Bản đồ cho sự sống

ĐĂNG QUANG 16/11/2020 05:17

Hàng nghìn năm qua, bản đồ đã đi cùng với con người, phục vụ rất nhiều nhu cầu khác nhau của đời sống. Từ sơ khai đến hiện đại, nhiều loại bản đồ ra đời với nhiều chủ đề công dụng cùng sự cải tiến về chất liệu và công nghệ để tiện ích cho người dùng

Theo Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, tấm bản đồ đầu tiên mà loài người biết đến được vẽ trên một miếng đất sét ở Ai Cập cách đây hơn 4.000 năm. Người Ai Cập cổ đại cũng sử dụng hình học để đo đạc cũng như tái đo đạc đất đai sau các trận ngập lụt của sông Nin làm mất các ranh giới đất. Có những bản đồ xưa cổ gắn với các cuộc hành trình thám hiểm, buôn bán, truyền đạo, những con đường hàng hải,… cho đến những bản vẽ về khu vực cư trú của mình được người cổ xưa ghi chép và vẽ lại, giúp nhận thức về thế giới, về những hiện tượng tự nhiên xung quanh đầy đủ và phong phú hơn. Càng kỳ thú là những bản đồ bí mật dẫn đường cho người ta tìm kho báu, hay những thành phố cổ nằm trong lòng đất, dưới biển, trên rừng…

Ngày nay, bản đồ có nhiều loại định dạng, ngoài bản đồ in giấy còn có các loại bản đồ điện tử, các atlas - tập bản đồ, cơ sở dữ liệu GIS, webgis. Ngồi trên xe đi nhiều nơi có thể mở sẵn bản đồ GIS, theo Google map hướng dẫn lộ trình, rất tiện lợi.

Lan man vài chuyện về như vậy, đủ thấy rằng bản đồ chính là “người dẫn đường” để giải quyết nhiều thông tin cần thiết cho sự sống con người. Đáng chú ý là các bản đồ làm cơ sở để quy hoạch phát triển, quy hoạch dân cư, xây dựng hạ tầng, rồi phục vụ cho các ngành kinh tế trọng yếu, nổi bật như du lịch hay logistics. Gần đây, qua các sự cố, biến động của đời sống, như dịch bệnh Covid-19, đến thiên tai bão lũ, nhu cầu về bản đồ càng đòi hỏi nhiều hơn. Người ta có thể xác lập bản đồ Covid và triển khai khoanh vùng dập dịch, đồng thời cảnh báo cho những ai đi và đến. Khi lũ lụt xảy ra, có bản đồ ngập lụt rất hữu ích để dân chúng phòng bị, bảo vệ tài sản, tính mạng. Đặc biệt là bản đồ đánh dấu vùng bão tiếp cận, tác động, giúp cho việc cảnh báo và di dời dân nơi có nguy cơ cao đi tránh trú an toàn. Hiện nay, đòi hỏi đặt ra đối với các vùng miền núi xảy ra liên tục các vụ sạt lở khốc liệt là phải xây dựng được bản đồ để cảnh báo rủi ro, quy hoạch sắp xếp lại dân cư để xây dựng các công trình dân sinh, ổn định đời sống đồng bào. Tuy nhiên do chưa đầu tư đúng mức, nên việc lập bản đồ với tỷ lệ quá lớn, khó quan sát phạm vi khu vực rủi ro nên công tác cảnh báo còn quá rộng, chung chung, khó triển khai công tác phòng bị cứu nạn, cứu hộ.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là việc tổ chức cứu trợ đồng bào vùng bị ảnh hưởng nặng nề trong thiên tai bão lũ có nhiều khâu bị ách tắc do thiếu bản đồ chỉ dẫn. Nhà báo Trung Hiếu đã kể lại trên Báo Lao động, có nhiều đoàn cứu trợ hoang mang vì đến vùng lũ lụt rồi mà không biết tặng quà cho ai, ở đâu... Nhiều đoàn tìm đủ cách để mong xác định một địa điểm thực sự cần chia sẻ. Hoặc có nhóm không thể đến được nơi cần, đành ngừng xe ngay trên quốc lộ, tặng quà nhanh rồi ra về. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do nhiều nhóm từ thiện xã hội muốn “giao tận tay” người cần, nhưng họ lại quá thiếu thông tin chỉ dẫn địa bàn, cũng như địa chỉ cần chia sẻ. Với thực trạng đó, nhà báo Trung Hiếu nêu ý kiến rằng: “Rất cần một “bản đồ từ thiện” số, để các đoàn từ thiện tìm kiếm được địa chỉ chia sẻ mong muốn; mà hơn hết tránh được tình trạng “no dồn, đói góp”, nơi thừa, nơi thiếu đang diễn ra tại miền Trung”.

Xem ra ngành xuất bản bản đồ còn vô số việc cần làm để phục vụ hữu ích cho cuộc sống con người.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản đồ cho sự sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO