Ngành GD-ĐT đang triển khai dạy - học thích ứng an toàn dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Song với việc tổ chức dạy - học như hiện nay, không ít phụ huynh băn khoăn chất lượng học tập có đảm bảo?
Băn khoăn
Thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh nên dù số lượng học sinh (HS) và giáo viên (GV) bị nhiễm Covid-19 khá nhiều nhưng thời gian qua, ngành GD-ĐT vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp tại trường học.
Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay hầu hết trường trên địa bàn tỉnh đều tổ chức dạy học trực tiếp, trừ cục bộ những lớp có số lượng F0, F1 nhiều phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến thời gian ngắn.
Tuy nhiên, vì dạy học trực tiếp trong khi có những trường hợp HS rơi vào hoàn cảnh liên tục hết F1 rồi trở thành F0 không thể đến trường, cũng chẳng được học trực tuyến nên phụ huynh băn khoăn về việc học tập của con em.
Một phụ huynh ở phường Tân Thạnh (Tam Kỳ) nói: “Thiệt khổ! Đứa lớn F1 của em trai F0 phải nghỉ học, tiếp đó trở thành F0 nên tiếp tục nghỉ. Vừa mới đi học được hai buổi thì bây giờ lại F1 với bạn học F0 phải nghỉ tiếp 5 ngày nữa”.
Tương tự, một phụ huynh tên Lục ở phường Hòa Hương chia sẻ, cháu bà phải nghỉ học liên tục gần 20 ngày vì trong gia đình hết ba, mẹ đến em nhiễm bệnh kéo dài. “Không biết cháu có theo kịp chương trình không vì nghỉ học nhiều quá trong khi sức học hạn chế” - bà Lục tâm tư.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) cho biết, có thời điểm có lớp khoảng 1/3 HS nghỉ học do rơi vào trường hợp F0, F1. Những em không thể đi học trực tiếp tại trường cô giáo gửi bài cho các em làm bài ở nhà rồi chụp ảnh gửi qua zalo để GV kiểm tra, sửa lỗi.
Một số phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc học của con em nên liên lạc để cô giáo hướng dẫn thêm. Trường hợp GV bị F0 triệu chứng nhẹ chuyển sang dạy trực tuyến cho các em.
Theo cô Hữu, chương trình vừa rồi có sự điều chỉnh nên đến nay kiến thức cơ bản gần hoàn thành. Kế hoạch của nhà trường trong tháng 4 sẽ tổ chức dạy tăng cường để ôn tập, củng cố kiến thức vào buổi chiều (hiện nay dạy một buổi sáng). “Đúng là hiện nay việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn nhưng phải cố gắng khắc phục” - cô Hữu chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) - thầy Trần Anh Hải cũng cho rằng, việc tổ chức dạy học vừa trực tiếp vừa trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, GV rất vất vả, chất lượng không cao.
Nhưng trong điều kiện hiện nay phải chấp nhận để có thể dạy học theo Quyết định 543 (23.2.2022) của Bộ GD-ĐT ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học.
Nỗ lực dạy học
Thầy Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) thông tin, trước tình trạng nhiều HS phải cách ly, nhà trường thực hiện các phương án khác nhau để đáp ứng yêu cầu dạy học, đảm bảo chất lượng.
Lớp có ít HS nghỉ học sẽ dạy trực tiếp, còn lớp nhiều HS nghỉ học sẽ thực hiện đồng thời dạy học trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của trường không đáp ứng, chỉ 4/24 phòng đủ điều kiện để bố trí dạy học trực tiếp và trực tuyến.
“Nếu lớp của HS diện F1, F0 chỉ dạy trực tiếp thì các em ở nhà có thể vào học trực tuyến tại những lớp dạy trực tuyến theo link mà nhà trường thông báo cho phụ huynh, HS. Trường hợp không có điều kiện học cả hai hình thức này thì GV gửi bài qua zalo để các em tự học, khi đi học lại có thể trao đổi thêm với thầy cô” - thầy Lực nói.
Cũng theo thầy Lực, không có quy định bao nhiêu HS nghỉ học thì cả lớp chuyển sang học trực tuyến nên có 2 xu hướng, hoặc học trực tiếp hoặc học trực tuyến. Thế nhưng trong điều kiện thích ứng an toàn phải đồng thời thực hiện cả hai, mong các bậc phụ huynh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố một số trường đang triển khai đồng thời dạy học trực tiếp và trực tuyến khá tốt, tiêu biểu như Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.
Tất nhiên, việc dạy học trực tuyến có hạn chế là HS ít có sự tương tác với GV, thầy cô cũng vất vả hơn. Phòng yêu cầu các trường tăng cường tổ chức dạy ngoài giờ nhằm bổ sung kiến thức cho HS.
Theo ông Châu Văn Thủy - Phó phòng phụ trách phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo các phương án dạy học trong tình hình mới; tùy theo điều kiện, tình hình của địa phương, trường học lựa chọn cho phù hợp, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục vừa an toàn phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, chỉ đạo của ngành là các trường học chủ động trong việc quyết định các phương án dạy học trên cơ sở tình hình thực tế và điều kiện của đơn vị.