Tại Kỳ họp thứ 14 vừa qua, HĐND tỉnh (khóa VIII) đã thông qua 14 nghị quyết theo chương trình kỳ họp. Báo Quảng Nam xin giới thiệu nội dung chính của một số nghị quyết quan trọng.
Giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, toàn tỉnh kiên cố hóa 571km đường giao thông nông thôn. Trong ảnh: Đường lên huyện Tây Giang. Ảnh: Châu Nữ |
Tiêu chí dự án đầu tư công trọng điểm nhóm C
Dự án đầu tư công trọng điểm nhóm C là những dự án có tính chất quan trọng, được ưu tiên quyết định chủ trương đầu tư và bố trí các nguồn vốn thực hiện trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh. Tiêu chí dự án đầu tư công trọng điểm nhóm C bao gồm: có yêu cầu di dân tái định cư từ 50 người hoặc 10 hộ dân trở lên; có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ảnh hưởng đến các di tích cấp tỉnh trở lên; có nguồn vốn ODA, vốn vay tín dụng của địa phương; có tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng đối với lĩnh vực xây dựng cầu, cảng sông, công nghiệp điện, xây dựng khu nhà ở; 50 tỷ đồng đến dưới 80 tỷ đồng đối với dự án giao thông (trừ cầu, cảng sông), thủy lợi, cấp thoát nước và công trình hạ tầng kỹ thuật, kỹ thuật điện; 40 tỷ đồng đến dưới 60 tỷ đồng đối với dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khu bảo tồn thiên nhiên, hạ tầng kỹ thuật đô thị mới; 30 tỷ đồng đến dưới 45 tỷ đồng đối với dự án y tế, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, tin học, phát thanh, truyền hình, kho tàng, du lịch, thể dục thể thao, xây dựng dân dụng (trừ xây dựng khu nhà ở).
Kiên cố hóa 571km đường giao thông nông thôn
Đó là mục tiêu của đề án “Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Tổng vốn thực hiện đề án khoảng 477 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 255 tỷ đồng, ngân sách huyện, thị xã, thành phố và huy động nhân dân 222 tỷ đồng). Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 35%, ngân sách cấp huyện, cấp xã hỗ trợ và nhân dân đóng góp 65% đối với các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố ở khu vực 1, gồm: Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ các xã: Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang và Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 5 xã Tam Hải, Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh và Tam Mỹ Tây).
Xã, thị trấn thuộc các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và những xã miền núi, xã đảo ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành không nằm trong khu vực 1 (đã nêu ở trên), ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách cấp huyện, cấp xã hỗ trợ và nhân dân đóng góp 30% chi phí xây dựng công trình.
Tăng 2.280 biên chế giáo dục và y tế
Tổng biên chế sự nghiệp GD-ĐT, sự nghiệp y tế công lập Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 là 32.932 biên chế, tăng 2.280 biên chế so với năm 2015. Trong đó, sự nghiệp GD-ĐT có 25.712 biên chế, tăng 1.508 biên chế; sự nghiệp y tế 7.220 biên chế, tăng 772 biên chế so với năm 2015.
Bổ sung vốn điều lệ Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam tối thiểu 10 tỷ đồng/năm
HĐND tỉnh thống nhất bổ sung vốn điều lệ Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2017 từ nguồn ngân sách tỉnh với mức tối thiểu 10 tỷ đồng/năm. Đồng thời giao UBND tỉnh căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lĩnh vực đầu tư trình HĐND tỉnh danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương để định hướng hoạt động cho vay, đầu tư của quỹ này.
Cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh
Quy định này áp dụng ở những khu vực trồng sâm Ngọc Linh được quy định tại Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND ngày 11.7.2014 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020. Trên cơ sở quỹ đất, quỹ rừng hiện có, cùng với năng lực tài chính, tính khả thi của phương án trồng sâm và các điều kiện khác theo quy định, UBND tỉnh quy định hạn mức diện tích cho thuê cụ thể đối với từng hộ, nhóm hộ, tổ chức kinh tế trong nước có nhu cầu trồng sâm.
Thời hạn cho thuê môi trường rừng là 25 năm. Mức giá cho thuê bằng mức giá cho thuê đất rừng cộng với mức giá chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cá nhân, tổ chức trả tiền thuê một lần cho 25 năm và số tiền thuê sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Quy định về mức thu phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Mức thu phí đối với một hồ sơ trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò được quy định như sau: Giá trị quyền khai thác khoáng sản theo giá thời điểm từ 1 tỷ đồng trở xuống có giá 2 triệu đồng; từ hơn 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng: 4 triệu đồng; hơn 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng: 6 triệu đồng; 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng: 8 triệu đồng; hơn 50 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng: 10 triệu đồng; hơn 100 tỷ đồng: 12 triệu đồng.
Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, mức thu cụ thể đối với một hồ sơ như sau: diện tích khu vực đấu giá từ 0,5ha trở xuống có giá 2 triệu đồng; hơn 0,5ha đến 2ha: 4 triệu đồng; hơn 2ha đến 5ha: 6 triệu đồng; hơn 5ha đến 10ha: 8 triệu đồng; hơn 10ha đến 50ha: 10 triệu đồng; hơn 50ha: 12 triệu đồng.
Phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, trong đó cơ quan thực hiện được trích để lại 50% tổng số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ theo quy định; 50% còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
BẢO NGUYÊN (Tổng hợp)