Việc các quỹ tài chính hoạt động không mấy hiệu quả, tiền vốn nhàn rỗi chủ yếu gửi ngân hàng lấy lãi, doanh nghiệp không thể tiếp cận được… là câu chuyện được quan tâm tại phiên chất vấn ngày 7.12.2017, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX.
Nhiều địa phương thiếu tiền giải phóng mặt bằng nhưng khó tiếp cận vốn từ Quỹ phát triển đất. Ảnh: T.D |
Phân tán nguồn lực
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, hiện Quảng Nam có 20 quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (7 quỹ có tính chất hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo toàn, phát triển vốn và 13 quỹ có tính chất hỗ trợ an sinh xã hội, không bảo toàn vốn. Tổng vốn khoảng 1.363,356 tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách nhà nước chiếm đến 857,092 tỷ đồng). Thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều đại biểu cho rằng hiện có quá nhiều quỹ tương đồng nhau làm phân tán nguồn lực và thiếu thống nhất về cơ chế quản lý, cần một cuộc rà soát, sắp xếp phù hợp hơn. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn, nhất là các Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ và Quỹ phát triển đất. Đại biểu Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh đã làm nghị trường “bất ngờ” khi cho rằng, Quỹ phát triển đất cho ứng với số vốn khá ít ỏi. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn hơn 85 tỷ đồng nhưng chưa bảo lãnh cho doanh nghiệp nào. Chênh lệch thu chi hàng năm chủ yếu là tiền lãi ngân hàng. Tại sao cho vay thấp, tiền đem gửi ngân hàng lấy lãi lại bố trí vốn nhiều và tăng dần qua các năm. “Giám đốc Sở Tài chính có nhận xét và giải pháp gì và nếu kiện toàn thì cho thời gian cụ thể?” - ông Đức nói.
Đại biểu Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói, mỗi năm vốn ngân sách phân bổ cho các quỹ lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng các quỹ hầu như chưa phát huy hiệu quả và quỹ cũng chưa tìm thêm nguồn lực gia tăng. Vẫn chủ yếu sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tiết kiệm lấy lãi. Trong khi đó, 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Nam đang rất khó khăn nhưng không thể tiếp cận được vốn. Ông Phương đặt câu hỏi tồn ngân lớn, lấy lãi hoạt động nhưng hàng năm vẫn ghi thêm vốn. Còn Quỹ đầu tư phát triển nhận ủy thác, lại góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhưng 5 cán bộ kiêm nhiệm đã có đến 4 người của Quỹ đầu tư phát triển thì có hợp lý, có tính đến rủi ro của ngân sách hay không? Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng đặt vấn đề: “Cơ sở nào để các quỹ cho vay các dự án khi chưa có sự chấp thuận của HĐND tỉnh? Còn quỹ phát triển đất thừa tiền trong khi các địa phương thiếu tiền để giải phóng mặt bằng thì tại sao không thể cho vay?”.
Lúng túng trong quản lý
Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính thừa nhận một số quỹ hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, sử dụng vốn chưa hiệu quả. Lợi nhuận lẽ ra phải từ hoạt động cho vay nhưng thực tế vẫn là từ tiền lãi ngân hàng. Cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam dư nợ cho vay thấp, trong khi nguồn vốn còn lớn; Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Kiểm toán Nhà nước khu vực III đã chỉ trích việc Quỹ đầu tư phát triển sử dụng vốn điều lệ 163 tỷ đồng gửi ngân hàng thương mại để thu lãi, không đáp ứng mục tiêu góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội hay huy động một khoản ký quỹ ngắn hạn từ các nhà đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh 456 triệu đồng là không phù hợp. Tuy nhiên, ông Chín nói Sở Tài chính chỉ tổng hợp tình hình hoạt động các quỹ báo cáo. Quá trình tiếp cận có những hạn chế nhận định về thông tin nên không thể trả lời chính xác.
Cũng theo ông Phan Văn Chín, không thể huy động bao nhiêu cho vay hết bấy nhiêu được. Tiền còn lại phải gửi ngân hàng là tất yếu. Số tiền còn lại của Quỹ đầu tư phát triển sẽ tiếp tục tìm dự án cho vay. Còn Quỹ bảo lãnh tín dụng không thể cho vay được bởi ban điều hành chưa năng động tiếp cận doanh nghiệp và phạm vi bảo lãnh hẹp. Ông Chín đề nghị mở rộng phạm vi bảo lãnh doanh nghiệp trong một vài năm nữa, nếu không thể sẽ giải thể. Đối với Quỹ phát triển quỹ đất, ông Chín nói, khá nhiều địa phương xin ứng mà không trả, đi đòi rất mệt, gia hạn nhiều lần nên không nhiệt tình cho tạm ứng nữa. “Việc sử dụng quỹ đúng hay sai thì trách nhiệm thuộc về các ban quản lý, ban điều hành quỹ, các cơ quan quản lý nhà nước. Sai thì họ sai chứ sao lại đổ cho Giám đốc Sở Tài chính được. Chậm nhất trong quý II.2018 sẽ sắp xếp kiện toàn bộ máy các quỹ” - ông Chín nói.
Tuy nhiên, trả lời của Giám đốc Sở Tài chính chưa làm hài lòng các đại biểu. Ông Võ Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói, quyết định cho ai vay thì phải trình HĐND nhưng tại sao không thực hiện? Năm 2018 không có danh mục đầu tư trình HĐND thì tại sao lại phải phân bổ tiếp vốn. Phải “phanh” chuyện này lại. Ngay như tiền quỹ phát triển đất đem ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển tiến hành góp vốn thành lập doanh nghiệp thì rủi ro rất lớn.
Trả lời vấn đề này, ông Chín cho rằng, Quỹ đầu tư phát triển có chức năng góp vốn thành lập đúng theo quy định nhưng cho vay có thông qua HĐND tỉnh không thì chưa có quy định cụ thể, sở sẽ nghiên cứu thêm.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị UBND tỉnh cân nhắc về tính hiệu quả của các quỹ tài chính này để có thể bổ sung thêm vốn. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói thêm rằng, hiện tại các quỹ hoạt động chưa thật sự hiệu quả nhưng việc bảo đảm an toàn vốn rất cao. Hiện lãi suất ngân hàng đã giảm. Ngân hàng có thể linh hoạt lãi suất cho vay, nhưng các quỹ thì không thể giảm được, doanh nghiệp chọn lựa, không thể tiếp cận thì làm sao vốn từ các quỹ này “bơm” ra ngoài thị trường được.
TRỊNH DŨNG