Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa ký ban hành các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX. Báo Quảng Nam giới thiệu nội dung của một số nghị quyết.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2016, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; nghị định của HĐND tỉnh về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ hè thu; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2016- 2017; thực hiện tốt công tác điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; có giải pháp hiệu quả chống thất thu trên lĩnh vực đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016; tiếp tục thực hiện xử lý cơ chế ưu đãi vượt trội, thực hiện nhất quán chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư.
Hỗ trợ đào tạo nghề sẽ tạo ra những lao động có tay nghề cao. TRONG ẢNH: Công nhân của một doanh nghiệp may xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được.Ảnh: CHÂU NỮ |
Ngoài ra, tập trung các giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả, bền vững các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa xã hội; chú trọng các giải pháp về nâng cao đạo đức học đường; khắc phục sớm tình trạng học sinh bỏ học; triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh thực phẩm; chủ động phòng ngừa các dịch bệnh; kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão 2016. Các cơ quan khối nội chính tăng cường công tác phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công năm 2017…
Đến năm 2020, ngành thủy sản giải quyết việc làm cho khoảng 41 nghìn người
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển ngành thủy sản của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 4.200 tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 29 - 30% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; tổng sản lượng thủy sản đạt 110 - 120 nghìn tấn. Đến năm 2020, ngành thủy sản sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 41 nghìn người, trong đó có hơn 60% số lao động nghề cá được đào tạo, tập huấn và đến năm 2030 là 45 nghìn người.
Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đến năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 25 nghìn tấn, vào năm 2030 đạt 34 nghìn tấn. Về sản lượng chế biến thủy sản, đến năm 2020 sản xuất được 31 nghìn tấn sản phẩm với tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/năm và đến năm 2030 sản xuất được 50.500 tấn sản phẩm. Tổng nhu cầu vốn phát triển thủy sản toàn tỉnh giai đoạn 2016-2030 là 3.548 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm tỷ lệ 30,9%; còn lại từ các nguồn khác.
Đến năm 2020, lao động qua đào tạo nghề đạt 55%
Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu đào tạo lao động có tay nghề gắn với giải quyết việc làm, lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 55% vào năm 2020; dự kiến nhu cầu lao động đào tạo giai đoạn 2016 - 2020 hơn 40 nghìn người. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh quyết định và công bố công khai danh mục nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo hằng năm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ngân sách tỉnh đầu tư hơn 154 tỷ đồng để thực hiện cơ chế nêu trên.
Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục từ năm học 2016 – 2017 Theo nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục (CSGD) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh, đối tượng áp dụng mức thu học phí mới bao gồm: trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên đang học tại các CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định. Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc xác định học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Quy định về khu vực tính học phí như sau: khu vực thành thị bao gồm các phường thuộc TP.Tam Kỳ, TP. Hội An và thị xã Điện Bàn, các khối phố thuộc thị trấn của các huyện đồng bằng; khu vực nông thôn bao gồm các xã thuộc TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện đồng bằng, các khối phố thuộc thị trấn của các huyện miền núi; khu vực miền núi, hải đảo: bao gồm các thôn, xã miền núi và hải đảo theo quy định của Chính phủ. CSGD ngoài công lập được tự quyết định mức học phí. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, mức thu mỗi học sinh/tháng cụ thể như sau: cấp học mầm non ở khu vực thành thị 105 nghìn đồng, khu vực nông thôn 45 nghìn đồng, khu vực miền núi 20 nghìn đồng; cấp THCS ở 3 khu vực nêu trên lần lượt là: 60 nghìn đồng, 30 nghìn đồng, 15 nghìn đồng; THPT: 105 nghìn đồng, 65 nghìn đồng, 20 nghìn đồng. Các cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức thu học phí tương đương với mức học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn. Mức thu học phí của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đối với đối tượng đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc chỉ tiêu ngân sách nhà nước cấp kinh phí đào tạo được tính trên mỗi học sinh, sinh viên cụ thể là: ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản (gọi tắt nhóm 1) năm học 2016-2017 cho hệ đại học là 500 nghìn đồng, hệ cao đẳng 410 nghìn đồng, hệ trung cấp 350 nghìn đồng. Ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch (nhóm 2) lần lượt là 590 nghìn đồng, 470 nghìn đồng, 410 nghìn đồng; ngành y dược (nhóm 3) hệ trung cấp là 510 nghìn đồng, hệ cao đẳng là 590 nghìn đồng. Đến năm học 2020 – 2021, nhóm 1 có học phí cho các hệ lần lượt là 740 nghìn, 590 nghìn, 520 nghìn đồng; nhóm 2: 880 nghìn, 710 nghìn; 620 nghìn; nhóm 3: hệ cao đẳng 860 nghìn, hệ trung cấp 750 nghìn. Mức thu học phí đối với các cơ sở đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề đối với 1 học sinh, sinh viên/tháng lần lượt là: năm học 2016 - 2017 hệ trung cấp 290 nghìn đồng, hệ cao đẳng 330 nghìn đồng; năm học 2017 - 2018: 460 nghìn đồng, 530 nghìn đồng; năm học 2018 – 2019: 500 nghìn đồng, 580 nghìn đồng; năm học 2019 – 2020: 560 nghìn đồng; 640 nghìn đồng; năm học 2020 – 2021: 620 nghìn đồng; 710 nghìn đồng. Đối với bậc học đại học, cao đẳng và trung cấp không thuộc chỉ tiêu ngân sách nhà nước cấp kinh phí đào tạo, mức thu không quá 50% so với mức tối đa học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư của Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Đối với trường hợp đào tạo theo tín chỉ, mức thu học phí của 1 tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và tổng số tín chỉ đó. |
BẢO NGUYÊN