(Xuân Nhâm Dần) - Tất cả đề tài nghiên cứu khoa học được giải thưởng “đình đám” của giảng viên, nhà sáng chế Phan Văn Hiệp gắn với lĩnh vực nông nghiệp. Quan trọng hơn, các sáng chế đó đều được ứng dụng trong đời sống và sản xuất.
Hướng về nhà nông
Thạc sĩ Phan Văn Hiệp (SN 1977) quê huyện Phú Ninh, hiện là giảng viên Trường Đại học Văn Hiến TP.Hồ Chí Minh và là Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS.
Anh Hiệp được biết đến với nhiều sáng chế trên lĩnh vực nông nghiệp, gắn bó với nông dân, thân thiện với môi trường. Anh nghĩ đơn giản, sáng chế trong lĩnh vực chế biến nông sản sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt, nâng cao thu nhập cho nông dân và tránh tình trạng nông sản bị kêu gọi “giải cứu”.
“Đam mê với nghề nông nên tất cả đề tài nghiên cứu khoa học của tôi hướng về nông dân. Với tôi, nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn, đời sống, sản xuất của người dân, nên tôi không nghiên cứu những đề tài mang tính hàn lâm” - anh Hiệp nói.
Gần nửa tháng về quê nhà Quảng Nam, Phan Văn Hiệp giao trọn vườn rau sạch trên sân thượng của gia đình mình ở TP.Hồ Chí Minh cho hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh chăm sóc. “Khoa học công nghệ đâu phải những gì cao siêu, mà đơn giản là những thứ gắn bó với đời sống” - Phan Văn Hiệp bộc bạch.
Quan niệm như vậy nên cùng với chuỗi sáng chế hệ thống sấy tự động bằng năng lượng mặt trời (NLMT) đoạt nhiều giải thưởng lớn, những nghiên cứu của anh đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phù hợp xu hướng làm nông nghiệp thông minh hiện nay như hệ thống kiểm soát và tự động tưới tiêu trong nông nghiệp, hệ thống kiểm soát trại chăn nuôi heo (kiểm tra trọng lượng, đánh giá tốc độ phát triển, kiểm tra và phát hiện tình trạng bệnh của heo), hệ thống kiểm soát và điều khiển ao nuôi tôm (kiểm tra nồng độ, môi trường nước, ô xy, nhiệt độ …).
Sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời
Trăn trở của Phan Văn Hiệp là nông sản Việt thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá” và ngược lại, nên anh dồn tâm huyết nghiên cứu sản phẩm để góp phần nâng tầm giá trị nông sản.
Sau nhiều chuyến thâm nhập thực tế hàng tháng trời tại các cơ sở sản xuất thủy sản ở miền Tây Nam Bộ, anh nhận thấy người dân chủ yếu sấy cá bằng điện rất tốn kém mà không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường.
Từ nghiên cứu thực tế cộng với kiến thức khi học ngành điện tử - viễn thông (Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh), anh nghiên cứu chế tạo máy sấy hoàn toàn tự động bằng NLMT trục ngang và trục đứng.
Máy trục ngang phù hợp sấy các loại sản phẩm lớn; máy trục đứng để sấy các loại dược liệu, trái cây, thực phẩm hoặc các loại cá nhỏ. Nguyên lý hoạt động của máy là tận dụng ánh nắng mặt trời và sử dụng công nghệ sấy động (sản phẩm sấy chuyển động liên tục) để sản phẩm đạt chất lượng, kết hợp với máy bơm nhiệt để sấy vào ban đêm.
Tính khả dụng cao nên nhiều cơ sở sản xuất trong nước lắp đặt sản phẩm máy sấy NLMT của anh Hiệp.
Qua phản hồi từ khách hàng, máy sấy có nhiều ưu điểm như hoàn toàn tự động, tiết kiệm chi phí, giảm nhân công, rút ngắn thời gian sấy, giảm diện tích mặt bằng xây dựng, không phụ thuộc thời tiết, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và người dùng có thể thiết lập thông số theo kinh nghiệm sản xuất của mình…
Chẳng hạn máy có công suất sấy 300kg cá chỉ cần diện tích 24m2, mỗi mẻ sấy chỉ mất 3 giờ, chi phí lắp đặt máy hơn 300 triệu đồng.
Đưa sáng chế về quê
Thạc sĩ Phan Văn Hiệp từng đoạt giải Nhất hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018 - 2019); giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo trong tầm tay" của Bộ Khoa học - công nghệ, cùng nhiều giải thưởng khác và đã đăng ký sáng chế sản phẩm độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ; năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về ứng dụng xuất sắc công trình đoạt giải thưởng vào sản xuất và đời sống.
Cùng với cung ứng sản phẩm thủy sản chất lượng cao nhưng giá rẻ hơn giá thị trường nhờ được phơi sấy bằng máy sấy NLMT đến với người dân Quảng Nam, Phan Văn Hiệp đã đưa sáng chế của mình về quê nhà.
Sau khi lắp đặt máy sấy cá ở Đại Lộc vào tháng 6.2020, anh tiếp tục lắp đặt máy có công suất 150kg cá nguyên liệu/mẻ tại xã Tam Tiến (Núi Thành) cùng nhiều công trình khác đã và đang triển khai.
Anh Hiệp cho biết, máy sấy NLMT năng suất 50 - 80kg tươi/mẻ có thể dùng cho các cơ sở nhỏ, hộ gia đình; năng suất lớn (hơn 1 tấn tươi/mẻ) phù hợp quy mô sản xuất công nghiệp. Cơ sở sản xuất nên xây dựng liên hoàn khu vực chế biến - phơi sấy - đóng gói để đảm bảo khép kín.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam, cuối tháng 10.2021, đơn vị và anh Hiệp đã trao đổi các nội dung nhiệm vụ khoa học - công nghệ và các đề án đổi mới công nghệ của tỉnh.
Thạc sĩ Phan Văn Hiệp nói, Quảng Nam có thế mạnh sản xuất dược liệu ở miền núi, thủy sản ở vùng biển, nông sản ở đồng bằng. Anh mong muốn đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho sự phát triển của quê hương bằng việc tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở quê nhà; đưa thiết bị công nghệ, sáng chế của mình đến các dự án khuyến công, các hợp tác xã và cơ sở sản xuất trong tỉnh.