Cuộc chiến với thực phẩm bẩn luôn nóng. Cả nước phát động. Cả tỉnh hưởng ứng. Vậy mà việc “nói không với thực phẩm bẩn” vẫn là câu chuyện dài. Dài và lặp đến nỗi chai đi, phải chép miệng: biết rồi, khổ lắm nói mãi!
Nhưng không nói không được.
Vào các trang báo hay mạng xã hội, người ta dễ dàng tìm thấy vô số tin tức về thực phẩm bẩn. Này nhé, có kiểu làm trứng gà bằng thứ bột gì đấy dẻo quánh, trong tích tắc có thể cho ra cả mẻ trứng. Tiêu, cà phê trộn hóa chất không rõ nguồn gốc để tăng trọng lượng và hương vị. Ruốc (dăm bông), nem rán sẵn, heo quay, vịt quay... tẩm ướp thuốc tạo màu. Có cơ sở biến thịt heo chết thành đặc sản cao cấp, biến thịt heo nái thành heo rừng, thậm chí biến thứ thịt không rõ nguồn gốc thành thịt bò Kobe đắt đỏ...
Trong quý 1 năm nay, tiếp tục có nhiều vụ chế biến hoặc nhập khẩu thực phẩm bẩn đã bị phát hiện, bắt buộc tiêu hủy. Nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc luôn rập rình qua cửa biên giới, như mới đây ở Móng Cái phát hiện hàng chục ngàn trứng gà lậu, hay phía Lao Bảo bắt giữ các đối tượng vận chuyển hơn hàng trăm ký gân chân gà. Ở trong nước không hiếm cơ sở sử dụng hóa chất, tạp chất không rõ nguồn gốc để “bào chế” thực phẩm bẩn. Như ở Bình Phước, vừa phát hiện tình trạng pha trộn tạp chất vào hàng tấn hạt tiêu, phù phép biến tiêu lép thành tiêu chất lượng cao. Ở thủ phủ cà phê cũng có người làm cà phê bẩn bằng cách tẩm ướp loại hóa chất tạo hương vị. Gớm ghiếc hơn là thức ăn nhanh hàng ngày, như dăm bông (ruốc) cho bánh mì kẹp hoặc xôi, có cơ sở chế biến đã trộn thứ “bột lạ” để nhuộm màu và tăng trọng lượng. Vụ việc mới nhất xảy ra ở Quảng Nam bị phát hiện là cơ sở chế biến mỡ động vật ngay trong một khu dân cư tại Nam Phước - Duy Xuyên. Hàng ngày cơ sở này tiếp nhận chừng 8 tấn mỡ, mà chính quyền sở tại không hay biết, không nắm rõ họ chế biến ra thứ gì, tiêu thụ ở đâu. Đáng nói hơn, theo ông Nguyễn Minh Đông - cán bộ phụ trách môi trường của thị trấn Nam Phước, năm 2016, từ phản ánh của người dân, UBND thị trấn đã chỉ đạo buộc cơ sở này ngưng hoạt động nhưng không hiểu vì sao bây giờ lại hoạt động ngang nhiên hơn trước, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và khu dân cư.
Điểm sơ qua tình hình như vậy đủ thấy chuyện mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn ở mức cảnh báo cao. Chính phủ liên tục nhắc nhở các địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra để ngăn ngừa thực phẩm bẩn. Ở Quảng Nam, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản...
Điều quan trọng là việc thanh tra, kiểm tra theo “tháng” hay theo “tuần” có tính chất định kỳ như vậy liệu có chấn chỉnh tình hình, có thay đổi thực trạng? Ai cũng biết, vì “một vốn bốn lời” nên không ít người vẫn lén lút chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn. Đối với những kẻ như vậy thì phải có chế tài đủ mạnh mới làm cho họ sợ, đồng thời phải đưa vào “danh sách đen” để theo dõi kiểm tra thường xuyên nếu không muốn tình trạng tái diễn. Báo chí, truyền thông đại chúng cũng là công cụ hữu hiệu để “tố cáo” các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, đồng thời tích cực cổ xúy cho thực phẩm sạch. Và quan trọng hơn hết là từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều không chỉ “nói không” mà cần hành động “tẩy chay” thực phẩm bẩn.
Những bản tin thời sự vẫn cần phát đi thông điệp về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù chuyện biết rồi, nhưng phải nói mãi vì ta sẽ còn khổ lắm với vấn nạn hàng bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, những thứ độc hại đang di căn ung thư ra cả xã hội.
ĐĂNG QUANG