Bạn chòi giữ đáy hàng khơi

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/03/2016 05:33

Khó có nghề nào nhiều hiểm nguy như nghề giữ đáy hàng khơi của các bạn chòi sinh kế nơi vùng biển tây nam của Tổ quốc.

Nghề giữ đáy hàng khơi lắm gian nan vất vả (ảnh internet).
Nghề giữ đáy hàng khơi lắm gian nan vất vả (ảnh internet).

KHI tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các đảo tây nam Tổ quốc nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, tôi vài lần được thấy các chòi canh dựng đứng trên biển, cách đất liền chừng 10 hải lý. Gọi là chòi canh nhưng trông như tổ chim, diện tích chỉ vừa đủ cho một người trú ngụ. Chòi canh đó “mọc” trên 2 trụ gỗ, chân trụ gỗ cắm xuống mặt biển. Trong gió lướt và sóng rạt rào, cảm giác những chòi canh sắp sụp đổ, trôi hoặc mất tích ngay tắp lự. Chòi canh là “ngôi nhà” để ngư dân túc trực, giăng lưới đáy đánh bắt hải sản. Nghề đó gọi là giữ đáy hàng khơi - người bạn biển quăng những miệng lưới xuống đáy biển sâu và cột chặt đầu lưới vào những cây cột to dựng lên trên biển. Bạn chòi ngoài canh giữ lưới cả ngày lẫn đêm còn phải luôn trông chừng con nước để quyết định thời điểm nào thì quăng lưới đáy và kéo lưới. Bởi vậy, thành công hay thất bại của họ phụ thuộc vào kỹ năng “dò lòng biển”.

1. Trao đổi với chúng tôi, anh Mai Quốc Bảo, một bạn chòi có thâm niên trong nghề chia sẻ, chỉ có sống lâu với nghề thì mới tích lũy được kinh nghiệm. Con nước lớn, con nước ròng, màu nước đục, màu nước xanh, đen, lúc nào thì nên thả lưới, khi nào thì kéo đáy… chỉ có tự ngư dân mới biết được. Bạn chòi phải biết canh hướng gió, coi gợn sóng mà nhận định luồng cá di chuyển để chọn nơi đóng cọc, làm chòi, thả lưới. Nghề này còn gian nan ở chỗ, người bạn chòi không được trả lương theo ngày công mà được chia phần, cứ 5 khẩu đáy kéo lên thì bạn chòi được chia 1 miệng. Chỉ có thu gom được nhiều hải sản sau mỗi lần kéo đáy thì ngư dân mới có sinh kế ổn định, khoảng vài trăm nghìn đồng/ngày. Anh Bảo cho biết, thông thường, mỗi giàn đáy hàng khơi có 12 miệng, được cắm bằng 13 cây cột thẳng hàng. Mỗi miệng đáy từ cột này đến cột kia cách nhau hơn 50m. Cột đáy được làm bằng gỗ, có chiều cao khoảng 20m. Mỗi cây cột được cắm xuống đáy biển sâu bằng chính sức người chứ chẳng có công cụ nào hỗ trợ. Ðể giữ hàng cột thẳng đứng, không bị trôi, ngư dân dùng dây chằng néo bốn bề. Trên mặt biển khơi, các cây cột được nối với nhau bằng những sợi dây thừng, vừa làm nhiệm vụ chằng giữ vừa là lối đi của bạn chòi khi thả hay kéo lưới. Ngay giữa giàn đáy có một cây cột cao nhất là nơi “mọc” lên cái chòi lá để bạn chòi tá túc.

Mai Quốc Bảo có nước da đen sạm, tóc cháy nắng, đôi mắt ngời sáng nhìn “lia” vào mắt người đối diện. Bảo kể, anh theo nghề giữ đáy hàng khơi cho chủ từ khi 15 tuổi, đến nay đã được tròn 20 năm. Điều quan trọng trong nghề là phải khỏe mạnh, dẻo dai vì khi thực hiện mọi thao tác, bạn chòi đều phải chạy băng băng trên dây. Bởi vậy, nghề này chỉ “giữ” được những ngư dân can trường, nhanh nhẹn, sức vóc hơn người. Kham khổ là vậy mà nghề này không cho thu nhập cao. Ăn sóng nói gió, khó có thời gian rảnh để vào bờ sum họp cùng vợ con nhưng anh Bảo không muốn xa lìa nghề giữ đáy. “Với tôi, biển luôn gần gụi. Đó là môi trường, là không khí, là sinh kế, là nghề nghiệp cha ông truyền lại” - Bảo nói.

2. Trong các câu chuyện của chúng tôi với các cán bộ và chiến sĩ biên phòng đồn trú khắp các cụm đảo, từ Thổ Chu đến Hải Tặc, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Khoai, không khi nào thiếu vắng hình ảnh ngư dân giữ đáy hàng khơi. Đây có thể gọi là đặc thù nghề biển của các tỉnh miền Tây, ở vùng biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và cả duyên hải miền Trung đều không có. Thượng tá Võ Văn Dúi - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho rằng, giữ đáy hàng khơi là nghề đánh đu với số phận. Hai trụ cột để cố định sợi dây căng ngang cách nhau hơn 50m mà các ngư dân thường xuyên chạy trên đó giống như 2 đầu sinh tử. “Nhận được tin báo kịp thời, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng nhanh chóng có mặt, giải cứu nhiều ngư dân giữ đáy hàng khơi khỏi lưỡi hái tử thần khi họ không may bị rơi và trôi giữa biển. Dù không muốn nói ra nhưng ai cũng đoán được có không ít trường hợp, ngư dân đã vĩnh viễn nằm lại ở biển vì không được ai cứu giúp. Mỗi chòi canh chỉ có một ngư dân túc trực, có mấy ai ở gần họ đâu. Hễ lỡ rơi vào bụng lưới, uỳnh xuống đáy là bỏ mạng chứ không có cách nào chui ra được” - Thượng tá Dúi nói.

Khi ở đảo Thổ Chu (xã đảo Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang), chúng tôi có trao đổi với một vài ngư dân theo nghề giữ đáy hàng khơi. Họ đều bảo rằng, đó là nghề cô độc và rình rập tai nạn bậc nhất. Ngư dân Nguyễn Thi Viễn cho rằng mình đã chết đi sống lại dăm lần. “Hồi đó khoảng 2 giờ chiều, đang chợp mắt thì dông gió bất thần kéo đến. Khi nhận biết được ngọn gió quét qua thì tôi đã rơi tõm xuống biển rồi. Đâu chỉ có gió giật không thôi, sóng dữ ùn ùn kéo đến. Lúc đang hớt hơ hớt hải, chưa kịp phản ứng gì thì mình đã bị biển kéo đi và nhấn chìm. May là không bị hất vào bụng đáy” - anh Viễn nhớ lại. May mắn đã mỉm cười với anh khi lúc đó có một tàu cá đi qua, phát hiện và thả phao vớt anh lên. “Sau đận đó, tôi nhủ thầm, phải kiếm nghề khác làm thôi, thiếu gì sinh kế mà phải bám víu vào nghề khiếp đảm này. Vậy nhưng, đâu lại vào đấy, tôi lại theo nghề, hình như mình không dứt với biển được” - anh Viễn kể.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bạn chòi giữ đáy hàng khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO