Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh diễn ra hôm qua (22.7) đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, điều hành ngân sách hiệu quả trong những tháng cuối năm.
Duy trì tốc độ tăng trưởng
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng đến 11,7%, tốc độ tăng trưởng cao nhất miền Trung và đứng thứ 5 cả nước… là thành công bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thể vận hành một cách bình thường. Nếu so với kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2021 (6,5 - 7%) thì 6 tháng cuối năm chỉ cần tăng khoảng 2,3% là đủ đạt chỉ tiêu.
Khảo sát của Cục Thống kê (khi dịch bệnh chưa bùng phát đợt này) cho biết, khoảng 47,6% doanh nghiệp chế biến, chế tạo (một trong những động lực chính của tăng trưởng) dự báo sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn các quý trước. Khối lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng có chiều hướng gia tăng hơn nhiều so với 6 tháng qua sẽ lại đảo chiều, sẽ không giữ được đà tăng trưởng… khi đối mặt với những ngày giãn cách xã hội, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, cơ quan tài chính sẽ theo dõi chặt, đánh giá, phân tích kịp thời các tác động của dịch bệnh, linh hoạt điều hành thu - chi ngân sách địa phương theo phát triển kinh tế giữa tác động dịch bệnh. Chủ động cân đối ngân sách từng giai đoạn. Theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách hàng tháng, quản lý tốt các nguồn thu phát sinh, nợ đọng thuế, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế, khu vực, nhất là các doanh nghiệp có số thu lớn để đề ra giải pháp cụ thể kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, sức khỏe doanh nghiệp đang yếu dần, khó có thể lấy lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn.
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, mặc dù tăng 11,7% nhưng so với cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 0,8%. Hiện một số ngành kinh tế vẫn chưa phục hồi. Dịch vụ du lịch đứng bánh.
Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng đến 33%. Nông sản rớt giá, tiêu thụ chậm. Dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Khả năng phân phối, tiêu thụ, sức cạnh tranh của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) yếu. Tổng vốn đầu tư phát triển mới giải ngân đạt 39,79% kế hoạch.
“Dịch bệnh khó lường có thể tác động đến 6 tháng cuối năm. Cần thường xuyên đánh giá, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dự lường những thay đổi theo hướng khó khăn của nền kinh tế để tạo lực cho đà tăng trưởng” - ông Nguyễn Đức, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn trong vài năm đến. Chính quyền sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng phần mềm đánh giá, phân tích biến động thị trường, bắt được “bệnh”, theo dõi sức khỏe của doanh nghiệp để hỗ trợ. Không còn cách nào khác hơn để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng là nỗ lực thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, sớm đưa các dự án hoạt động, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư.
Phân tích đầy đủ, kịp thời tác động của bệnh dịch và chính sách gia hạn, thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí của Chính phủ đến sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một khi nền kinh tế khó khăn thì đầu tư công sẽ phải dẫn dắt. Sẽ mở một hội nghị chuyên đề đầu tư công để nhận diện, mổ xẻ, tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp nền kinh tế hấp thụ vốn.
Linh hoạt điều hành ngân sách
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kéo theo số thu ngân sách nội địa tăng 65,1% (10.420 tỷ đồng) so cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, nền kinh tế đang bị tác động, nhưng kể cả trong tình huống xấu nhất, thu ngân sách nội địa cũng sẽ đạt và vượt.
“Dự toán giao thấp hơn thực tế, chỉ 16.000 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2020 đầy khó khăn vẫn thu được 18.200 tỷ đồng, nên kế hoạch năm 2021 sẽ không có gì khó khăn. Song điều quan trọng nhất vẫn là chuyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ” - ông Phong nói
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói, thu ngân sách tốt nhưng vẫn còn 3/17 khoản thu nội địa chưa đạt. Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước nhưng vẫn còn 9/13 khoản chi chưa đạt dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp. Hiện vẫn còn 95/225 dự án có tỷ lệ giải ngân 0% nên sẽ khó giải ngân hết vốn năm 2021.
Ông Đức “hiến kế” cần đánh giá kết quả thu ngân sách từ những dự án bất động sản, khu dân cư, nhà ở thương mại để có những giải pháp đốc thu phù hợp. Chính quyền cần ban hành các cơ chế tạo quỹ đất sạch, quản lý, khai thác quỹ đất công, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu từ đất, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Không động thổ, khởi công, khánh thành, không đi nước ngoài, dừng các lễ hội, kỷ niệm, tăng cường quản lý chi đầu tư, giải ngân hết vốn là các biện pháp UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhằm tiết kiệm, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, các cấp ngân sách sẽ điều hành ngân sách bám sát dự toán và tiến độ thu. Định kỳ hàng quý, đánh giá lại khả năng thu ngân sách để chủ động điều hành. Kịp thời giải quyết các chế độ chính sách, an sinh xã hội, đảm bảo kinh phí phòng tránh khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh, bố trí nguồn để thực hiện phòng chống dịch và phục vụ chiến lược tiêm vắc xin cho người dân.
Nếu trường hợp thu cân đối ngân sách dự kiến giảm so với dự toán được giao, sẽ chủ động xây dựng phương án điều hành để đảm bảo cân đối ngân sách. Chỉ ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội, giảm nghèo… Thực hiện điều chỉnh giảm chi tương ứng, cắt giảm, giãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định!
Nỗ lực, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021
Cho rằng nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2021 rất nặng nề, Chủ tịch Lê Trí Thanh đề nghị cần sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức; sáng tạo, bám sát tình hình, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm phấn đấu đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Các nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung trong thời gian tới, đó là tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng chống dịch lâu dài.
Tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh tại khu công nghiệp, đồng thời hoàn chỉnh phương án sản xuất để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Về thu ngân sách 6 tháng còn lại dự báo sẽ gặp khó khăn, nên cần chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành, rà soát các khoản thu, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất đối với các dự án chưa nộp, dự án chưa tính tiền sử dụng đất và các khoản thuế, phí tài nguyên, khoáng sản.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm, dự án khởi công mới năm 2021.
Kiên quyết cắt, giảm, dừng triển khai, điều chuyển vốn các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có nhu cầu về bồi thường, giải phóng mặt bằng và những dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% các nguồn vốn đầu tư công và đạt tỷ lệ 100% giải ngân vốn của kế hoạch năm 2021. XUÂN PHÚ - NGUYÊN ĐOAN (ghi)