Biển - đã là cái nghiệp gắn với cuộc đời của những người “ăn sóng nói gió”. Nhiều phụ nữ cũng chọn gắn bó với kiếp đời ngư phủ như cái cách họ chọn lấy chồng nghề biển rồi làm “bạn” biển, dù còn lắm khổ nhọc…
Những ngày cuối năm rét mướt. Sau vài ngày trời hanh hao nắng, mưa lại trở về như một điệp khúc giao mùa. Những người phụ nữ ở xóm Lưới (thôn Tiên Xuân 1, Tam Anh Nam, Núi Thành) đang dồn đuổi với thời gian bằng những nỗi lo cho một cái tết ấm áp, đủ đầy. Bao năm qua, tết trở đi trở lại trong sự cũ kỹ và già nua của một ngôi làng ven biển, với đa số người dân làm nghề biển, nghề sông. Sông Trường Giang ngày một cạn kiệt nguồn lợi, biển cũng đã dần khó hơn với những chuyến câu, nhưng ngư dân xóm Lưới vẫn bám và bằng lòng với biển. Nhiều cặp vợ chồng cùng nhau đi biển, phần đông tuổi đã hơn nửa đời người.
Tờ mờ sáng, những người phụ nữ đã ra biển để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới. Ảnh: Thành Công |
Đêm dong ghe
Từ bến Lưới ra cửa Lở phải mất 2 giờ đồng hồ. Từ cửa Lở phải đi hơn 3 tiếng nữa mới tới được ngư trường đánh bắt. Họ chỉ đi bằng những chiếc ghe nhỏ, khoảng 5 - 10CV, nhiều người còn gọi là máy D6. Ông Phạm Thơm (60 tuổi, ở xóm Lưới) khẳng định chắc nịch rằng, chỉ có những người đàn bà xóm Lưới mới rành rẽ ngón nghề đi biển, bởi ở nhiều vùng biển, người ta kỵ phụ nữ lên tàu. Riêng xóm Lưới, vừa có sông vừa gần biển, phụ nữ làm nghề sông với chồng, riết rồi dong ra biển, cũng vì lẽ mưu sinh. Trong lúc chuyện trò trên chiếc ghe chòng chành nơi con sông Trường Giang gặp biển, ông Thơm vẫn không ngơi tay kéo lưới, phía cuối ghe, bà Huỳnh Thị Nghiệp – vợ ông, như một phản xạ “vô điều kiện”, tay cứ nhón theo từng mắt lưới của ông. Cả hai vợ chồng đã hơn 30 năm trên chiếc ghe này, không cớ gì vợ lại không thuộc làu từng luồng cá chạy, từng cách gỡ mắc, buông câu của chồng. Những ngày cuối năm, sau nhiều đợt bão, biển động, tàu thuyền nằm bờ, gia đình ông bà hôm nay mới lại lục tục ra biển. Đứa con lớn có tàu riêng, kêu bạn đi xa, cũng đã hai ba hôm rồi chưa về nhà. “Xa nhất cũng chỉ đi tới Đà Nẵng, Cù Lao Chàm thôi, vợ nó không cho đi xa. Năm nay lao đao, biển động liên miên, nhiều bữa đi chỉ đủ trả tiền dầu. Vợ chồng tôi thì cứ nghề sông, rồi buông lưới gần bờ kiếm cá chuồn gành, đắp đổi với vợ chồng nó cho qua ngày” - bà Nghiệp nói.
Đem cá ra chợ bán. |
Làng nằm dọc theo triền sông Trường Giang với 54 hộ dân, tất cả đều làm nghề biển. Cuộc sống của họ lúc nào cũng bươn bả, hết sông lại đến biển. Khoảng thời gian của năm được phân chia ra làm hai đoạn, từ tháng 2 đến tháng 8 là mùa đi biển xa, phần thời gian còn lại thường dành cho những công việc không tên, hoặc những bữa hiếm hoi trời đẹp lại dong ghe ra biển. Ngay cả những ngày tháng chạp này, nếu có hôm trời nắng ráo, những cặp vợ chồng già lại cả đêm trên biển. Thường dong ghe đêm là phần việc của những tháng nắng, khi cá chuồn chạy từng luồng ngoài biển, những ngọn đèn chong trên phao lại rẽ sóng đi miết về phía biển.
Biển của những ngư dân xóm Lưới là những con sóng hợp lưu giữa ngã ba sông và biển ở phía cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành), nơi đó những đợt sóng hiền lành hơn, dù rằng cá tôm sẽ không giàu có như những bờ biển xa. Hành trình đi biển của họ khá đơn giản, vẫn chỉ trang bị như chuyến giăng câu bủa lưới trên sông Trường Giang thuở nào, vợ lái dầm thì chồng buông lưới, thả câu. Đến vùng biển quen thì vợ lấy dầm đập vào mạn thuyền, để “gọi” cá lên. Những chuyến biển thường bắt đầu từ chập choạng tối, khi đã cơm nước gọn ghẽ, vợ chồng lại cùng nhau dong ghe ra đi. Phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ họ mới đi đến được vùng đánh bắt. Ông Võ Hùng Minh tuổi đã ngấp nghé 60, kể rằng, những tháng mùa hè, thường khoảng 4 giờ sáng ghe đã về đến bến. “Thương nhứt là những bà vợ làm nghề biển như tụi tui. Cùng đường lắm mới để vợ làm “bạn” trên biển. Sáng về đến bến là mấy bả lại quẩy gánh lên chợ, bữa nào được nhiều thì dù cực mấy cũng vui, có bữa lại chẳng đủ thức ăn mặn cho con” - ông Minh nói. Mấy chục chiếc ghe “sàn sàn” nhau, ghe nào cũng chỉ dài từ 7 - 8m, rộng từ 1,5 – 2m, công suất dưới 10CV, chỉ dùng để đi trên sông. “Nhưng sông Trường Giang dạo này ô nhiễm quá, cá tôm chết hết, mà dân ở đây chỉ toàn sống dựa vào mặt nước, phải kiếm kế sống khác. Đi biển với vợ là cách cuối cùng để giữ thêm lại vài đồng, chứ kêu “bạn” đi thì phải chia phần, cuối cùng về đâu được bao nhiêu” - ông Minh nói thêm
Đàn bà đi biển
Đàn bà ở biển thường rắn rỏi và cũng sắc sảo hơn người vùng khác. Bởi lẽ như họ nói, phải ngày ngày căng mình lên để kiếm về cho con vài miếng thịt, lát cá, phải “gằn” với biển hằng giờ, nên phải tự tập cho mình cái tính và giọng nói ầm ào như biển vậy. Nhưng đàn bà, muôn đời vẫn là những cá thể mềm yếu. Dù cố che đậy, ngụy trang cỡ nào họ vẫn luôn cần sự chở che từ những bàn tay và bờ vai vững vàng. Những người đàn bà xóm Lưới này cũng vậy, thoạt nghe đàn bà đi biển, ai cũng nhún mình. Nhưng nhìn cái cách họ quày quả chăm lo cho chồng con sau mỗi chuyến đi, hay cả những lần họ ngất ngư vì chưa quen sóng gió, mới biết dù gì thì phụ nữ xóm Lưới vẫn là những kẻ chân yếu tay mềm. Bà Đỗ Thị Phước (vợ ông Võ Hùng Minh) vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên cùng chồng ra biển. “Lần đầu tiên đi, tui nôn thốc nôn tháo, người mềm rũ. Nhưng phải ráng gồng lên để đi. Mấy lần sau thì quen dần, còn biết nhận ra luồng cá chạy nữa. Nhờ những mẻ lưới đêm mà nuôi mấy đứa con ăn học. Mà có ra ngoài đó mới thấy chồng con mình đi biển cực cỡ nào. Chưa nói đến chuyện trời trở gió bất thường, chồng mình phải xoay xở ra sao nữa” - chị Phước kể.
Chuyện vợ chồng cùng ra sông đánh lưới đêm đã là chuyện cũ. Dòng Trường Giang những năm gần đây phải oằn mình gánh bao nhiêu thứ chất thải, cá tôm cũng cạn kiệt dần. Vậy nên họ phải tìm cách vươn ra biển. Mà những người đàn bà ở biển thì lắm cương quyết. Khi họ bàn với chồng về phương kế đi biển của mình, nghĩa là đã quyết tâm sẽ làm “bạn” trên biển của chồng. Không ông chồng nào ở xóm Lưới ngăn được. Bất đắc dĩ, đôi bạn trên bờ thành “bạn” trên biển. Chia ngọt sẻ bùi, chia cả hiểm nguy, bão tố. Chị Trần Thị Bé (vợ anh Võ Thanh Quang ở xóm Lưới) vẫn còn nhớ cảnh thoát chết đầy ngoạn mục và may mắn của họ vào đêm tố tháng 7.2011. “Khoảng gần 9 giờ tối, sau khi bủa lưới xong thì vợ chồng nghe gió dông phía tây rồi mưa trút xuống, lúc đó hai vợ chồng vừa cuộn lưới vừa ra sức chèo. Sóng quật vào người rát rạt. Gió quần gần 2 tiếng đồng hồ, lúc gió ngưng thì tui cũng nằm bẹp gí, chồng thì tay chân rụng rời” - chị Bé kể. Sau chuyến thoát chết đó, chị Bé còn cùng chồng đi vài chuyến biển đêm nữa. Một năm trở lại đây, khi con cái lớn, anh Quang quyết không cho vợ đi nữa. Chị Bé chuyển sang buôn cá sớm, cũng thức dậy từ 2 – 3 giờ sáng để chờ tàu lớn vào chia cá.
Những người phụ nữ xóm Lưới nói với tôi rằng, là vợ của ngư dân đã cực, mà những phụ nữ xóm Lưới thì còn cực nhân đôi vì vừa làm vợ vừa làm thêm việc của chồng. Nhưng nói xong họ lại ha hả cười. Bởi cái khổ cực đang bám lại bên trong thẳm sâu cuộc đời của phụ nữ xóm Lưới, đã tự trào bằng những tiếng cười thân thuộc - như muôn ngàn vẻ đẹp hồn hậu của người phụ nữ Việt.
Ghi chép của SONG ANH