Xây dựng nông thôn mới là chương trình nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ nhất của hệ thống chính trị và tạo chuyển biến toàn diện nhất ở khu vực nông thôn. Chương trình nào rồi cũng sẽ kết thúc nhưng phát triển nông thôn bền vững không có điểm dừng. Vì vậy, hậu xây dựng nông thôn mới là câu chuyện đáng bàn.
Khi chương trình chấm dứt
Theo kế hoạch, Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ có 130 xã/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 67,3%. Kết quả "tổng quát" nhất của việc xây dựng NTM là tạo sự thay đổi của diện mạo nông thôn, đời sống cư dân được cải thiện.
Đã có những lo lắng về mục tiêu rất cao của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trong 2 năm còn lại. Nhiều người mong muốn đạt mục tiêu đề ra, nhưng tôi cho rằng, mức độ đóng góp từ thành quả của xây dựng NTM cho nhiệm vụ phát triển nông thôn trong dài hạn quan trọng hơn. Cái gì còn lại khi kết thúc chương trình xây dựng NTM là câu hỏi cần đặt ra.
Công trình xây dựng sẽ xuống cấp, hư hỏng, thậm chí ở miền núi có thể bị cuốn trôi sau một đợt lũ lụt, phải đầu tư nâng cấp, xây mới và chỉ cần có tiền. Nhưng có những tiêu chí, ngân sách nhà nước không thể lo mãi và lo cũng không được.
Như môi trường đạt chuẩn sẽ tái ô nhiễm, cảnh quan xanh đẹp cũng không còn nếu không được người dân tiếp tục gìn giữ, chăm chút; một số HTX đã góp phần đạt tiêu chí, nay hoạt động cầm chừng, thu nhập của nông dân dừng lại ở mức chuẩn cũ và không ổn định nếu không có giải pháp cải thiện nào… Và điều này đã xảy ra đây đó khi chương trình xây dựng NTM đang còn thực hiện.
Dự cảm, nếu không có kế họạch hậu NTM, điều đang xảy ra cục bộ hiện nay sẽ thành phổ biến, thậm chí có nơi sẽ không tìm đâu ra những thành quả NTM đã gầy dựng. Từ nhìn nhận này, theo tôi trong 2 năm còn lại, cần tập trung thực hiện những nội dung để tăng tính bền vững của chương trình xây dựng NTM.
Cần làm gì?
Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn, các hội đoàn thể cấp huyện, xã và nhân dân về duy trì và phát triển thành quả NTM cần được trang bị phương pháp, kỹ năng lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, bàn giải pháp, phân công tổ chức/người chịu trách nhiệm lãnh đạo nhóm cộng đồng đảm nhận từng phần việc.
Đồng thời tổ chức thực hành ở địa bàn dân cư những nội dung này; thường xuyên thực hiện giám sát, đánh giá để hỗ trợ, bổ sung giải pháp.
Về phát triển kinh tế nông thôn, hộ gia đình quy mô sản xuất nhỏ khó bảo đảm các điều kiện thực hiện hàng loạt nội dung để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Có những nội dung rất cấp bách như sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP/hữu cơ hoặc tương đương gắn với mã số vùng trồng tiến triển rất chậm, diện tích đạt được không đáng kể, có phần lớn nguyên nhân từ đây.
Vì vậy tiếp tục khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất nông hộ. Tìm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển HTX, doanh nghiệp nông thôn.
Nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết và kết nối các liên kết mới; không thể chỉ dừng ở các mô hình như hiện nay, cần đạt quy mô sản xuất đủ sức tác động mạnh đến nông sản chủ lực và nông sản đã có đầu ra của địa phương.
Để có được những vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hoặc tương đương, có thể truy xuất nguồn gốc, không thể chỉ dừng lại ở kế hoạch trên giấy của cấp tỉnh, cấp huyện; đòi hỏi sự chỉ đạo cụ thể và tổ chức lập kế hoạch có sự tham gia của người dân.
Về cảnh quan, môi trường nông thôn, rác thải sinh hoạt là nguồn ô nhiễm lớn nhưng vùng nông thôn dễ xử lý hơn đô thị. Giải pháp đơn giản có thể tổ chức thực hiện diện rộng ngay là mỗi hộ, nhóm hộ giữ lại phần rác thải hữu cơ để ủ làm phân bón cho cây trồng.
Đánh giá, nhân rộng những mô hình điểm về xử lý rác thải, chất thải trong sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, đáng chú ý là mô hình “Triển khai thí điểm quản lý và xử lý rác thải dựa trên nguyên lý thu hồi, tái sử dụng bằng công nghệ sinh học, ứng dụng cho xây dựng NTM” đang triển khai tại huyện Quế Sơn.
Tổ chức lập các tổ/nhóm cộng đồng tự quản, cử người phụ trách, phân công nhau là giải pháp tốt nhất để gìn giữ, kiến tạo cảnh quan môi trường chung sạch đẹp.
Cuối cùng, trong trường hợp chương trình xây dựng NTM không tiếp tục giai đoạn mới, cần nghiên cứu ban hành cơ chế của tỉnh, kiến nghị chính sách với trung ương để kế thừa, duy trì thành quả đạt được và nội dung mới cho phát triển nông thôn bền vững những năm tiếp theo.