(QNO) - Dám nghĩ, dám làm, ông Hoàng Xuân Toàn (thôn Nà Hoa, xã Tư, Đông Giang) đang thành công với mô hình vuờn - ao - chuồng khép kín, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nếu như trước đây, người dân ở các huyện miền núi di cư từ trong rừng ra ngoài để sinh sống thì riêng ông Toàn đi ngược lại. Năm 1996, ông cùng gia đình chuyển vào rừng, nơi ông cho là địa thế tốt, vừa rộng thoáng vừa có nguồn nước để phát triển kinh tế.
Phát triển kinh tế ổn định, ông Toàn (phải) đã xây dựng một ngôi nhà kiên cố gần diện tích canh tác của mình. Ảnh C.L.T |
Ban đầu kinh tế khó khăn, vốn liếng không đủ, kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt còn hạn chế nên ông chỉ làm rẫy và vay ít vốn nuôi bò. Đến năm 2006, tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn dành dụm, ông bắt đầu xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng khép kín. Ông mua thêm bò giống và nuôi heo rừng theo hướng bán chăn thả. Diện tích đất rừng còn lại, ông Toàn phủ kín bằng keo lá tràm. Ở những khu vực có thể tích nước được, ông đào ao nuôi các loại cá mè, trám, rô phi...
“Hiện tại, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của tôi khá ổn định với 30ha đất trồng keo, duy trì ổn định 50 con bò, 70 con heo, 3 ao cá và hơn 200 gia cầm các loại. Diện tích keo cho thu hoạch trong vòng 4 - 5 năm gần 1,5 tỷ đồng, thu nhập từ chăn nuôi khoảng 400 triệu đồng mỗi năm” - ông Toàn chia sẻ.
Theo ông Toàn, cũng có thời điểm dịch bệnh và thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. Năm 2013, lũ về khá nhanh mà các ao cá không có hệ thống thoát nước nên ông Toàn thiệt hại gần 5 tấn cá. Hơn nữa, vì diện tích chăn thả khá rộng nên rất khó quản lý đàn gia súc, gia cầm, mỗi năm còn bị thất lạc khoảng 6 - 7 con bò (hơn 100 triệu đồng). Nhưng sau đó, ông đã có những cách khắc phục như lắp đặt đường ống thoát nước ở các ao cá, mua lưới rào để bò và heo tập trung ở một khu vực nhất định...
Nhiều năm nay, bò mất giá nhưng ông Toàn vẫn giữ vững được mô hình, ông chia sẻ: “Giá bò của tôi đã được lái buôn định mức, nếu mua rẻ quá tôi không bán. Bò chủ yếu ăn cỏ, trong khi cỏ vườn rất nhiều, để càng lâu thì trọng lượng bò càng tăng thôi. Ngoài ra, ai bán bò rẻ thì tôi mua về nuôi thêm”. Hiện mô hình kinh tế của ông Toàn tạo việc làm thường xuyên cho 5 nhân công. Ông cho biết thời gian sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình vườn - ao - chuồng này.
THANH CHUNG - TRẦN LINH - HỮU THẠNH