Mối quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh, học sinh (HS) hiện nay là có tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020 hay không, và nếu thi thì như thế nào khi mà chưa biết ngày đi học trở lại.
Phương án thi và không thi
Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia trong tình hình dịch Covid 19, trong đó đáng chú ý có cả “kịch bản” không tổ chức kỳ thi này. Trước đó, trong quyết định điều chỉnh lần thứ 2 khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 của Bộ GD-ĐT, thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 - 11.8 sau thời điểm kết thúc năm học 15.7.
Theo Bộ GD-ĐT, nếu HS đi học trước ngày 15.6 thì vẫn có thể tổ chức thi THPT quốc gia. Vì sau khi kết thúc năm học vào 15.7, HS có khoảng 1 tháng để ôn tập trước khi tham gia kỳ thi, như năm 2019.
Lý giải nguyên nhân vẫn tổ chức kỳ thi THPT trong khi quỹ thời gian eo hẹp, Bộ GD-ĐT cho rằng, học kỳ II có thời lượng 18 tuần. Sau khi học 2 tuần mới nghỉ vì dịch bệnh, hiện nay chương trình lớp 12 đã được tinh giản, nên chương trình còn lại khoảng 10 tuần. Nếu tính từ khi tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 15.4 theo hướng dẫn, cộng với thời gian 1 tháng đi học trực tiếp trở lại (muộn nhất từ 15.6), vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học như kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời báo chí khẳng định, nếu dịch bệnh được kiểm soát vẫn có thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia để duy trì động lực học tập của HS.
Phương thức thi cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019, đồng thời có một số điều chỉnh. Hiện nay chương trình học kỳ II lớp 12 đã tinh giản nên nội dung nào tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa qua cũng đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ yêu cầu đối với HS.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, bộ cũng đã tính toán phương án không tổ chức thi THPT quốc gia, xin ý kiến Chính phủ và trình Quốc hội quyết định, nếu trường hợp vì lý do bất khả kháng, không đảm bảo tổ chức kỳ thi như dự kiến.
Nhiều băn khoăn
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành cho biết, thời gian qua, nhà trường triển khai chương trình dạy học trực tuyến E-Learning cho HS lớp 10, 11 còn lớp 12 học qua truyền hình. Tuy nhiên, khó đánh giá hiệu quả và chất lượng bởi sự tương tác giữa giáo viên và HS rất ít, thậm chí gần như không có; sự tích cực trong việc học của các em cũng giảm sút. Đó là chưa kể, không phải tất cả các em đều có điều kiện để học. Thống kê chưa đầy đủ của trường cho thấy, chỉ khoảng 40 - 50% HS học qua internet.
Theo phân tích của thầy Thiện, nếu muộn nhất là ngày 15.6 trường học mới mở cửa trở lại có nghĩa chỉ có 1 tháng trước khi kết thúc năm học. Vậy làm sao hoàn thành chương trình vì thời gian dành cho kiểm tra định kỳ đã chiếm gần hết? Hơn nữa, nhà trường cũng phải tổ chức dạy lại từ đầu cho HS thuộc diện chưa được học trực tuyến để giúp các em nắm được bài.
“Theo tôi, ngay cả nếu đi học lại từ 15.5 thì Bộ GD-ĐT cũng nên tính toán đến việc tiếp tục tinh giản thêm. Còn nếu không thi mà chỉ xét tốt nghiệp THPT thì HS cũng phải học và có kết quả học kỳ II, đảm bảo lượng kiến thức cần thiết” - thầy Thiện chia sẻ.
Trao đổi với một số nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo trường học, hầu hết cũng đều băn khoăn và cho rằng, tính toán của Bộ GD-ĐT là trên lý thuyết, còn thực tế rất khó khăn để hoàn thành chương trình năm học.
Việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian qua về mặt nào đó rất có ý nghĩa đối với HS. Tuy nhiên, rất nhiều con em gia đình khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ chịu thiệt thòi do không thể tiếp cận với việc dạy học này. Vì vậy, không thể lấy các thành phố, một số địa phương, trường học có điều kiện để áp đại trà cho cả nước là HS đã được học trong thời gian nghỉ vì dịch.
Chia sẻ quan điểm về thi THPT quốc gia vốn đang được bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều hiện nay, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng thi THPT quốc gia được quy định trong Luật Giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng đã có quyết định tinh giản nội dung chương trình cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Vì vậy, nếu tính đến phương án không thi sẽ phải sửa luật.
“Nhiệm vụ quan trọng đối với các trường học lúc này là phải thống kê, lập danh sách những HS không có điều kiện học tập qua internet, truyền hình để có kế hoạch dạy bù khi trở lại trường. Đồng thời, cũng có thể chuẩn bị hồ sơ tốt nghiệp, tuyển sinh, sơ kết học kỳ II và cả năm học để đến lúc cấp có thẩm quyền cho đi học trở lại thì chỉ tập trung vào việc dạy, ôn tập, phụ đạo. Có như vậy mới đảm bảo chương trình và đạt yêu cầu chất lượng” - ông Quốc nói.