(QNO) - Ngày 5.10, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc để nghe báo cáo 2 dự thảo đề án dự kiến trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới.
Tại cuộc họp, đại biểu được nghe báo cáo dự thảo đề án “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi” và dự thảo đề án “Quy định nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025”.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý của các ngành, đơn vị, địa phương và tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, đến nay dự thảo nội dung của 2 đề án nêu trên đã cơ bản hoàn thiện.
Theo dự thảo đề án “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi”, toàn tỉnh sẽ có 75 khu vực thuộc 11 địa phương gồm Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Núi Thành, Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My không được phép chăn nuôi khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. Ngoài ra, quy định không được phép chăn nuôi còn áp dụng đối với các khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Còn theo dự thảo đề án “Quy định nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025”, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất gồm: hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ và các nội dung hỗ trợ khác.
Nội dung hỗ trợ chủ yếu là về giống cây trồng - con vật nuôi, các loại vật tư, tư vấn xây dựng liên kết, khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị, đánh giá thị trường và phương án phát triển thị trường, tập huấn kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, hỗ trợ vật tư làm nhà xưởng sản xuất và mua sắm máy móc, hỗ trợ chi phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quảng bá xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ...
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng, người lao động, hộ gia đình, cá nhân liên quan tham gia quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Quảng Nam. Phạm vi thực hiện gồm 3 khu vực: địa bàn đặc biệt khó khăn, địa bàn khó khăn và các xã, thị trấn còn lại.
Hầu hết ý kiến tại cuộc họp cơ bản thống nhất với nội dung chính của dự thảo 2 đề án. Riêng đối với đề án về hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo chú ý mức hỗ trợ nên dẫn theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành; bổ sung, giải trình mức đề xuất. Đặc biệt, cần xem lại các mức hỗ trợ về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho phù hợp với các nghị quyết của HĐND tỉnh.