Bẩn!

NGUYỄN ĐIỆN NAM 30/10/2016 06:43

Lần đầu tiên, Thanh Niên - tờ báo nổi tiếng vướng phải một... tai tiếng lớn khi phải cáo lỗi bạn đọc và rút một lúc cả tuyến 5 bài báo về vụ nước mắm. Xì căng đan về “nước mắm arsen” đã vô tình làm nổi lên các vấn đề truyền thông. Dư luận đặt ra câu hỏi rất đau xót cho làng báo là có hay không “truyền thông bẩn” hay “truyền thông bất lương”?

Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông đã phải lên tiếng, “... nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật.”. Ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập của báo Thanh Niên thì bày tỏ sự chua xót: “Sự cố ở báo Thanh Niên là một nỗi buồn lớn của tôi, bởi vì tôi đã là người viết và biên tập những dòng đầu tiên cho đến 23 năm sau trong cương vị Tổng biên tập, có lúc tờ báo đã lên đến hơn 500.000 bản 1 ngày. Rất đau xót, khi tôi phải rời xa nó. Tất cả những đồng nghiệp ở đó đều thân thiết và máu thịt của tôi. Truyền thông của Việt Nam phải cần một cuộc đại phẫu...”.

Trong cuộc sống thường ngày lời nói thực sự như đọi máu, khiến người ta uất ức mà chết, đau khổ mà chết. Lời chê khiến người ta chết đã đành mà có khi khen kiểu “cho chúng nó chết” cũng hại. Những kiểu dựng chuyện “vu oan giá họa” tạo ra bao nhiêu sóng gió cho thân phận con người, nhất là những người “thấp cổ bé họng” đâu có phương tiện, chỗ nào để nói lại. Mà dẫu có nói lại được thì chuyện cũng tai tiếng om sòm, bôi bẩn ra rồi.“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói buông ra khiến bốn ngựa đuổi theo không kịp, đã lỡ lời thì khó rút lại (huống chi dù bài báo có rút hay không thì trên mạng cũng chia sẻ đầy ra đấy!). Rõ ràng, với phương tiện thông tin đại chúng trong tay, nếu có những kẻ núp bóng báo chí để mưu lợi riêng mình sẽ làm tổn hại biết bao nhiêu. Cái gọi là “giấy trắng mực đen” ở đây sẽ bôi bẩn thiên lương người cầm bút, làm điêu đứng cho xã hội.

Đời sống báo chí gần đây không hiếm chuyện bẩn. Có ông nhà báo lừa người khác để kiếm tiền (như một vụ việc Báo Quảng Nam từng phản ánh). Lại có nhà báo tống tiền doanh nghiệp bằng cách “rung cây nhát khỉ” dọa đăng bài, hoặc “đi đêm” với doanh nghiệp, lăng xê để kiếm quảng cáo. Còn ngược lại, doanh nghiệp cũng sử dụng báo chí để truyền thông cho mình, thậm chí giở trò rất bẩn bằng cách “khổ nhục kế” rồi lội ngược dòng để “đánh bóng” tên tuổi, thương hiệu nhằm chiếm thị phần. Trong một số trường hợp, báo chí còn tiếp tay cho các vụ tung tin đồn thất thiệt. Chúng ta nhớ, đã từng có vụ vải Lục Ngạn nhiễm thuốc trừ sâu, bắp Cẩm Nam (Hội An) luộc bằng pin, vụ tương chấm nhiễm độc chất gây ung thư...

“Trạng chết chúa cũng băng hà...”, cả nhà báo ăn bẩn và doanh nghiệp chơi trò bẩn đều có thể đối diện với nguy cơ bị pháp luật sờ gáy. Riêng với giới báo chí đã có nhiều quy ước, quy định, luật để điều chỉnh hoạt động báo chí. Tuy nhiên, đạo đức người làm báo đang đi giữa lằn ranh thiện – ác, tích cực – tiêu cực, lương thiện – bất lương trong hành trình tác nghiệp. Phải có “mắt sáng - lòng trong - bút sắc” mới có thể dẫn đường làm nên tác phẩm báo chí hữu ích cho đời. Bằng không, nhà báo ăn bẩn bằng tác phẩm bẩn sẽ gây hại không thể đo đếm hết cho cộng đồng xã hội.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bẩn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO