Bản lĩnh người trẻ

VĂN HÀO 24/07/2015 10:10

Gian nan chưa hẳn đã qua nhưng với thanh niên Phan Duy Nhựt (SN 1984, thôn Kỳ Tân, xã Tam Dân, Phú Ninh), thành công lớn nhất khi tạo dựng được một công ty may ngay tại quê nhà chính là bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của người trẻ.

Ly nông bất ly hương

Lần lữa qua vài cuộc hẹn, Nhựt cũng dành cho chúng tôi một khoảng thời gian ngắn để trò chuyện. “Các đối tác ở Sài Gòn bay ra kiểm hàng, rồi chuẩn bị kế hoạch cho một hợp đồng làm ăn mới nên bận quá!” - anh mở chuyện như để thanh minh. Qua nhiều năm bon chen kiếm sống chốn thị thành, năm 2007, Phan Duy Nhựt và bạn đời quyết định rời Sài Gòn về quê lập nghiệp sau khi lận lưng được một ít vốn và kinh nghiệm. Buổi đầu khởi nghiệp, thiếu vốn và thừa… khó khăn, hai vợ chồng thường rỉ tai nhau cùng “đồng lòng tát biển”. “Có chút điểm tựa là được gia đình hai bên ủng hộ, cũng đông anh em nên chạy vạy mượn mỗi chỗ một ít, lấy ngắn nuôi dài thôi” - Nhựt tiếp lời.

Công ty May của Phan Duy Nhựt tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.  Ảnh: VĂN HÀO
Công ty May của Phan Duy Nhựt tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: VĂN HÀO

Tận dụng căn nhà rộng của ba mẹ, anh Nhựt ngăn làm hai để đặt máy may. Anh tâm sự, mới đầu chỉ có 5 cái máy, vì may gia công nên đối tác chưa tin tưởng giao hàng. Tận dụng một vài mối quan hệ lúc hai vợ chồng cùng đi may trong Sài Gòn nên cũng có hàng chuyển ra nhờ gia công, tuy không nhiều. “Tôi đặt ra yêu cầu, chất lượng tiêu chí hàng đầu để tạo dựng uy tín. Có vậy mới mới có thể kết nối doanh nghiệp, mở rộng phạm vi may” - Nhựt đúc kết. Khi có được đồng ra đồng vào, nguồn hàng về nhiều hơn nên vợ chồng quyết định đứng ra thành lập công ty năm 2011. “Mặc dù trên danh nghĩa có tên là Công ty TNHH Phan Gia nhưng vợ chồng thường quan niệm chỉ là một tổ hợp tác may gia công thôi. Không phải vì số lượng công nhân  hiện nay mới có khoảng hơn 20 người, mà vì ở quê kêu từ “công ty” nghe “sang” quá” - chị vợ là Nguyễn Thị Hồng Linh, hài hước góp chuyện.

Chị Hồng Linh cũng là người Phú Ninh, rất trẻ và luôn là chỗ dựa trên con đường đầu tư làm ăn của chồng mình. Anh chị tâm sự, đang tìm kiếm mặt bằng cũng tại quê nhà để sắp tới chuẩn bị mở rộng quy mô hoạt động. Đến nay công ty có trên 30 máy may công nghiệp và nhiều máy móc thiết bị khác. “Ly nông bất ly hương” trong cách nghĩ của đôi vợ chồng này, là phải biết khai thác tiềm năng tại mỗi địa phương, và có một bản lĩnh vững vàng.

Giải quyết lao động

Thực tế, từ khi Công ty TNHH Phan Gia được thành lập đã “kéo” rất nhiều công nhân may mặc quê ở Tam Dân đang làm ở phía Nam quyết định hồi hương. Ngoài ra, từ “nghề dạy nghề”, nhiều chị em khác tại vùng quê này cũng đã tìm cho mình một công việc làm ổn định. Với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng tại xưởng may trên, bài toán việc làm, nghề nghiệp cho nhiều phụ nữ địa phương phần nào được giải quyết.

Chị Bùi Thị Hạnh (28 tuổi, xã Tam Dân) làm tại Công ty May Phan Gia được 3 năm nay. Chị kể, hồi trước cũng theo nghề này ở trong Sài Gòn, nhưng rồi lấy chồng sinh con nên cuộc sống ngày đó rất chật vật, toan tính đủ thứ. “Làm ở quê sướng gấp nhiều lần trong đó, được gần gia đình rồi không bị áp lực, căng thẳng. Ở đây, mọi người thân nhau như chị em vì ở cùng địa phương mình hết. Ai có gửi trẻ thì đến giờ cứ đi đón, nhà có việc thì xin nghỉ, công ty rất tạo điều kiện để chị em vừa làm việc nhưng vẫn giải quyết hài hòa nếu bận việc gia đình” - chị Hạnh tâm sự. Giống như chị Hạnh, chị Đặng Thị Mỹ Trang (35 tuổi, thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân) cũng từ Nam về làm tại xưởng may này được 5 năm. “Sống xa quê kham khổ, có lần tết nhưng tôi không về thăm quê được vì nhiều lý do. Bây chừ sống và làm việc ngay tại quê hương mình, cuộc sống khá hơn, chuyện con cái ăn học cũng nhẹ gánh hẳn” - chị Trang hồ hởi nói. Theo vợ chồng anh Nhựt, nhu cầu lao động nữ tại địa phương này vẫn còn cao, nên hy vọng rằng sắp tới khi mở rộng thêm quy mô sản xuất sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều chị em khác.

Bên cạnh nhiều dự định, tham vọng, anh Phan Duy Nhựt còn tâm sự, tương lai gần sẽ mở một nhà giữ trẻ giúp công nhân trong việc chăm lo con cái và để yên tâm làm việc. Anh Nguyễn Trung Thạch - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Phú Ninh, đánh giá: “Không chỉ là thanh niên mạnh dạn đầu tư làm giàu trên chính quê hương qua đó góp phần giải quyết việc làm ở địa phương, Nhựt còn là tấm gương ưu tú từng được Tỉnh đoàn tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” nhiều năm liền”.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản lĩnh người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO