Bản nhạc đồng quê

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/11/2016 07:45

1. Có một vài tin vui đến với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có 4 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất khẩu, trong 9 tháng qua đã đóng góp 7,57 tỷ USD vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước, cao hơn 1,342 tỷ USD so với cùng kỳ 2015. Trong đó, cà phê đạt kim ngạch 2,515 tỷ USD, hạt điều đạt 2,045 tỷ USD; rau quả đạt 1,813 tỷ USD; hạt tiêu đạt 1,197 tỷ USD.

Điều vui hơn là sản phẩm của đồng đất xứ Việt, với những thứ trái cây quê kiểng, đã tìm được lối đi ra thế giới dù con đường chưa rộng mở lắm. Sau khi trái vải vào Úc, thì đến trái thanh long ruột đỏ vào Mã Lai...

Có vui mà cũng có buồn là kim ngạch xuất khẩu của nông lâm thủy sản đã đạt khoảng gần 24 tỷ USD, tăng hơn năm ngoái, tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia, những cố gắng đơn lẻ của từng mặt hàng sẽ không tạo nên sức mạnh chung và làm người tiêu dùng nước ngoài chưa nhận diện được đầy đủ, đánh giá đúng mức về chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Một bản nhạc được làm nên từ những nốt nhạc, nhưng phải là sự hài hòa, phối âm tổng thể, có như vậy mới mong ra được sân chơi với người ta.

2. Một số người trẻ năng động sáng tạo đã về với đồng quê để tìm cách sản xuất hạt gạo sạch. Có bạn trẻ, có bằng kỹ sư, cử nhân, còn bỏ ngang việc làm ở thành phố để về lập nghiệp trên quê nhà. Như câu chuyện mà Báo Quảng Nam từng phản ánh là chàng trai Võ Ngọc Sơn, quê Đại Lộc, đã về thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp & dịch vụ Duy Đại Sơn. Là một kỹ sư cầu đường, có việc làm ở Sài Gòn với mức lương khá, nhưng Sơn đã quay về Quảng Nam lập trang trại chăn nuôi gà và heo, thu lãi hàng năm mấy tỷ đồng.

Không thiếu người cũng chọn cách trở về làm giàu trên đồng đất quê hương, bỏ lại sau lưng sự hào nhoáng thị thành hoa lệ. Về quê, họ có điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp, còn ở lại thành phố lớn mà trong tay chỉ có mỗi tấm bằng và một ước mơ đổi đời thì quá ít ỏi để “chiến đấu” trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Có bạn trẻ bày tỏ quan niệm rất đáng suy nghĩ rằng khởi nghiệp không có nghĩa là mặc áo vest, đi giày tây, ở đô thị lớn, ngồi văn phòng sang...

Chính những người trẻ đã tạo nên cảm hứng khởi nghiệp vào đời trên đồng đất quê hương luôn cho ta cảm nhận bản nhạc mới mẻ. Sự thành công đến từ mọi nẻo đường nhưng con đường về quê lập nghiệp luôn gợi lên sự ấm áp và cả niềm mong đợi.

3. Có hay không trào lưu trở về với bản nhạc đồng quê không chỉ để làm ăn mà còn vì chất lượng cuộc sống? Gần đây, nhiều người nhắc lại câu chuyện của Masanubo Fukuoka, người Nhật, được xem là ông tổ của nông nghiệp thuận tự nhiên. Fukuoka có một thời thanh niên làm nghiên cứu sinh đam mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về bệnh học cây trồng. Do làm việc quá độ đã khiến ông bị ngất trong phòng thí nghiệm vì bị tràn khí màng phổi. Rồi một ngày, ông viết đơn xin nghỉ việc trong sự bất ngờ của các đồng nghiệp bởi Fukuoka không hề có biểu hiện chán công việc hay xích mích đồng nghiệp. Các đồng nghiệp của Fukuoka cho rằng chuyện nghỉ việc ở thành phố trở về làng thực hiện những lý tưởng sống là kỳ quặc, lập dị. Thế nhưng, rốt cuộc Fukuoka đã thành công trong việc thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên và được xem như là một nhà hiền triết của đời sống hạnh phúc.

Chúng ta đang chứng kiến những thành phố lớn ngày càng quá tải, xô bồ. Tình trạng kẹt xe, ngập nước “phố cũng như sông”, rồi khói bụi, tiếng ồn... đang đè nặng cuộc sống cư dân đô thị. Dù có thể ở thành phố lớn có nhiều cơ hội tìm việc làm, được tiếp cận với những thành tố văn minh, hiện đại, nhưng khó mà nói chất lượng sống ở TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội đã tốt hơn vùng ngoại ô với phong cảnh đồng quê. Có lẽ vì thế mà giới nhà giàu đang dịch chuyển về ven đô để cất nhà, biệt thự vườn.

Ước mơ cho một đời sống kiểu Fukuoka, không chỉ là sản xuất nông nghiệp, mà còn đưa giai điệu đồng quê vào bản nhạc lòng người.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản nhạc đồng quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO