Quy định lấy ý kiến thống nhất từ cấp trên đến hai lần khi lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch hiện nay cũng là một trong những khó khăn khiến tiến độ nhiều đồ án quy hoạch trở nên ì ạch.
Thời gian gần đây lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần đề cập, đôn đốc các cơ quan liên quan tại Hội nghị Tỉnh ủy cũng như các buổi làm việc về việc tập trung hướng dẫn thẩm định, sớm hoàn thiện các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xã, quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai…
Thực tế không ít đồ án quy hoạch vẫn ì ạch tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chờ đợi quá lâu với bước lấy ý kiến cấp trên. Nội dung ý kiến thuộc về chuyên môn và thống nhất bằng văn bản của cấp trên thì cấp lập, phê duyệt quy hoạch mới có thể phê duyệt đồ án.
Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đó gần như là một bước thẩm định và cũng là nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian quy hoạch nhiều đồ án trong những năm qua.
“Đồ án cấp huyện gửi lên sở hoặc các hồ sơ như đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa, đô thị mới Bình Minh… mỗi lần lấy ý kiến chắc chắn phải mất vài tháng chờ đợi.
Nếu vẫn giữ quy định như hiện tại thì cần nghiên cứu cho phép cơ quan lập, phê duyệt quy hoạch lấy ý kiến cấp trên nhưng chỉ là tham khảo còn thẩm quyền của cấp lập, phê duyệt quy hoạch là có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu và có ý kiến giải trình thay vì phải được cho ý kiến thống nhất như hiện nay” - ông Hùng nói.
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, một đồ án quy hoạch do cấp huyện lập hiện phải thực hiện lấy ý kiến cấp trên, cụ thể là Sở Xây dựng 2 lần ở thời điểm lập nhiệm vụ và lập đồ án.
“Những đồ án quy hoạch này nên xem xét chỉ lấy ý kiến một lần, nếu đã lấy ý kiến lúc lập nhiệm vụ thì không lấy ở lúc lập đồ án và ngược lại. Vì việc thẩm định và phê duyệt đồ án thuộc trách nhiệm cấp huyện nhưng chỉ riêng việc chờ lấy ý kiến có thể mất đến cả năm, trong khi quá trình triển khai thực hiện thì trách nhiệm cũng thuộc về cơ quan phê duyệt” - ông Đặng Hữu Phúc đề xuất.
Thực tiễn tại Quảng Nam cho thấy, những năm trước đây có đồ án từ lúc lập nhiệm vụ quy hoạch đến khi phê duyệt quy hoạch mất đến 4-5 năm.
Từ đó dẫn đến bối cảnh thực tế về kinh tế - xã hội của các khu vực nằm trong quy hoạch đã chuyển động rất nhiều, tất yếu khiến không ít nội dung của đồ án quy hoạch không theo kịp đà phát triển của khu vực đó.
Hiện nay, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang trong quá trình dự thảo, một khi thông qua sẽ bao trùm việc quản lý các quy hoạch. Vì vậy, cần xem xét lại quy trình lấy ý kiến thống nhất theo trình tự về các đồ án quy hoạch để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện để các đồ án quy hoạch sớm đi vào thực tiễn, mở đường cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.