Hội nghị chuyên đề nhằm tìm các giải pháp phát triển bộ môn quần vợt vừa được Sở VH-TT&DL và Liên đoàn Quần vợt Quảng Nam (QVQN) tổ chức thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, câu lạc bộ quần vợt trên địa bàn tỉnh tham gia.
Sôi nổi…
Phong trào quần vợt Quảng Nam được chia thành 2 giai đoạn rõ rệt. Trong 10 năm, từ 1997 - 2007, phong trào mang tính tự phát. Số người tập luyện, thi đấu quần vợt không đáng kể. Thế nên, không ngạc nhiên khi giai đoạn này cả tỉnh chỉ có vài sân quần vợt tập trung tại TP.Tam Kỳ và TP.Hội An. Giai đoạn 2, từ năm 2008 đến nay, trong đó dấu ấn đáng kể nhất chính là sự ra đời của Liên đoàn QVQN vào năm 2008 đã tạo ra bước phát triển đột phá cho phong trào quần vợt trên địa bàn tỉnh. Liên đoàn QVQN sau khi được thành lập, với nhiều động thái hỗ trợ, giúp đỡ đã tạo điều kiện cho việc tổ chức, hình thành và phát triển các câu lạc bộ quần vợt.
Quần vợt cần có nhiều giải pháp để phát triển. Ảnh: T.V |
Đến nay phong trào quần vợt trên địa bàn tỉnh đã phát triển khá mạnh và hoạt động sôi nổi, có tổ chức bài bản, quy củ. Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 19 câu lạc bộ quần vợt, sở hữu tổng số 29 sân với trên 250 người tập luyện thường xuyên. Những câu lạc bộ như Vietcombank Quảng Nam, Bưu điện Quảng Nam, Điện lực Quảng Nam, Sư đoàn 315, Công ty Cấp thoát nước… thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện, thi đấu. Đặc biệt, tại Câu lạc bộ Vietcombank Quảng Nam còn tổ chức lớp đào tạo trẻ. Ngoài 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An, phong trào quần vợt đã lan rộng ra các địa phương như huyện Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn. Để tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển, Liên đoàn QVQN đã liên tục tổ chức giải đấu cấp câu lạc bộ. Đáng chú ý, nhằm tạo sức hút đối với người hâm mộ cũng như tạo điều kiện cho người chơi quần vợt trong tỉnh tham gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, Liên đoàn QVQN đã duy trì thường xuyên giải quần vợt Quảng Nam mở rộng hàng năm. Đây là giải đấu có quy mô khá lớn với sự tham gia của các tay vợt chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Quang Việt - Phó Chủ tịch Liên đoàn QVQN, thời điểm năm 2008, cả tỉnh chỉ có 3 sân quần vợt và chưa có giải đấu chính thức. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sân với 19 câu lạc bộ và hàng năm có 2 giải được tổ chức song song, cho thấy phong trào đã có sự phát triển mạnh mẽ. Riêng giải quần vợt Quảng Nam mở rộng do Liên đoàn QVQN phối hợp với Hội Doanh nghiệp Quảng Nam qua 8 lần tổ chức đã thu hút hơn 1.000 lượt vận động viên của các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có nhiều tay vợt vô địch quốc gia như Lâm Quang Trí, Lê Quốc Khánh, Hồ Huỳnh Đan Mạch, Phạm Minh Tuấn, Ngô Quang Huy, Văn Hữu Nguyên Vũ.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Có nên phát triển quần vợt thành tích cao? Đó cũng là câu hỏi đặt ra của một số đại biểu tại hội nghị. Theo ông Phan Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh, Quảng Nam hiện nay nên tập trung phát triển phong trào còn quần vợt thành tích cao phải chờ thêm một thời gian nữa vì nguồn lực chưa mạnh, lại tốn kém kinh phí rất lớn. Hiện nay đang thử nghiệm đào tạo năng khiếu tại câu lạc bộ Vietcombank nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Việt - Phó Chủ tịch Liên đoàn QVQN cho rằng, có lẽ phải đến sau năm 2020, thậm chí 2025 mới tính đến chuyện đầu tư phát triển quần vợt thành tích cao. |
Dù có bước chuyển biến khá mạnh song nhìn chung, phong trào quần vợt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ông Trần Sô - Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT (Sở VH-TT&DL) cho rằng, phong trào hiện nay chưa có sự phát triển rộng rãi, chỉ tập trung chủ yếu tại Tam Kỳ và Hội An. Đối tượng và lực lượng tham gia tập luyện môn quần vợt còn khá hạn chế, chủ yếu là cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và doanh nhân. Cơ sở vật chất thời gian qua tuy nhận được sự quan tâm đầu tư ở một số đơn vị nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng mặt sân chưa tốt. “Thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với Liên đoàn QVQN tổ chức tuyển chọn các học sinh độ tuổi 10 - 14 có năng khiếu tập trung đào tạo theo tuyến vận động viên năng khiếu cơ sở tại các câu lạc bộ, từng bước xây dựng đội tuyển trẻ của tỉnh. Đồng thời, để động viên phát triển phong trào, giải quần vợt các câu lạc bộ tỉnh sẽ được đưa vào hệ thống thi đấu hàng năm của tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa” - ông Sô nói.
Dẫn thực tế từ đơn vị mình, ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc Vietcombank Quảng Nam cho biết kinh phí đầu tư sân quần vợt không phải lấy từ nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp mà là của các nhà đầu tư thuê sân. Cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, thương mại hóa, người chơi phải đóng tiền thuê sân để tạo điều kiện cho công tác duy tu, bảo dưỡng sân tốt hơn. “Sân Vietcombank những năm qua luôn sôi động nhờ có nguồn thu từ các đối tượng tham gia tập luyện. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều giải đấu, trong đó có giải Quảng Nam mở rộng, giải cúp các câu lạc bộ tỉnh” - ông Việt chia sẻ. Một số ý kiến cũng đồng tình với việc đẩy mạnh xã hội hóa quần vợt nhưng điều đó không có nghĩa là bớt ngân sách. Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh Phan Văn Hạ cho rằng, xã hội hóa là giúp phát triển, nâng tầm phong trào chứ không phải là đỡ gánh nặng ngân sách nhà nước.
Chia sẻ về việc lần đầu tiên mở hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Tấn Cường nói rất vui khi nhận được nhiều ý tưởng, ý kiến, giúp sở có những giải pháp, kế hoạch phát triển phong trào quần vợt trong thời gian tới. Cụ thể, sở sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh về việc xây dựng đề án phát triển quần vợt nói riêng, các môn thể thao khác nói chung, tạo tiền đề, cơ sở phát triển mạnh, bền vững, chất lượng phong trào. “Nhà nước sẽ là “bà đỡ” cho phong trào nhưng phải tập trung đẩy mạnh xã hội hóa để quần vợt phát triển” - ông Cường nói.
TƯỜNG VY