốc đảo, gần như biệt lập với bên ngoài. Cách trở luôn đi liền với những khó khăn, nhưng từ nhiều năm qua việc học hành của nhiều thế hệ con em địa phương chưa bao giờ bị gián đoạn. Có được điều ấy là nhờ sự quan tâm của các cấp ngành địa phương, phụ huynh nhận thức tích cực về ý nghĩa của việc học. Và quan trọng hơn đó còn là sự tận tụy, nhiệt tâm, kiên trì bám ốc đảo gieo chữ cho các thế hệ học sinh của thầy giáo Lê Bá Sang. Vốn là con em của Long Thạnh Tây nên thầy Sang rất thấu hiểu tinh thần hiếu học cũng như những khó khăn, thiệt thòi của học sinh nơi đây. Khi được ngành giáo dục phân công về giảng dạy ở điểm trường Long Thạnh Tây, thầy Sang hăng hái nhận nhiệm vụ. Thấm thoắt mà đã 25 năm, người thầy ngày ấy giờ tóc đã hoa râm. Hàng ngày, thầy Sang đều tự tay chèo ghe vượt sông Trường Giang để sang ốc đảo gieo chữ cho các em.

Sĩ số học sinh không đảm bảo để mở lớp riêng nên nhiều năm qua, điểm trường luôn duy trì tình trạng học lớp ghép. Dạy lớp ghép nên đòi hỏi người thầy phải luôn tận tụy, hết lòng vì sự học của mỗi học sinh. Năm học này, thầy Sang dạy lớp ghép gồm 10 học sinh của hai khối lớp 4 (2 em) và lớp 5 (8 em). Tấm lòng tận tụy của thầy Sang tạo được uy tín, sự tín nhiệm cao của phụ huynh nơi ốc đảo. Thầy Sang tâm sự: “Tôi rất thấu hiểu sự thiệt thòi của các em khi phải học tập trong môi trường sư phạm bó hẹp của làng, rồi phải học lớp ghép. Càng gắn bó với các em, tôi càng thương và tự nhủ mình phải nỗ lực giảng dạy thật tốt, chỉ bảo tận tình cho từng em để các em có thể hòa nhập tốt với môi trường sư phạm mới ở các cấp học tiếp theo”. Đến giờ thầy Sang vẫn còn nhớ như in tai nạn chìm ghe vào tháng 3.2004, suýt cướp đi sinh mạng của 21 học sinh của ốc đảo. Chiều ấy chiếc ghe chở 21 học sinh từ bến đò Tam Giang trở về ốc đảo, qua được nửa dòng sông Trường Giang thì chiếc ghe chòng chành rồi chìm dần. Rất may, sau buổi dạy, thầy Sang đang đi nhờ ghe về nhà đã kịp thời tham gia cứu vớt các em thoát nạn. Sau lần đó, huyện Núi Thành đã đầu tư đóng chiếc phà để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. “Năm học tới, ốc đảo không có học sinh các khối lớp 2, 3; có 3 em vào học lớp 1 và 2 em học lớp 5, chắc các em sẽ được chuyển qua học bên Tam Giang. Tôi xem như làm tròn nhiệm vụ bám ốc đảo gieo chữ, thấy đã mãn nguyện phần nào. Giờ chỉ còn mong các cấp chính quyền quan tâm miễn tiền đi phà 80 nghìn đồng/tháng/học sinh để khuyến khích các em đến lớp” - thầy Sang đề xuất.

HÀN GIANG - ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bám ốc đảo "gieo" chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO