Mới 8 giờ sáng mùng 1 tết, Tư tôi đã gặp anh Sáu Tân Mỹ ở xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn bưng mủng phân ra đồng với những bước chân gấp gáp. Nghe hỏi thăm chuyện mùa màng, anh Sáu nói: “Từ đầu tháng Chạp đến nay mưa lạnh xuất hiện nhiều đợt kéo dài khiến 5 sào lúa đông xuân chính vụ của gia đình tui sinh trưởng rất kém. Vì thế, cúng tổ tiên, đi lễ chùa xong là tui vội vã mang phân ra ruộng bón thúc cho cây lúa để nó nhanh chóng hồi phục và phát triển mạnh. Thời điểm này, tất cả ruộng lúa đều đang trong giai đoạn đẻ nhánh tập trung, nếu mình cứ mải lo tết mà không chú trọng việc chăm sóc thì chắc chắn năng suất sẽ tụt giảm”.
Chiều mùng 3 tết, trên đường về quê, Tư tôi thấy chị Tám Hòa An ở thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, đang hì hục đào hố chôn cả chục xác chuột chết vừa gỡ ra khỏi mấy cái bẫy hình bán nguyệt đặt dọc bờ ruộng. Nhìn những vạt lúa xơ xác, chị Tám than phiền: “Tết nhứt mà có đi chơi xa được mô chú Tư! Từ hôm 20 tháng Chạp đến chừ chuột xuất hiện rất nhiều trên ruộng rồi chúng rủ nhau cắn trụi 3 sào lúa non. Sợ vụ mùa thất bát, suốt 2 tuần nay dù bận bịu bao việc nhưng ngày nào vợ chồng tui cũng cầm bẫy ra đồng đặt bả tiêu diệt chuột. Thế nhưng, xem ra vẫn chưa thể ngăn chặn một cách triệt để tình trạng nguy cấp này. Đông xuân năm ngoái, chuột đồng không hoành hành nên bình quân 1 sào tui thu về hơn 300kg lúa khô. Còn bây giờ, đối mặt với cái cảnh ni, sản lượng lúa mất 20% so với vụ trước là điều khó tránh khỏi”.
Sáng mùng 4 tết, những biền bãi ngút ngàn màu xanh của các loại rau đậu nằm dọc bờ sông Thu Bồn thuộc xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn đông nghịt nông dân. Kẻ cuốc chân đậu phụng, người bơm nước tưới cho những ruộng ớt, bắp…, tất cả đều hối hả với công việc. Vừa gặp mặt nhau, chưa kịp chào hỏi câu nào, anh Ba Đa Hòa Nam đã khoe: “Gần một tháng nay, người dân làng tui phấn khởi lắm chú Tư ơi. Mấy chục năm qua, việc sản xuất 30ha đất màu trên cánh đồng này hoàn toàn dựa vào nước trời nên chuyện được mất chẳng khác gì một canh bạc. Trước nhu cầu bức thiết của nông dân, cuối năm 2015 chính quyền thị xã Điện Bàn quyết định chi gần 550 triệu đồng kéo hệ thống điện hạ áp 3 pha ra đồng để thủy lợi hóa toàn bộ số diện tích đất màu đó và việc thi công vừa hoàn thành hồi giữa tháng 1 dương lịch năm nay. Bây giờ, nước tưới đã chủ động, nhà nông chúng tôi có điều kiện xây dựng hàng loạt mô hình chuyên canh, luân canh những loại cây trồng cạn nhằm nhanh chóng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Chính vì thế, ăn tết vui xuân nhưng chuyện đồng áng thì không thể bỏ bê”. Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Hữu Tuân – Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, thời gian qua nhờ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư nên hiện giờ trong tổng số 350ha đất màu của địa phương thì đã có 65% được thủy lợi hóa. Từ đó, nông dân đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây chuối lùn và sản xuất các loại rau đậu chủ lực cho giá trị bình quân 115 - 170 triệu đồng/ha/năm.
Gần trưa mùng 5 tết, lên huyện miền núi Tiên Phước có chút việc, Tư tôi thấy vợ chồng anh Chín Phái Đông ở thị trấn Tiên Kỳ đang lom khom dọn cỏ, vun gốc vườn cây măng cụt xanh mướt. Anh Chín bảo, ở vùng này, việc canh tác lúa chỉ đủ gạo đổ nồi, còn vấn đề học hành của con cái và bao chuyện phải không trong cuộc sống thường nhật thì trông cậy vào vườn cây ăn trái. Đợt Tết Bính Thân, nhờ vườn măng cụt hơn 20 cây ra quả trái vụ và đồng loạt chín vào thời điểm cuối tháng Chạp nên gia đình anh kiếm được xấp xỉ 30 triệu đồng. Để mùa măng cụt chính vụ sắp tới có nguồn thu nhập khá, bây giờ vợ chồng anh Chín phải lo chăm chút vườn cây, dù rằng những ngày đầu xuân này họ còn phải đi thăm viếng họ hàng, bạn bè, bà con chòm xóm.
Chiều tối hôm qua, ngồi nhấm nháp ly cà phê ở cái quán cóc trước tòa soạn, nghe Tư tôi kể chuyện, anh Bảy Khuyến Nông nói: “Tết, dù lắm cuộc thăm thú, chúc tụng và vui hội bài chòi, lô tô nhưng nhà nông xứ Quảng mình vẫn không hề rời bỏ ruộng vườn. Bởi, với họ, bao nhiêu thứ cũng chỉ biết trông chờ vào thửa ruộng, mảnh vườn. Nếu bỏ bê, mùa màng thất bát là ôm lắm cái khổ”.
TƯ RUỘNG