Bản cam kết về hương hỏa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 03/01/2020 13:38

Chỉ nghỉ đúng ngày tết dương lịch, từ ngày 2.1.2020, phiên tòa xử đại án liên quan đến đất đai, công sản ở Đà Nẵng đã được mở. Quả đúng như cam kết đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắn nhủ, rằng tết đến nơi rồi xử mấy vụ, bổ sung thêm mấy vụ vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. “Tới đây còn tiếp tục xử lý. Sắp tới các đồng chí chờ xem…”.

Nhìn lại vụ án Vũ “nhôm”, liên quan khá nhiều quan chức từ Đà Nẵng đến Sài Gòn, mới thấy đất đai, công sản - tài sản hương hỏa của quốc gia đã bị bán rẻ đến mức nào. Như cáo trạng của VKSND Tối cao, trong giai đoạn 2006-2014, bị can Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) và các đồng phạm đã giúp Vũ “nhôm” thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác 22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất. Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng; riêng dự án 29ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước số tiền thiệt hại hơn 11.200 tỷ đồng.

Trước đó, tại TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Tín (Phó Chủ tịch UBND thành phố giai đoạn 2011-2016), đã được xét xử với cáo buộc biết rõ khu nhà đất 15 Thi Sách là tài sản Nhà nước, nhưng đã tự ý giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục cho Công ty Bắc Nam 79 (cũng liên quan đến Vũ “nhôm”) thuê chỉ định, khiến Nhà nước thất thoát hơn 800 tỷ đồng. Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, tòa án đã xét xử ông Nguyễn Thành Tài (Phó Chủ tịch UBND thành phố giai đoạn 2008-2011) làm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng của Nhà nước. Ông Nguyễn Thành Tài đã ký các quyết định cho thuê khu đất “vàng” 5.000m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue (Lê Thị Thanh Thúy, 40 tuổi, là Chủ tịch HĐQT) không qua đấu thầu.

Những hành vi cấu kết của thế giới ngầm với quan chức chính quyền nhằm trục lợi từ đất đai đã dần bị phanh phui. Chuyện tòa xử và kết tội các bị cáo thế nào cũng không thể xóa đi bản án của lương tri từ hành vi “khạc nhổ” lên đất đai hương hỏa. Nói như ông trùm da đỏ, Seattle (1786-1866), rằng “họ coi mẹ, đất đai, anh em, trời đất, như là đồ vật mua bán, cướp phá, bán đi như bán những con cừu, hay những hạt ngọc óng ánh. Lòng tham lam xui họ nghiến ngấu đất đai và chỉ còn để lại một cái sa mạc”. Sau những ngày dài xử án tới đây sẽ cho chúng ta cảm nhận “cái sa mạc” đó hoang tàn và lạnh lẽo biết chừng nào!

Thường khi kết thúc một năm, một giai đoạn, một thời kỳ người ta nhìn lại chặng đường đi qua và xây dựng bản cam kết, kế hoạch mới cho năm mới, giai kỳ mới. Rõ là suốt một thời gian dài chúng ta đã nhìn sự phát triển trên bề mặt của nhiều địa phương với nguồn thu ngân sách tăng tốc chóng vánh, nhưng lờ đi rằng trong đó có việc bán rẻ tài nguyên, nhất là đất đai, công sản. Vậy thì giờ đây, với những đại án liên quan đến đất đai, cần phải có bản cam kết về hương hỏa chưa? Hẳn đã có hành lang pháp lý rồi, vấn đề là thức nhận và chọn lối đi khác để không lặp lại sai phạm mà thôi. Hãy cứ nhìn những bài học về sự phát triển sản xuất, sẽ cho thấy bất cứ địa phương, doanh nghiệp nào dựa trên năng lực lao động sáng tạo đem lại lợi nhuận, nguồn thu ngân sách, thì mới phát triển bền vững. Còn cứ chăm chắm bán tài nguyên, từ khoáng sản đến đất đai trên rừng dưới biển, đến một lúc sẽ “mạt” thôi.    

“Cái gì xảy đến cho đất sẽ xảy đến cho con cái của đất” (Seattle). Trân quý hương hỏa của cha ông để lại, gieo lên đất những hạt mầm xanh tươi mới có mùa xuân đẹp cho quê hương, đất nước. Nếu đời này chưa có bản kế hoạch phát triển nào tốt thì hãy có bản cam kết để hương hỏa tài nguyên cho con cháu sử dụng hiệu quả hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản cam kết về hương hỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO