Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa ký ban hành các nghị quyết đã được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 15 vừa qua, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng với những chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ chế phát triển thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ
Theo nghị quyết về một số cơ chế đối với thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ đến năm 2020, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí 1 - 5 tỷ đồng để hỗ trợ thành phố thực hiện công tác lập quy hoạch các dự án trọng điểm; ưu tiên bố trí nguồn lực để từng bước hoàn thiện quy hoạch phân khu, chi tiết, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng tập trung, đầu tư dứt điểm các công trình dở dang khu vực trung tâm thành phố trước khi mở rộng không gian đô thị về phía đông...
Về cơ chế đầu tư xây dựng, ưu tiên hỗ trợ đầu tư Khu công nghiệp Thuận Yên theo Quyết định số 40/2005/QĐ-TTg ngày 14.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, cân đối các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư công trình trọng điểm trên địa bàn TP.Tam Kỳ với tổng mức tối đa là 100 tỷ đồng (trung bình khoảng 20 tỷ đồng/năm). Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí 40 tỷ đồng để bổ sung có mục tiêu kiến thiết thị chính cho TP.Tam Kỳ…
HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về cơ chế phát triển thành phố Tam Kỳ. Ảnh: CHÂU NỮ |
Đáng chú ý, để lại cho TP.Tam Kỳ 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố do tỉnh quản lý và 70% từ tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; từ tiền cho thuê đất nộp hàng năm chuyển sang hình thức cho thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê sau khi trích nộp để hình thành quỹ phát triển đất theo quy định.
Năm 2016, toàn tỉnh có 33.168 biên chế sự nghiệp
Năm 2016, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh có 3.568 biên chế công chức. Trong đó, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có 1.919 biên chế, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh 1.520 biên chế và đơn vị thuộc tỉnh có 129 biên chế. Biên chế sự nghiệp năm 2016 là 33.168 biên chế trong đó, sự nghiệp GD-ĐT: 24.848 biên chế; sự nghiệp y tế: 5.951 biên chế; sự nghiệp văn hóa thông tin - thể thao: 790 biên chế; sự nghiệp khác: 1.579 biên chế.
Số biên chế nêu trên không bao gồm số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17.11.2000 của Chính phủ. Số biên chế sự nghiệp GD-ĐT, sự nghiệp y tế công lập của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và số lượng biên chế dự phòng chưa phân bổ là 3.009 biên chế; trong đó sự nghiệp giáo dục 1.605 biên chế, sự nghiệp y tế 1.304 biên chế, dự phòng 100 biên chế. Các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH có 234 định mức lao động; tổ chức hội, quỹ hội năm 2016 có 90 định mức lao động, trong đó có 61 biên chế sự nghiệp.
Bảo tồn và phát triển nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh
Theo nghị quyết Quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2016 - 2020, sẽ quản lý, bảo vệ 15.568ha rừng đã được quy hoạch, trong đó bảo vệ nghiêm ngặt diện tích bảo tồn 2.238ha rừng từ độ cao 2 nghìn mét trở lên; trồng cây bản địa và khoanh nuôi bổ sung 1.000ha đất trồng còn lại. Đồng thời thiết lập 120ha vườn sâm giống tại 3 xã: Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Ngoài ra, trồng 600ha sâm, nâng tổng diện tích trồng đến năm 2020 đạt trên 665,4ha. Đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng sâm dưới tán rừng cho khoảng 1 nghìn hộ dân; xây dựng và hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh, kêu gọi, thu hút đầu tư, chế biến dược liệu và các sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh…
Hỗ trợ 90% chi phí đầu tư đối với dự án cấp nước ở xã biên giới, hải đảo
Mức hỗ trợ đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2016 - 2020 như sau: hỗ trợ 30% đối với dự án cung cấp nước sạch đô thị (các phường, thị trấn) và khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đối với vùng cấp nước Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An; hỗ trợ 45% đối với dự án cấp nước đô thị (thị trấn, thị tứ, trung tâm huyện) và khu công nghiệp các huyện còn lại và các xã thuộc thị xã, thành phố; hỗ trợ 60% đối với dự án cấp nước cho vùng cấp nước nông thôn, các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp các huyện đồng bằng; hỗ trợ 75% đối với dự án cấp nước cho vùng cấp nước nông thôn, các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp các khu vực còn lại trừ khu vực thuộc vùng 5. Riêng các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển (trừ các vùng bãi ngang ven biển khu vực Điện Bàn - Hội An) và xã biên giới hải đảo được hỗ trợ đến 90% khi thực hiện dự án nêu trên.
Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển
Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tập trung trong cân đối cho các huyện, bao gồm 5 nhóm tiêu chí về: dân số (dân số trung bình và số người dân tộc thiểu số của các huyện); trình độ phát triển (gồm tỷ lệ hộ nghèo và thu phát sinh kinh tế); diện tích đất tự nhiên; đơn vị hành chính (số đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; số xã miền núi, xã chương trình 257, xã ATK thuộc vùng căn cứ kháng chiến, xã đảo và xã biên giới đất liền); tiêu chí bổ sung gồm tiêu chí thành phố tỉnh lỵ, thành phố, thị xã. Trên cơ sở các tiêu chí nêu trên, sẽ xác định để tính toán tổng cộng số điểm của từng huyện để phân bổ vốn đầu tư trong dự toán ngân sách các huyện. Đối với cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, cân đối bố trí vốn theo từng công trình, dự án. Mức bố trí theo tỷ lệ tổng giá trị khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản từng ngành và các mục tiêu do HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết định sau khi đã hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định.
BẢO NGUYÊN (Tổng hợp)