(QNO) - HĐND tỉnh vừa ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến cây dược liệu, cây quế Trà My, sâm Ngọc Linh và thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái.
Chợ sâm tại Nam Trà My thu hút người đến tham quan, mua sắm. Ảnh: H.L |
Đó là Nghị quyết về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2025; Nghị quyết về quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2025. Cùng với đó, HĐND tỉnh còn ban hành Nghị quyết về quy định cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trong đó, Nghị quyết về quy định cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy định, thời hạn cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ tối đa là 25 năm, để trồng sâm tối đa là 40 năm, để kinh doanh du lịch sinh thái tối đa là 50 năm. Sau khi hết thời hạn thuê môi trường rừng, cá nhân, tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ có nhu cầu tiếp tục thuê; đồng thời trong quá trình sử dụng rừng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng phù hợp với quy hoạch thì được xem xét ưu tiên để kéo dài thời gian cho thuê, nhưng không quá 20 năm. Về mức giá cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ là 400.000 đồng/ha/năm; mức giá cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái tối đa được tính bằng 2% doanh thu/năm. Với những đơn vị mới bắt đầu đi vào kinh doanh, được miễn tiền thuê 3 năm đầu tiên.
Với Nghị quyết về quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu của 9 loài cây dược liệu (đảng sâm, ba kích tím, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, nghệ, cà gai leo, đinh lăng) với diện tích cây dược liệu đạt 39.505ha (trồng mới hơn 37.000ha, 2.471ha hiện có). Phấn đấu có 60% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Thiết lập vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu quốc gia; hình thành chuỗi sản phẩm từ sản xuất, đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm của 9 loài dược liệu. Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục trồng mới 29.600ha dược liệu 9 loài cây trên. Phấn đấu đến năm 2030, có 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn GACP-WHO…
HOÀNG LIÊN